|
PGS.TS Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng
Trường ĐH Ngoại thương |
Phóng viên (PV): Được biết, Trường ĐH Ngoại thương đã chính thức giành quyền tham gia “WTO Chairs Programme” (WCP) giai đoạn ba, từ năm 2022 đến năm 2026. Xin bà có thể nói khái quát tầm vóc của sự kiện này?
PGS.TS Phạm Thu Hương: Chương trình WTO Chairs được khởi động vào năm 2010 nhằm nâng cao kiến thức, hiểu biết về hệ thống thương mại trong giới học giả và các nhà hoạch định chính sách ở các nước đang phát triển thông qua các hoạt động phát triển chương trình đào tạo, các hoạt động nghiên cứu và các hoạt động truyền thông, lan tỏa tại các trường đại học và cơ quan nghiên cứu.
Các tổ chức học thuật dành được vị trí trong WTO Chairs nhận được sự hỗ trợ trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển chương trình đào tạo và các hoạt động truyền thông, lan tỏa tới cộng đồng. Vị trí trong WTO Chairs (chair-holders) được lựa chọn thông qua một quy trình cạnh tranh. Ban đầu chỉ có 14 tổ chức học thuật được lựa chọn vào WTO Chairs cho giai đoạn 4 năm (giai đoạn 1) từ năm 2009. Đến giai đoạn 2 của Chương trình thì có thêm 7 tổ chức được chọn vào năm 2014. Và năm nay, WTO đã chọn được 17 tổ chức học thuật tham gia vào mạng lưới của Chương trình WTO Chairs. Điều này giúp đa dạng hóa hơn nữa sự hiện diện của Chương trình trên toàn cầu – với mạng lưới hiện bao gồm 36 trường đại học.
Trường ĐH Ngoại thường (FTU) vinh dự là một trong 17 cơ sở giáo dục được lựa chọn từ 126 cơ sở của 54 quốc gia thành viên trên thế giới, trở thành cơ sở giáo dục duy nhất tại Việt Nam giành quyền tham gia “WTO Chairs Programme” (WCP) giai đoạn ba, từ năm 2022 đến năm 2026.
Với mục đích mong muốn là có thể rút ngắn khoảng cách giữa việc thực thi cũng như các cam kết trong hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là thế hệ mới. Chúng tôi mong muốn có thể kết nối được toàn bộ các chủ thể trong hệ sinh thái, làm thế nào để có được những chính sách phù hợp? Làm thế nào để các chính sách đó đi vào thực tiễn và làm thế nào để các chủ thể có thể tận dụng, khai thác được mọi lợi thế từ chính sách cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do.
Năm mục tiêu chính tham gia Chương trình WTO Chairs, một là, thúc đẩy nghiên cứu trong các vấn đề liên quan đến thương mại và đề cao chính sách liên quan; Hai là hỗ trợ phát triển, triển khai các khóa học về thương mại quốc tế và hỗ trợ cho hoạt động giảng dạy; Ba là khuyến khích các hoạt động truyền thông, lan tỏa tới cộng đồng; Bốn là so sánh, đối chiếu thông tin và thúc đẩy chia sẻ kiến thức về thương mại quốc tế; Năm là thiết lập, liên kết mạng lưới học thuật chặt chẽ.
Chúng tôi tin tưởng rằng với 5 mục tiêu cụ thể này chúng ta sẽ có thể thực hiện được một cách hiệu quả các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
PV: Vậy những giá trị mà WCP – FTU sẽ mang lại cho các bên liên quan là gì, thưa bà?
|
PGS.TS Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng
Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ với phóng viên |
PGS.TS Phạm Thu Hương: Bởi vì chúng tôi nhận thức rằng, việc thực thi các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do sẽ đóng góp vô cùng quan trọng đối với cả sự phát triển của nền kinh tế. Chính vì vậy, ngay từ khi hình thành dự án, tâm thế của chúng tôi luôn xác định dù được WTO chọn hay không, chúng tôi vẫn mong muốn được đồng hành triển khai các nhiệm vụ và đạt được các mục tiêu đề ra.
Có thể thấy, những giá trị mà WCP – FTU mang lại đó là, nâng cao năng lực cho khu vực công, đặc biệt là các cơ quan chức năng/chính quyền địa phương để hiểu, áp dụng, hướng dẫn và kết nối với các chủ thể trong ngành (industry actors) nhằm thực hiện đúng và hiệu quả các cam kết của Việt Nam trong WTO và các FTA.
Cùng với đó, nâng cao năng lực cho các nhà hoạch định chính sách hướng tới hợp tác với các chủ thể trong ngành và các cơ quan nghiên cứu/cơ sở giáo dục trong việc cơ cấu lại nền kinh tế và các chính sách xã hội khác. Ví dụ, các vấn đề về môi trường và lao động dưới tác động của các cam kết thương mại.
Nâng cao năng lực cho các bên chủ thể trong ngành (như MSMEs, hiệp hội thương mại ...) để tận dụng các cam kết mà Chính phủ đã ký, tương tác và tham vấn với khu vực công trong quá trình đàm phán giữa các chính phủ, và để ký kết các hiệp định thương mại trong tương lai.
Ngoài ra, một khi FTU tham gia WCP thì giảng viên của trường sẽ có nhiều cơ hội được nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển khả năng kết nối hoạt động nghiên cứu và giảng dạy của FTU với các cơ quan trong ngành cũng như với khu vực công thông qua chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế, từ WTO và các tổ chức nghiên cứu và giáo dục khác trên thế giới.
Một giá trị nữa mang lại, đó là xây dựng mạng lưới nghiên cứu, tham vấn và kết nối với các chủ thể trong ngành (doanh nghiệp, hiệp hội…) và khu vực công (cơ quan nhà nước / chính quyền), với FTU là trung tâm điều phối, trong việc thực hiện các cam kết thương mại, thông qua hệ thống website, ứng dụng và báo cáo hàng năm.
PV: Bà có thể chia sẻ về các hoạt động dự kiến do FTU thực hiện trong dự án?
PGS.TS Phạm Thu Hương: Để giải quyết khoảng cách rất lớn giữa việc thực hiện các cam kết của nhà nước từ góc độ chính sách và vai trò của các bên liên quan, từ đó đề xuất các giải pháp kết nối các bên liên quan khác nhau trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam trong WTO cũng như các FTA thế hệ mới, FTU tổ chức một loạt các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và truyền thông lan tỏa tới cộng đồng với sự hợp tác của các đối tác đại diện cho các bên liên quan như Bộ Công Thương, VCCI, Trung tâm WTO và một số hiệp hội ngành hàng.
Có thể kể đây một số hoạt động dự kiến của FTU cho dự án này như, chúng tôi tập trung nghiên cứu về hiệu suất thực hiện các cam kết của Việt Nam trong WTO gần đây và điểm nghẽn nào cần tháo gỡ; nghiên cứu các nghĩa vụ của Việt Nam trong các cam kết về các vấn đề phi thương mại như lao động, môi trường trong các hiệp định FTA thế hệ mới và các tác động tiềm tàng đối với các chủ thể trong ngành… Hay như phát triển chương trình đào tạo và hoạt động giảng dạy thông qua thiết kế và triển khai 3 khóa học ngắn hạn gồm: thương mại và Đầu tư; Thương mại số: Làm thế nào để giúp các doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi từ các cam kết của Việt Nam về thương mại điện tử trong WTO và các FTA trong bối cảnh phục hồi sau COVID-19; Các vấn đề liên quan đến cam kết phi thương mại trong các FTA thế hệ mới: Thực thi và thách thức…
Ngày mai (6/5) sẽ diễn ra Lễ khởi động Chương trình WTO Chair – FTU với sự tham gia các bộ, ban, ngành của Việt Nam, nhiều tổ chức quốc tế và các đối tác. Đến thời điểm này, chúng tôi đã sẵn sàng cho việc khởi động một chặng đường 4 năm tới. Và tại buổi Lễ khởi động, chúng tôi sẽ tổ chức Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa các bên để đồng hành triển khai dự án. Đồng thời sẽ có các phiên thảo luận bàn tròn để làm cụ thể hóa hơn nữa các nội dung của dự án.
|
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương tin tưởng rằng với 5 mục tiêu cụ thể này chúng ta sẽ có thể thực hiện được một cách hiệu quả các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới |
PV: Là một trong những trường đại học hàng đầu của Việt Nam, từ góc độ nhà trường thì cái được lớn nhất của Nhà trường tham gia dự án này là gì, thưa bà?
PGS.TS Phạm Thu Hương: Chúng tôi rất vinh hạnh và cảm thấy tự hào khi Trường ĐH Ngoại thương được lựa chọn. Tuy nhiên, cùng đồng hành với sự tự hào đấy thì chúng tôi cũng cảm nhận được trách nhiệm rất là to lớn của Nhà trường. Mục tiêu chung của WCP - FTU là "Tăng cường sự hợp tác giữa các chủ thể trong ngành, cơ sở học thuật và chính phủ trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam trong WTO và các FTA mới".
Khi mà chúng tôi bắt đầu quyết định tham gia vào quá trình lựa chọn thì Việt Nam đang trải qua giai đoạn rất là khó khăn do tác động to lớn của đại dịch COVID-19. Và việc mà kết nối mọi người lại với nhau nó không phải dễ dàng gì. Nhưng với một quyết tâm rất lớn, chúng tôi đã đồng hành cùng với nhau, bắt đầu từ hình thành ý tưởng cho dự án cho đến khi được lựa chọn mất đúng 1 năm. Để được trúng tuyển, chúng tôi đã phải trải qua rất là nhiều vòng lựa chọn vô cùng khắt khe, từng yêu cầu nhỏ phải hoàn thành. Trong suốt quá trình đó, có những thời điểm chúng tôi cảm thấy lúng túng không biết mình đã đi đúng hướng hay chưa? Nhưng vượt lên tất cả, thay đổi tư duy, chúng tôi đưa ra một xác định cho dù có được WTO lựa chọn hay không chúng tôi vẫn theo đuổi dự án theo nhiều cách thức khác nhau. Chúng tôi đã đi với niềm tin như vậy trong suốt một năm. Và thật vui mừng, cuối cùng chúng tôi đã nhận kết quả mong đợi, được lựa chọn là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia vào Chương trình này.
Trong suốt thời gian thực hiện dự án, chúng tôi sẽ có được những chương trình đào tạo ở bậc đại học, thạc sĩ và tiến sĩ cũng như các chương trình đào tạo ngắn hạn dành cho các chủ thể trong hệ sinh thái. Chúng tôi mong muốn rằng là sau dự án này thì nó không chỉ dừng lại ở những cái sản phẩm về nghiên cứu mà chúng tôi mong muốn rằng là những thế hệ mà đã được hỗ trợ từ dự án tiếp tục lan tỏa. Sau khi kết thúc dự án thì các hoạt động liên quan đến đào tạo, nghiên cứu cũng như các nội dung kiến thức liên quan đến thực thi các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nói riêng, cũng như các chính sách thương mại quốc tế nói chung thì FTU vẫn sẽ tiếp tục duy trì những hoạt động này để có thể đồng hành cùng cả quá trình phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!