Đống Đa chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa

Thứ hai, 06/11/2023 19:25
(ĐCSVN) - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị quận Đống Đa triển khai các giải pháp gắn kết với các hoạt động văn hóa, ẩm thực và cuộc sống của người dân; đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, trong đó tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch cụ thể, với sự hỗ trợ của các nghệ nhân, doanh nghiệp…

 

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo tại cuộc giám sát -  Ảnh: PC


Chiều 6/11, Đoàn giám sát số 3 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong làm trưởng đoàn đã triển khai giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình số 06-Ctr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” và Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" tại quận Đống Đa.

Dành nguồn lực 3.500 tỷ đồng cho lĩnh vực phát triển văn hóa

Báo cáo tại buổi giám sát, lãnh đạo quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường, quận hiện có 76 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 3 di tích cấp Quốc gia đặc biệt (Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Gò Đống Đa, Đền Kim Liên); có 2 nhà thờ (Thái Hà, Hàng Bột) và 26 chùa tại địa bàn 13 phường; có 13 hồ, 9 vườn hoa, công viên…

Qua đánh giá nhóm chỉ tiêu đề ra tại Chương trình 06-CTr/TU phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, quận Đống Đa đã tổ chức thực hiện đảm bảo đúng lộ trình, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm.

Đối với việc thực Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn, quận Đống Đa đã bố trí nguồn lực, kinh phí cho lĩnh vực phát triển văn hóa với tổng vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021- 2025 là 3.500 tỷ đồng. Trong đó bố trí nguồn vốn cho lĩnh vực văn hóa xã hội trên 2.300 tỷ đồng; kinh phí tu bổ và tôn tạo các di tích với kinh phí trên 200 tỷ bằng nguồn ngân sách.

Bên cạnh đó, quận đẩy mạnh quảng bá rộng rãi các giá trị văn hóa đặc trưng như hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, vui chơi, mua sắm, ẩm thực… theo hướng phát triển du lịch bền vững, trong đó tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích quốc gia đặc biệt Thăng long tứ trấn, di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa... Tạo điều kiện phát triển các hoạt động kinh doanh xung quanh khu vực có các di tích với doanh thu trên 4 tỷ đồng.

Hiện nay, quận Đống Đa đang triển khai xây dựng Đề án tổ chức không gian văn hóa, phố chuyên doanh ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết. Quận ưu tiên bố trí nguồn ngân sách để tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án đầu tư du lịch. Quận Đống Đã đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cơ bản đầu tư hoàn chỉnh hệ thống các thiết chế văn hóa, hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy hoạch để hỗ trợ ngành công nghiệp văn hóa phát triển…

Đến năm 2030, phát triển đa dạng, đồng bộ các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ, văn hóa có thương hiệu uy tín. Đến năm 2045, phấn đấu để ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện, hình thành một số công trình văn hóa mang biểu tượng quận Đống Đa.

Phát triển văn hoá phải gắn với tái thiết đô thị

Tại buổi giám sát, các ý kiến phát biểu cho rằng bên cạnh kết quả đạt được ở lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục, Đống Đa còn thiếu thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu của người dân, như các công viên, khu vui chơi công cộng và các sản phẩm văn hóa. Vì vậy, Đống Đa cần kết nối các điểm đến mang tính lịch sử để làm mới các điểm du lịch, khai thác những địa danh, như Đàn Xã Tắc, Văn Miếu - Quốc Tử Giám dưới hình thức 3D, bản đồ số… Mặt khác, xây dựng các mô hình kinh tế đêm.

Quang cảnh buổi giám sát.


Phát biểu tại buổi giám sát, ghi nhận nỗ lực của quận Đống Đa trong chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thẳng thắn chỉ ra những khó, tồn tại quận Đống Đa trong triển khai thực hiện chương trình, nghị quyết của thành phố như, chưa chú trọng đầu tư phương thức, nội dung hoạt động của các thiết chế văn hóa, chưa tận dụng, khai thác lợi thế của các cơ sở văn hóa Trung ương trên địa bàn như: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trung tâm chiếu phim quốc gia…

Vì vậy, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị quận Đống Đa thay đổi tư duy để tập trung đầu tư phát triển hơn nữa cho 3 trụ cột chính gồm: Văn hóa, giáo dục, nguồn nhân lực. Đồng thời, chú trọng phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, qua đó góp phần nâng cao nếp sống văn hóa cho người dân trên địa bàn, trong đó tập trung xây dựng các sản phẩm cụ thể, với sự hỗ trợ của các nghệ nhân, doanh nghiệp.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị Đống Đa rà soát lại các quy hoạch, quỹ đất, trụ sở trường đại học và trường học trên địa bàn để có giải pháp cho trước mắt cũng như lâu dài, đặc biệt gắn với việc tái thiết đô thị. Đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị quận triển khai các giải pháp gắn kết với các hoạt động văn hóa, ẩm thực và cuộc sống của người dân; xây dựng quy chế, quy định hoạt động sao cho phong phú, hiệu quả để thu hút du khách.../.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực