Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta giáo dục, rèn luyện không ngừng phát triển thông qua hoạt động thực tiễn trong quá trình đấu tranh cách mạng, xây dựng và trưởng thành của quân đội ta. Phẩm chất đó gắn liền với bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của quân đội song nó không phải là cái “nhất thành bất biến”. Để tiếp tục giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp cơ bản sau đây:
Không ngừng giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam
Trong tình hình hiện nay, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội. Tập trung nâng cao chất lượng xây dựng đảng bộ quân đội trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. Tiếp tục đi sâu, thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng với những yêu cầu, biện pháp mới, phù hợp với đặc điểm tình hình của Đảng bộ quân đội. Giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” một cách cụ thể. Các chi bộ, đảng bộ cần phải coi trọng công tác phát triển đảng, bổ sung thường xuyên đội ngũ đảng viên có chất lượng cao. Điểm rất quan trọng để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội ta là phải củng cố kiện toàn cơ quan chính trị và xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị mẫu mực về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đủ sức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Cán bộ đảng viên và tổ chức đảng trong quân đội phải tích cực, chủ động đấu tranh phòng chống âm mưu, thủ đoạn diễn biến hoà bình nhằm phi chính trị hoá quân đội của các thế lực thù địch.
|
|
Ảnh tư liệu
Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cho cán bộ, chiến sĩ quân đội
Thực tế cho thấy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là “cái chung” rất sâu sắc nhưng được biểu hiện phong phú, sinh động trong “cái riêng” ở từng đơn vị, con người cụ thể. Chuẩn mực chung của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” phải được cụ thể hoá đến từng đối tượng để giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục. Hiện nay các phương tiện thông tin đại chúng rất đa dạng, có thể sử dụng với hiệu quả cao trong tuyên truyền, giáo dục phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Các hình thức khác như: tham quan, tiếp xúc nhân chứng lịch sử, thi tìm hiểu về truyền thống quân đội, truyền thống đơn vị đều có tác dụng rất tích cực để qua đó giáo dục phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cho cán bộ, chiến sỹ. Đặc biệt phải coi trọng sử dụng một phương pháp rất có hiệu quả, đó là phương pháp nêu gương trong giáo dục phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
Phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong quân đội, của hệ thống chính trị và toàn dân trong giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Cần thống nhất quan niệm rằng việc giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” không phải là việc riêng của tổ chức quân sự, càng không chỉ trách nhiệm của hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị hoặc cá nhân người cán bộ chính trị. Trước hết cần phát huy vai trò của tổ chức lãnh đạo, chỉ huy trong việc giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” ở đơn vị. Điều này phải được thể hiện cụ thể trong các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch hoạt động của tổ chức, đồng thời phải làm tốt công tác kiểm tra việc triển khai thực hiện ở các đơn vị. Cán bộ, đảng viên trong các tổ chức lãnh đạo, chỉ huy phải mẫu mực thể hiện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” ở mọi lúc, mọi nơi để làm gương sáng cho cán bộ, chiến sỹ noi theo.
Các tổ chức như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Công đoàn, Hội đồng quân nhân đều có trách nhiệm giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Thời gian tới phải quan tâm củng cố, phát huy cao độ vai trò của từng tổ chức, từng lực lượng và phối hợp một cách chặt chẽ, thường xuyên tạo ra một hợp lực mạnh mẽ nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
Nâng cao chất lượng tự giáo dục, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ để giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Trước hết, cán bộ, chiến sỹ phải nâng cao trình độ ý thức về việc tự tu dưỡng rèn luyện, nhận thức rõ đòi hỏi khách quan về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong từng điều kiện cụ thể. Biết tự nhận xét, tự kiểm tra, đánh giá về những mạnh, yếu so với yêu cầu đặt ra và xác định phương hướng, biện pháp tự giáo dục, tự tu dưỡng cho xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”. Mặt khác, phải có ý chí phấn đấu cầu tiến bộ, luôn tự phê bình theo yêu cầu cao, giải quyết hài hoà các mối quan hệ, tự khép mình vào kỉ luật, trọng danh dự cá nhân, rèn luyện ý chí bền bỉ; hình thành động cơ rèn luyện đúng đắn, có khả năng “miễn dịch” với những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường trong đời sống xã hội hiện nay. Mỗi cá nhân thường xuyên lấy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” làm động lực tinh thần, tự cổ vũ và cổ vũ nhau thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là khi đứng trước những khó khăn, thử thách ác liệt. Mọi cán bộ, chiến sĩ phải xây dựng niềm tin, ý thức trách nhiệm, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống những tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
Đẩy mạnh việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn liền với đấu tranh có hiệu quả phòng chống sự suy thoái phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Đối với quân đội phải đưa nội dung học tập về “tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thành nếp sinh hoạt thường xuyên của mỗi đơn vị, lấy đó làm nội dung cơ bản trong giáo dục nhằm giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Trong các chỉ tiêu của mỗi phong trào thi đua phải có nội dung cụ thể học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh. Cần tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu, học tập, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách nghiêm túc, thiết thực, phù hợp với thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị; gắn việc học tập với việc chuyển mạnh sang làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đẩy mạnh phong trào thi đua và thường xuyên tuyên truyền kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong quân đội và ở các đơn vị. Các cơ quan, đơn vị sớm hoàn thành việc xây dựng chuẩn mực đạo đức, với nội dung ngắn, gọn, được công bố công khai, rộng rãi trong cơ quan, đơn vị. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.