Bí thư Thành ủy Hà Nội đối thoại với 6.500 đại biểu Mặt trận Tổ quốc các cấp

Thứ tư, 09/08/2023 14:04
(ĐCSVN) – Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã dành nhiều thời gian trao đổi, giải đáp những vấn đề trọng tâm mà đại biểu quan tâm như Dự án đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; về phân cấp ủy quyền; Đề án cải tạo chung cư cũ; về quản lý vỉa hè lòng đường; về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; xử lý dự án treo; xây dựng Dự án Luật Thủ đô sửa đổi...

 

Quang cảnh Hội nghị. 


Ngày 9/8, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố (TP) Hà Nội chủ trì đối thoại với MTTQ Việt Nam các cấp TP Hà Nội nhằm lắng nghe ý kiến, kiến nghị xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng, phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Trưởng các ban Đảng Thành ủy, lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND TP; lãnh đạo các sở, ban, ngành TP…

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy Hà Nội tới 30 điểm cầu quận, huyện, thị xã với sự tham gia của 6.518 đại biểu MTTQ các cấp thành phố.

27 nội dung, 4 nhóm vấn đề lớn

Báo cáo tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, để chuẩn bị cho hội nghị tiếp xúc, đối thoại, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các thành viên Hội đồng tư vấn và đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp. Kết quả tổng hợp có 27 nội dung thuộc 4 nhóm vấn đề lớn.

Thứ nhất là các vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh như, việc bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị; việc đảm bảo quyền lợi cho người dân tại các khu chung cư; công tác phòng cháy, chữa cháy; vấn đề thiếu trường lớp; công tác quản lý, vận hành các công viên, khu vui chơi công cộng; việc xử lý các dự án “treo”; vấn đề lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tiến độ thực hiện dự án các tuyến đường vành đai, đặc biệt là đường Vành đai 4…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đại biểu dự hội nghị. 


Thứ hai là, các vấn đề liên quan đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền như việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vấn đề sửa đổi Luật Thủ đô, công cuộc phòng, chống tham nhũng, việc giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính...

Thứ ba là, các vấn đề về công tác cán bộ, thu hút nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao như việc công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch và xử lý cán bộ; việc cải cách tiền lương, chỉ tiêu biên chế cán bộ Mặt trận.

Thứ tư là, vấn đề về công tác dân tộc, tôn giáo như việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chăm sóc sức khoẻ, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số và công tác tu bổ, tôn tạo các di tích, cơ sở tôn giáo được xếp hạng….

Tại hội nghị, đại diện các tầng lớp Nhân dân, cán bộ Mặt trận các cấp trực tiếp trao đổi các vấn đề, đề xuất cụ thể liên quan đến việc bố trí biên chế và cơ chế tăng lương để "giữ chân" cán bộ; quy hoạch về phát triển hai bờ sông Hồng; tập trung xử lý các dự án "treo"… Trong đó, trả lời câu hỏi về việc khi nào Hà Nội có quy hoạch về phát triển hai bờ sông Hồng? Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, UBND TP đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000. Đây là cơ sở để nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết và xác định các dự án đầu tư trong khu vực. Trước đây, Hà Nội phát triển đô thị còn quay lưng lại sông Hồng nhưng theo điều chỉnh quy hoạch và Quy hoạch tổng thể thành phố đang xây dựng, Hà Nội sẽ phát triển đô thị hướng ra sông Hồng. Sông Hồng sẽ trở thành trục cảnh quan chính đi giữa trung tâm thành phố.

Nhiều vấn đề Nhân dan quan tâm được giải đáp

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng bày tỏ ghi nhận, tiếp thu, đánh giá cao và cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu đã đóng góp xây dựng Thủ đô. Đặc biệt là những giải pháp phát huy vai trò của hệ thống MTTQ các cấp trong xây dựng khối đại đoàn kết Nhân dân Thủ đô, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã dành nhiều thời gian trao đổi, giải đáp những vấn đề trọng tâm mà đại biểu quan tâm như Dự án đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; về phân cấp ủy quyền; Đề án cải tạo chung cư cũ; về quản lý vỉa hè lòng đường; về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; xử lý dự án treo; xây dựng Dự án Luật Thủ đô sửa đổi...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao đổi tại Hội nghị.


Theo đồng chí Đinh Tiến Dũng, những vấn đề kiến nghị, trao đổi tại buổi đối thoại rất chính đáng và là những thông tin quý báu, gợi mở giúp lãnh đạo thành phố và các cấp, các ngành chỉ đạo, triển khai thực hiện trong lĩnh vực, ngành, địa phương mình.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND TP, các ban Đảng Thành ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp thu, tiếp tục rà soát những nội dung kiến nghị của MTTQ các cấp thành phố, trên cơ sở thực tiễn, trong phạm vi thẩm quyền và phân cấp quản lý để quan tâm hỗ trợ, giải quyết.

Đề cập cụ thể đến câu hỏi của đại biểu về tình hình triển khai thực hiện Dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô liên quan đến việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong diện thu hồi đất, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng cho biết, trong quá trình triển khai, thành phố đã rà soát kỹ lưỡng nguồn gốc đất đai, kiểm đếm tài sản trên đất, nhất là đối với các thửa đất còn chưa chặt chẽ về hồ sơ, thủ tục, pháp lý, pháp nhân; các thửa đất có nhiều hộ gia đình sinh sống; các khu mộ tổ, mộ vô chủ, mộ chưa cải táng… để từ đó đưa ra những chính sách bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân…

Đối với câu hỏi liên quan đến chủ trương cho thuê lòng đường, vỉa hè của thành phố, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, chủ trương cho thuê vỉa hè, lòng đường là việc sẽ làm và các quận cũng đang rà soát nghiên cứu nhưng giờ chưa phải thời điểm phù hợp để thực hiện. Bởi vì muốn cho thuê lòng đường, vỉa hè phải có đủ căn cứ pháp lý. Hiện TP Hà Nội đang yêu cầu các quận tổ chức thiết kế đô thị, lấy ý kiến Nhân dân. Theo quy trình, khi lấy ý kiến Nhân dân, có sự đồng thuận mới triển khai.

Mặt khác, việc đưa ra chính sách cho thuê lòng đường, vỉa hè một cách vội vã lúc này là không ổn. Lòng đường, vỉa hè gắn bó mật thiết với đời sống Nhân dân Thủ đô, ăn uống vỉa hè đã là thứ văn hóa lâu đời, cách làm cũ theo kiểu cứ ra quân truy đuổi, dọn dẹp vỉa hè không đạt được hiệu quả cao và vững chắc. Do đó, việc quản lý lòng đường, vỉa hè cần thiết phải tổ chức lại. Tuy nhiên, việc triển khai chủ trương mới phải làm rất kỹ lưỡng, có sự đồng thuận cao của Nhân dân và phải chọn thời điểm phù hợp…

Đối với câu hỏi liên quan đến chủ trương, quan điểm của thành phố trong việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết hôm 7/8 Thường trực Thành ủy đã họp, thống nhất cao quan điểm và sẽ có chỉ thị về vấn đề này. Thành phố sẽ thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính. Tinh thần của là Hà Nội thực hiện nghiêm quy định của trung ương, nhưng đây cũng là vấn đề rất hệ trọng, nhạy cảm, nhiều tâm tư, gắn với đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao Bằng khen cho các cá nhân tiêu biểu. 


Thành phố sẽ rà soát, thống kê theo tiêu chí cứng là diện tích và dân số. Nhưng bên cạnh đó có một tiêu chí rất quan trọng là văn hóa, lịch sử. Tiêu chí này cũng đã được nêu trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quận Hoàn Kiếm rất đặc thù, thành phố sẽ tìm cách thuyết phục, tinh thần là bảo vệ giữ nguyên, ổn định quận….

*Nhân dịp này,  Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội tặng Bằng khen cho 20 cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong tuyên truyền, vận động thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Đợt thi đua cao điểm kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” và tham gia góp ý vào Luật Đất đai và hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô./.

 Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”; "Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc"; “dân là gốc”, “nhân dân làm chủ”, “cán bộ phải là công bộc của dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”. Đó là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong tư duy lý luận và trong hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành chiến lược cách mạng của Đảng ta, là động lực to lớn tạo nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Ủy ban MTTQ các cấp từ thành phố đến cơ sở cần thấm nhuần quan điểm đó, nỗ lực phấn đấu, thực hiện tốt vai trò trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Đó là củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, thắt chặt mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Làm sao để MTTQ thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc..

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực