Đông Anh: Khởi công 4 cụm công nghiệp mới

Thứ ba, 05/09/2023 15:47
(ĐCSVN) – Việc bổ sung 4 cụm công nghiệp được khởi công, động thổ lần này có ý nghĩa quan trọng tạo không gian, mở rộng và thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện; đồng thời thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ 4 cụm công nghiệp 

Ngày 5/9, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội dự lễ khởi công và động thổ nhóm dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật 4 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh.

Lễ khởi công được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 4 điểm cầu. Điểm cầu chính tại Cụm công nghiệp Thiết Bình, xã Vân Hà.

Cụm công nghiệp Thiết Bình có diện tích khoảng 20,98 ha, tổng mức vốn đầu tư khoảng 491,7 tỷ đồng. Ngành nghề hoạt động chủ yếu: Chế biến gỗ, mộc dân dụng, chạm khắc mỹ nghệ, sơn mài... Cụm công nghiệp Thiết Bình có diện tích khoảng 20,98ha, tổng vốn đầu tư khoảng 491,7 tỷ đồng.

Cụm công nghiệp Liên Hà 2, xã Liên Hà, huyện Đông Anh có diện tích 21,99ha, tổng vốn đầu tư khoảng 426,776 tỷ đồng. Chủ đầu tư của cả 2 cụm công nghiệp Thiết Bình và Liên Hà 2 là Công ty cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (VINADIC) - thành viên của Tập đoàn AMACCAO.

Cụm Công nghiệp Dục Tú, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, do Công ty CP Đông Thành Hà Nội là chủ đầu tư, có diện tích 15ha, tổng vốn đầu tư 336,78 tỷ đồng.

 Cụm công nghiệp Thụy Lâm, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, do Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng Thanh Bình chủ đầu tư, có diện tích 17ha, tổng mức vốn đầu tư khoảng 326,243 tỷ đồng.

Bốn cụm công nghiệp đều xác định thu hút doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ, mộc dân dụng, chạm khắc mỹ nghệ, sơn mài... và các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác theo quy hoạch.

Các cụm công nghiệp đều được định hướng xây dựng với mục tiêu hình thành theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến, có sức cạnh tranh cao; thu hút, dịch chuyển các hộ sản xuất trong khu dân cư vào cụm công nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; góp phần chuyên nghiệp hóa sản xuất làng nghề và tiểu thủ công nghiệp…

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, theo quy hoạch, huyện Đông Anh được định hướng trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao khu vực phía Bắc của thành phố. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 1 khu công nghiệp và 4 cụm công nghiệp đang hoạt động.

Việc bổ sung 4 cụm công nghiệp được khởi công, động thổ lần này có ý nghĩa quan trọng tạo không gian, mở rộng và thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện; đồng thời thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Đông Anh, của các Sở, ban, ngành thành phố, đặc biệt là của các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật các cụm công nghiệp và các hộ dân có đất canh tác đã ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng.

 Để đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thu hút các nhà đầu tư thứ phát vào sản xuất kinh doanh, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các Sở, ban, ngành Thành phố, huyện Đông Anh và các xã Liên Hà, Thụy Lâm, Vân Hà, Dục Tú tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhất là trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp văn minh, hiện đại, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội tặng hoa chúc mừng huyện Đông Anh. 


Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, phối hợp giải quyết khó khăn vướng mắc, kịp thời tham mưu cho UBND thành phố các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm hoàn thành các dự án đưa vào hoạt động, khai thác theo đúng quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm khẩn trương chủ trì thẩm định trình UBND thành phố quyết định cho thuê đất đối với 3 dự án cụm công nghiệp còn lại trong đầu tháng 9/2023 để tập trung triển khai thực hiện theo đúng tiến độ quy định.

Đối với các chủ đầu tư, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị tập trung toàn bộ nguồn lực để nhanh chóng hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, thu hút nhà đầu tư thứ phát vào sản xuất, kinh doanh để phát huy tối đa hiệu quả của dự án, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đông Anh nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung…/.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực