Tuyển sinh vào lớp 10: Băn khoăn xét tuyển và thi tuyển

Thứ năm, 02/03/2023 12:06
(ĐCSVN) - Thông tin về một số địa phương không tổ chức thi tuyển sinh lớp 10, thay vào đó là xét tuyển đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bên cạnh những quan điểm đồng tình, còn có nhiều ý kiến băn khoăn về chất lượng, kết quả xét tuyển vào lớp 10…

Những địa phương tiên phong

Năm học 2023 - 2024, tỉnh Đồng Tháp không tổ chức thi tuyển sinh lớp 10, thay vào đó là xét tuyển. Theo đồng chí Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, việc thực hiện thi tuyển hay xét tuyển thì tỉnh cũng theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Trước khi thực hiện phương thức xét tuyển học sinh vào lớp 10, ngành Giáo dục đã lấy ý kiến và tư vấn cho phụ huynh biết rõ về việc này. Cả 2 phương thức thi tuyển hay xét tuyển đều phải thành lập Hội đồng xét tuyển, công khai minh bạch tất cả các khâu; công khai kết quả tuyển sinh và Hội đồng xét tuyển sẽ thực hiện phúc khảo khi có khiếu nại.

Đồng Tháp sẽ tuyển sinh lớp 10 hệ không chuyên bằng kết quả học tập, rèn luyện của 4 năm học THCS. Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình cuối năm của 4 năm học THCS và điểm ưu tiên (nếu có), trong đó điểm trung bình cuối năm lớp 9 nhân hệ số 2. Đối với điểm hạnh kiểm, được xét bằng tổng điểm hạnh kiểm 4 năm học THCS. Hạnh kiểm tốt được tính 2,5 điểm; hạnh kiểm khá được tính 2,0 điểm và hạnh kiểm trung bình được tính 1,5 điểm.

 Một giờ học của học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: C.Phương.

Tương tự như Đồng Tháp, năm nay tại tỉnh Vĩnh Long, xét tuyển lớp 10 được áp dụng tại các trường trung học phổ thông và trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh. Riêng trường chuyên kết hợp cả hai hình thức xét tuyển và thi tuyển. Cụ thể mỗi học sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng, nhưng không tính nguyện vọng vào phổ thông dân tộc nội trú và trường chuyên. Học sinh không được thay đổi nguyện vọng, khi đã trúng tuyển ở 1 nguyện vọng bất kỳ thì không tham gia tuyển sinh những nguyện vọng tiếp theo. Những học sinh không trúng tuyển lớp 10 trường chuyên và phổ thông dân tộc nội trú sẽ được chuyển sang tuyển sinh trung học phổ thông bình thường.

Như vậy, trong năm học này, Đồng Tháp và Vĩnh Long là hai địa phương tiên phong trong việc tổ chức xét tuyển thay vì thi tuyển sinh lớp 10. Đây được coi là cách làm có tính chất đột phá với kỳ vọng sẽ giúp giảm áp lực cho học sinh, tạo cơ hội học tập bình đẳng, tiết kiệm cho các gia đình và xã hội.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trà, có con gái đang học lớp 9 Trường THCS Võ Thị Sáu, Thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Năm nay, nghe nhà trường thông tin sẽ xét tuyển vô lớp 10, trong đó điểm trung bình cuối năm lớp 9 sẽ nhân hệ số 2 nên tôi cũng quan tâm, động viên con với mong muốn con có được kết quả tốt. Nhiều người cũng đồng tình với phương thức xét tuyển vô lớp 10 để giảm bớt áp lực thi cử cho các con".

Có thể thấy, việc xét tuyển vào lớp 10 thay vì thi tuyển sẽ giảm áp lực học tập cho học sinh và cả các bậc phụ huynh; đồng thời, giảm gánh nặng tài chính khi phụ huynh không còn phải đầu tư cho con ôn luyện trước kỳ thi, cũng như tiết kiệm thời gian, kinh phí và công sức cho ngành giáo dục các địa phương.

Còn nhiều băn khoăn về chất lượng xét tuyển

Theo quy định tại Thông tư 03 ban hành năm 2019 của Bộ Giáo dục & Đào tạo, tuyển sinh vào THPT sẽ có 3 phương thức: Xét tuyển, thi tuyển, vừa thi vừa xét tuyển. Việc lựa chọn được giao cho UBND cấp tỉnh. Do đó, quyết định của hai tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long là hoàn toàn phù hợp với quy định, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám thử nghiệm.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng bày tỏ băn khoăn về tính khách quan và nguy cơ phát sinh tiêu cực khi thực hiện phương án xét tuyển lớp 10. Theo GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam, khi không chung một đề thi, mỗi giáo viên đánh giá học sinh mỗi khác nên việc áp dụng học bạ để xét tuyển sẽ có độ vênh nhất định. Mặt khác, việc xét tuyển dựa vào học bạ liên quan đến kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong cả 4 năm học THCS nên cần phải có quá trình chuẩn bị nhằm đánh giá chính xác kết quả của mỗi học sinh, bảo đảm yêu tố công bằng trong quá trình xét tuyển.

GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Trung Anh. 

Đồng tình với ý kiến trên, Thạc sĩ Phạm Hà Thanh, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết, trong điều kiện hiện nay, mỗi trường THCS có cách đánh giá khác nhau thì thi tuyển là khách quan nhất. Các cháu giỏi, có năng lực sẽ vào được trường THPT có chất lượng và ngược lại. Song, có thực tế là thi tuyển lớp 10 đang gây áp lực quá lớn cho học sinh và phụ huynh. Theo tôi, nên tổ chức thi tuyển vào lớp 10 nhưng cần giảm tải chương trình học; các trường THCS cần có chương trình giảng dạy tiệm cận với nội dung, hình thức của đề thi vào lớp 10.

Như đã nói, theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo, tuyển sinh vào lớp 10 sẽ có 3 phương thức: Xét tuyển, thi tuyển, vừa thi vừa xét tuyển. Mỗi phương thức đều có mặt tích cực cũng như hạn chế; khó có thể khẳng định phương thức nào là tối ưu, song cần hướng đến mục tiêu giảm áp lực cho học sinh, gia đình, xã hội trên cơ sở khách quan, chính xác. Việc lựa chọn phương án tuyển sinh lớp 10 như thế nào còn tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, chỉ tiêu đăng ký, chỉ tiêu tuyển sinh, đội ngũ giáo viên,… Căn cứ vào những điều kiện này, từng địa phương sẽ lựa chọn phương thức thi tuyển, xét tuyển và vừa thi vừa xét tuyển.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, để giảm áp lực tuyển sinh vào lớp 10, vấn đề cốt lõi là chính quyền các địa phương, ngành Giáo dục phải bố trí đủ chỗ học ở trường công lập cho học sinh sau khi học xong lớp 9; thường xuyên rà soát, có biện pháp rút ngắn khoảng cách về điều kiện giáo dục, chất lượng giáo dục giữa các trường công lập trên địa bàn…

Dù tuyển sinh theo phương thức nào, xét tuyển, thi tuyển hay vừa thi vừa xét tuyển, thiết nghĩ vấn đề quan trọng là cần đề cao trách nhiệm của các lực lượng có liên quan, phát huy tốt vai trò của Hội đồng tuyển sinh và thực hiện đầy đủ các quy định, quy chế. Đó là cơ sở để bảo đảm tính trung thực, khách quan, hiệu quả của công tác tuyển sinh vào lớp 10 tại các địa phương hiện nay./.

Nguyễn Thị Phượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực