Xem xét, điều chỉnh việc triển khai các môn học tích hợp ở cấp THCS

Thứ ba, 15/08/2023 22:03
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN)- Trong thời gian sắp tới, có thể sẽ có những xem xét, điều chỉnh việc triển khai các môn học tích hợp ở cấp THCS và sẽ cân nhắc để việc điều chỉnh với các môn tích hợp không gây xáo trộn lớn, nhất là ảnh hưởng đến những giáo viên được đào tạo dạy môn tích hợp đã chuẩn bị trong thời gian qua.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại buổi gặp gỡ với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên diễn ra sáng 15/8.

Các giáo viên tham gia tại điểm cầu Bộ GD&ĐT. Ảnh: VA 

Tại buổi gặp gỡ, cô Hoàng Hải Vân (Khánh Hòa) trình bày: Nội dung chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được xây dựng theo hướng mở. Đây là điều kiện và cơ hội thuận lợi để giáo viên có thể tìm tòi phát huy các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại. Đặc biệt là triển khai các hình thức hoạt động nhóm, giao nhiệm vụ giúp học sinh có thể tiếp cận được với công nghệ thông tin, được thể hiện nhiều hơn và phát huy được tính tích cực, chủ động. Đây là những phẩm chất cần thiết cho học sinh trong tương lai.

Những môn học, hoạt động mới, đặc biệt là hoạt động Trải nghiệm hướng nghiệp giúp cho không gian học tập của học sinh được mở rộng, không bó hẹp trong một phòng. Thông qua hoạt động trải nghiệm học sinh được tham quan những cơ sở, địa điểm làng nghề, di tích, thắng cảnh… của địa phương; cung cấp kiến thức thực tế, giúp học sinh định hướng nghề nghiệp.

Bài kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng mở, phù hợp với các đối tượng, mức độ nhận thức bằng nhiều hình thức: trắc nghiệm, tự luận, dự án… giảm áp lực học tập, tăng cường học sinh phát huy năng lực, năng khiếu. Quy định về đánh giá xếp loại học sinh có nhiều ưu điểm, giảm áp lực cho học sinh.

Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 cũng gặp những khó khăn nhất định. Việc tích hợp các môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý còn bất cập khi giáo viên được đào tạo để dạy từng môn; giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp cũng chưa thực sự hiệu quả. Do đó, cô Hoàng Hải Vân mong Bộ trưởng có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên dạy học các môn tích hợp.

Các vấn đề như chính sách hỗ trợ kinh phí cho giáo viên bồi dưỡng dạy học tích hợp; lựa chọn sách giáo khoa dạy học; chuyển trường cho học sinh; phương án tuyển sinh lớp 10; thi tốt nghiệp THPT năm 2025…cũng được các giáo viên đề cập và trao đổi tại buổi gặp gỡ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: VA

Lắng nghe, ghi nhận những vấn đề liên quan đến triển khai Chương trình GDPT 2018, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Triển khai Chương trình GDPT mới, việc dạy, học các môn tích hợp, liên môn chính là điểm mới của chương trình. Đây là các môn học nhằm phát triển năng lực của học sinh. Tuy nhiên, việc triển khai cũng là điểm nghẽn, điểm khó nhất của chương trình. Các địa phương, vùng miền nhất là vùng sâu, vùng xa dù đã được bồi dưỡng, tập huấn thì vẫn còn nhiều khó khăn.

Để có những điều chỉnh theo hướng tích cực, tháo gỡ khó khăn, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian sắp tới, có thể sẽ có những xem xét, điều chỉnh việc triển khai các môn học tích hợp ở cấp THCS và sẽ cân nhắc để việc điều chỉnh với các môn tích hợp không gây xáo trộn lớn, nhất là ảnh hưởng đến những giáo viên được đào tạo dạy môn tích hợp đã chuẩn bị trong thời gian qua.

Về tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, Bộ trưởng cho biết, dự thảo phương án tổ chức đã được đăng tải, lấy ý kiến của giáo viên và người dân. Về cơ bản sẽ có những điều chỉnh về nội dung để phù hợp với chương trình 2018 và sẽ được công bố theo kế hoạch./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực