Hà Nội: Đồng loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công

Thứ sáu, 22/09/2023 08:21
(ĐCSVN) – Để đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP Hà Nội, Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung vào một loạt các giải pháp. Trong đó tập trung vào việc tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu.


293 dự án còn khó khăn về giải phóng mặt bằng

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, kết quả giải ngân đầu tư công đạt cao hơn cùng kỳ năm trước và hàng tháng đều cao hơn mức trung bình của cả nước. Tính đến ngày 15/9, lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 của toàn thành phố là 22.876 tỷ đồng, đạt 43,1% kế hoạch thành phố giao và đạt 48,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết: Hiện có 293 dự án có khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng.


Tỷ lệ giải ngân của thành phố trong các tháng vừa qua đều cao hơn trung bình của cả nước. Đồng thời, lũy kế giải ngân đến ngày 20/9/2023, đạt 50% kế hoạch trung ương giao, cao hơn so với lũy kế giải ngân ngày 30/9/2022 của thành phố, xấp xỉ ước lũy kế giải ngân trung bình của cả nước đến hết tháng 9/2023 (51,3%).

Để đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP Hà Nội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Thành phố yêu cầu Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị để tổng hợp số liệu liên quan đến khả năng đấu thầu, đấu giá của 30 quận, huyện, thị xã từ nguồn thu từ đất. Trong đó cần xác định rõ tính khả thi trong việc tổ chức đấu thầu, đấu giá của từng vị trí các khu đất, từng quận, huyện, thị xã để báo cáo UBND TP tổ chức buổi làm việc chuyên đề.

Ngoài ra, yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án. Đối với UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục phát huy tính chủ động và quyết liệt trong điều kiện được Thành ủy phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ và giao làm chủ đầu tư nhiều dự án cấp thành phố. Chỉ đạo các phòng chuyên môn khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án để sớm khởi công, đảm bảo đủ thời gian thi công để tích lũy khối lượng thực hiện, hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đã giao.

Nêu 4 khó khăn chính đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công hiện nay, Giám đốc Lê Anh Quân cho biết: Hiện có 293 dự án có khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), gồm 99 dự án ngân sách cấp thành phố; 47 dự án ngân sách cấp thành phố hỗ trợ mục tiêu cấp huyện và 147 dự án ngân sách cấp huyện.

332 dự án ngân sách cấp huyện cũng đang khó khăn về nguồn vốn đầu tư do khó khăn về đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất...

Ngoài ra, còn một số dự án có khó khăn về vướng mắc khác như công tác tái định cư, thanh lý tài sản, điều chỉnh dự án... 160 dự án cấp thành phố được phê chủ trương đầu tư, chưa phê dự án, tập trung vào một số lĩnh vực: giao thông (39 dự án); thủy lợi (26 dự án); y tế (17 dự án)…

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Giải ngân vốn đầu tư công là nội dung Trung ương, Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội rất quan tâm. Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành 95% kế hoạch giải ngân trong năm nay. Với kết quả hiện nay, để đạt mục tiêu này, từ nay đến cuối năm, khối lượng giải ngân rất nhiều và nặng nề, đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của các sở, ban, ngành, địa phương...

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu: Cứ mỗi 1% không giải ngân được, thành phố phải chuyển nguồn sang năm tiếp theo khoảng 500 tỷ đồng; 10% không giải ngân được, “mất” 5.000 tỷ đồng. 


Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho rằng, cứ mỗi 1% không giải ngân được, thành phố phải chuyển nguồn sang năm tiếp theo khoảng 500 tỷ đồng; 10% không giải ngân được, “mất” 5.000 tỷ đồng. Các cấp, các ngành cần cố gắng hơn nữa để giải ngân đạt mức cao nhất. Đồng thời lưu ý các địa phương giải quyết tốt các kiến nghị kiểm toán để quyết toán xong các dự án để có cơ sở tiếp tục bố trí vốn đầu tư công cho năm tiếp theo.

Theo lãnh đâọ một số đơn vị của Hà Nội, để có được kết quả giải ngân cao, các quận, huyện phải có kế hoạch ngay từ đầu năm, phân công, giao chỉ tiêu theo từng tháng kết hợp với kiểm tra, đôn đốc thường xuyên; tranh thủ sự chỉ đạo của thành phố, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành... Trong đó phải chú ý nâng cao chất lượng từ khâu lập, duyệt kế hoạch.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu

Tại Hội nghị Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội giao ban quý III/2023 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, Ủy viên Trung ương Đảng diễn ra ngày 21/9, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, để tiếp tục thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 các cấp, các ngành thành phố thực hiện tốt 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023 trên tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương, các cấp quản lý. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công sẽ là một trong các tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 2023 của cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như xem xét, đánh giá người đứng đầu và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Đảng đoàn HĐND TP Hà Nội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác giám sát việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố; giám sát việc triển khai các dự án, công trình, nhất là các công trình, dự án trọng điểm nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai, tiến độ hoàn thành, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được HĐND TP thông qua.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến: Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công.


Các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan đơn vị của thành phố cần tiếp tục phát huy tính chủ động và quyết liệt triển khai các nhiệm vụ đã được thành phố phân cấp, ủy quyền và thực hiện các dự án đã được giao làm chủ đầu tư. Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm xử lý của quận, huyện, thị xã, đặc biệt là các khó khăn về GPMB; xây dựng các phương án, biện pháp phù hợp để tổ chức đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, đảm bảo nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ của thành phố và địa phương.

Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND TP và các đơn vị liên quan tổng hợp danh sách đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt thấp; xác định nguyên nhân, trách nhiệm chủ quan và đề xuất Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu và các tổ chức, cá nhân liên quan có những khuyết điểm, để xảy ra tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo đúng tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách các địa bàn, lĩnh vực, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và hỗ trợ các quận, huyện, thị xã trong việc thúc đẩy giải quyết nhanh hồ sơ dự án đầu tư đang tồn đọng tại các sở, ban, ngành của thành phố./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực