Hà Nội: Nhiều lễ hội truyền thống khai hội

Thứ năm, 15/02/2024 18:23
(ĐCSVN) – Ngày 15/2 (tức mùng 6 tháng Giêng), nhiều lễ hội truyền thống lớn của Hà Nội như: Lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh) đồng loạt khai hội.

* Sáng 15/2 (tức mùng 6 tháng Giêng), Lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã chính thức khai hội, với sự tham gia của hàng vạn khách thập phương.

Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn năm nay vẫn duy trì hai phần chính: Phần lễ và phần hội. Phần lễ là lễ rước 8 lễ phẩm và lễ tế của các thôn làng, là những nghi lễ tạo nên “hồn cốt” của lễ hội. Tám lễ phẩm theo truyền thống được các thôn làng cung tiến dâng Đức Thánh gồm: Giò hoa tre, ngựa chiến, voi chiến, trầu cau, ngà voi, cỏ voi, cô tướng và cầu húc.

Nghi lễ rước và cung tiến lễ phẩm giò hoa tre và trầu cau được quan tâm nhất và những năm trước thường xảy ra tình trạng tranh cướp lộc sau nghi thức tán lộc. Tuy nhiên, từ năm 2018, việc tán lộc giò hoa tre đã được Ban tổ chức thay đổi, vừa đảm bảo các nghi lễ truyền thống, vừa đảm bảo an toàn, văn minh trong lễ hội.

Cung tiến lễ vật giò hoa tre. (Ảnh: Báo KT&ĐT)

Tại Lễ hội năm nay, sau lễ cung tiến, giò hoa tre và trầu cau tiếp tục được di chuyển vào hậu cung đền Thượng, sắp ra những mâm nhỏ, chuyển xuống đền Hạ (đối với giò hoa tre) và đền Mẫu (đối với trầu cau) để làm lễ. Sau đó, lộc sẽ được phát cho người dân; sẽ không có cảnh cướp giò hoa tre và trầu cau. Việc thay đổi này được đông đảo người dân và du khách thập phương đồng tình, ủng hộ nhằm bảo đảm trật tự và văn minh cho Lễ hội Gióng. Phần hội năm nay ngoài hoạt động thi đấu thể dục, thể thao như (vật, bóng chuyền hơi), còn có các trò chơi dân gian truyền thống như: Đi cà kheo, đập niêu, kéo co, đi cầu thăng bằng và đặc biệt là hội thi nấu cơm. Cũng tại Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn năm nay, nghi lễ và trò chơi kéo mỏ xã Xuân Thu - là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tiếp tục được tổ chức. Cùng với đó là cuộc thi cầu húc và các chương trình nghệ thuật do các tổ chức hội, đoàn thể của huyện thực hiện.

Tại lễ hội Gióng đền Sóc Sơn năm 2024, các hoạt động dịch vụ như trông giữ xe và kinh doanh buôn bán tại lễ hội được siết chặt hơn; nghiêm cấm việc nâng giá bán sản phẩm, buôn bán hàng giả, hàng nhái, ấn phẩm mê tín dị đoan tại lễ hội. Tình trạng bán hàng rong sẽ được kiểm soát. Các trò chơi mang tính bạo lực, cờ bạc trá hình, ăn tiền cũng bị nghiêm cấm tại lễ hội Gióng đền Sóc Sơn năm 2024.

Lễ hội Gióng đền Sóc năm 2024 diễn ra đến ngày 17/2 (tức ngày 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Thông qua các hoạt động của lễ hội sẽ góp phần tuyên truyền, quảng bá “Điểm du lịch đền Sóc” của thành phố Hà Nội, cũng như hình ảnh và tiềm năng, thế mạnh của huyện để thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.

* Sáng 15/2 (mùng 6 tháng Giêng), hàng nghìn người dân và du khách thập phương đã dự Lễ hội Cổ Loa.

Phát biểu khai mạc lễ hội, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, một trong những di tích lịch sử vô cùng quý giá với những vòng thành độc đáo, công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, các khu di chỉ khảo cổ học quan trọng, nơi 2 lần là kinh đô của nước Việt, đã trở thành biểu tượng của nền văn minh Việt cổ đáng tự hào của dân tộc ta.

Lễ tế tại đền thờ Đức vua An Dương Vương. (Ảnh: Báo Hànộimới)

Trải mấy nghìn năm lịch sử, Cổ Loa chứng kiến biết bao sự đổi thay của đất nước, nhưng với người dân Đông Anh vẫn còn lưu giữ kho tàng huyền thoại về vua Thục xây thành Ốc, chuyện nàng tiên gánh đất xây thành, chuyện diệt Bạch Kê tinh ở núi Sái hay tướng Cao Lỗ chế nỏ thần diệt quân xâm lược… Mỗi câu chuyện đều mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hơn thế, trong lòng đất Cổ Loa, cho đến nay vẫn là kho lưu trữ hồ sơ lịch sử vô cùng phong phú, giá trị; mỗi lớp đất là một trang sách đời, nhưng công cụ như trống đồng, mũi tên đồng, mảnh gốm thô, rìu đá, chì lưới, cùng với nét văn hoá truyền thống cổ xưa được người dân Cổ Loa gìn giữ, phát huy.

Với những giá trị, ý nghĩa sâu sắc về văn hoá, lịch sử, năm 1962 di tích Cổ Loa được xếp hạng cấp Quốc gia. 50 năm sau, năm 2012, Cổ Loa vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa; năm 2021, lễ hội Cổ Loa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa tạo nên sự cổ kính, ngàn năm văn hiến của Thủ đô Hà Nội, là điểm nhấn cho vị thế, vai trò trung tâm đầu não, phồn thịnh của miền đất Thượng kinh.

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh, những tính chất đặc trưng như: Kinh thành, Quân thành, Thị thành cổ đại, cùng với những giá trị của một quá trình rất lâu dài đấu tranh bảo vệ - bảo tồn bản sắc đã tôn lên giá trị của Cổ Loa và Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi, là niềm vinh dự, tự hào đối với mỗi người dân Đông Anh và Thủ đô Hà Nội.

Trong khuôn khổ chương trình lễ hội, các đại biểu, cộng đồng dân cư Bát xã Loa Thành và du khách thập phương đã cùng tham gia thực hiện nghi thức dâng lễ vào đền vua An Dương Vương, tham gia chương trình tế lễ, nghênh rước của Bát xã Loa Thành. Các đoàn lễ làng Cổ Loa, làng Mạch Tràng, làng Ngoại Sát, làng Cầu Cả, làng Văn Thượng, làng Sằn Giã, làng Đài Bi, làng Thư Cưu đã cùng thực hiện các nghi thức rước kiệu, dâng lễ…

Bên cạnh đó là hàng loạt hoạt động văn hóa - thể thao tại lễ hội, mừng Đảng - mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024 trong khuôn viên Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, bao gồm: Tổ chức Giải Vật truyền thống năm 2024, tổ chức chương trình nghệ thuật Mừng Đảng - Mừng Xuân 2024 tại sân Đình Ngự Triều Di Quy; biểu diễn bộ môn nghệ thuật trình diễn dân gian tuồng cổ tại sân khấu trung tâm; biểu diễn múa rối nước Đào Thục - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại khu vực ao ngã tư di tích; tổ chức trò chơi đu tiên; giải thi đấu cờ người năm 2024 tại sân vận động trung tâm; hát quan họ thuyền rồng tại khu vực Giếng ngọc, Hồ Đền...

* Sáng 15/2 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng), Lễ hội chùa Hương chính thức khai hội tại sân Thiên Trù - chùa Hương (huyện Mỹ Đức).

Lễ hội chùa Hương năm 2024 tại huyện Mỹ Đức có chủ đề "Lễ hội chùa Hương An toàn - Văn minh - Thân thiện" diễn ra từ ngày 11/2 đến hết 11/5/2024 (tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày 4 tháng Tư năm Giáp Thìn).

Năm nay, Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương tập trung nâng cao chất lượng và đổi mới công tác quản lý, tổ chức. UBND huyện Mỹ Đức tiếp tục chuyển đổi hình thức bán vé truyền thống sang bán vé điện tử nhằm tạo sự văn minh, sự minh bạch, công khai về giá, tránh vé giả, vé lậu. Giá vé thu phí thắng cảnh là 120.000 đồng/người/lượt. UBND huyện giao UBND xã Hương Sơn không bán vé tại hai cổng Đục Khê và Tiên Mai, mà tổ chức quản lý bán vé thắng cảnh, vé xuồng, đò, vé trông giữ phương tiện tại chỗ các bến, bãi để xe để giảm thiểu ùn tắc giao thông, tạo điều kiện cho du khách về tham quan, lễ Phật.

Khai hội chùa Hương 2024.(Ảnh: Báo Hànộimới)

Hệ thống xuồng, thuyền, đò phục vụ cho Lễ hội năm 2024 sẽ do Hợp tác xã Dịch vụ du lịch Chùa Hương cung cấp quản lý và thực hiện. Hợp tác xã đã tổ chức Hội nghị tập huấn về luật giao thông đường thủy nội địa, quy tắc ứng xử văn minh du lịch cho cán bộ và nhân dân tham gia phục vụ vận chuyển khách. Trong mùa lễ hội sẽ có từ 3.800 đến 4.500 phương tiện xuồng, đò vận chuyển khách, được trang bị đầy đủ các dụng cụ như: lắp ghế, giỏ đựng rác, áo phao, vật nổi, ô che mưa che nắng; lắp đặt hệ thống kiểm soát vé bằng công nghệ; lắp đặt trang trí hệ thống điện chiếu sáng, camera, wifi tại các bến đò kiểm soát… Giá vé dịch vụ thuyền, đò vận chuyển khách được niêm yết công khai: tuyến Hương Tích 85.000 đồng/người/2 lượt vào, ra; tuyến Long Vân 65.000 đồng/người/2 lượt vào, ra; tuyến Tuyết Sơn 65.000 đồng/người/2 lượt vào, ra.

Năm nay, Ban Tổ chức tiếp tục thực hiện việc sử dụng xe điện phục vụ du khách từ các bến xe vào bến đò theo lộ trình tuyến đường được cấp có thẩm quyền cho phép với 3 tuyến đón, trả khách vào khu vực bến Yến. Số lượng xe điện đưa vào hoạt động là 110 xe, giá vé xe điện 20.000 đồng/người/lượt.

Ban Tổ chức Lễ hội cho biết, trong công tác quản lý hoạt động tín ngưỡng tại khu vực Lễ hội, Ban Quản lý các đền, chùa, động trong Khu Di tích và Thắng cảnh Hương Sơn hướng dẫn khách tham quan dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định, không đặt tiền lễ, tiền công đức, gài tiền vào tượng Phật cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của Di tích. Ban Tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm, không để người hành khất trong khu vực Lễ hội, phòng ngừa các tệ nạn xã hội: Bói toán, bán thẻ, mê tín dị đoan, sách báo ngoài luồng, đổi tiền lẻ, thuốc nam giả không rõ nguồn gốc, đồ chơi trẻ em nguy hiểm...

Huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo các tiểu ban liên quan sẵn sàng trực chờ, kiểm tra, giám sát các hoạt động để Lễ hội diễn ra an toàn, văn minh; tuyên truyền, khuyến cáo tới du khách, các đơn vị liên quan chủ động trong việc chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử văn minh, lịch sự, không chơi bài ăn tiền trên thuyền, không vứt rác thải bừa bãi...

Theo thống kê từ Ban Tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2024, tính từ 10/2 (mùng 1 Tết) đến hết ngày 14/2 (mùng 5 Tết), lượng du khách, phật tử đổ về chùa Khu Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Hương đã đạt gần 13 vạn lượt khách. Ngày 14/2 là ngày cao điểm nhất từ đầu vụ xuân hội với trên 4 vạn khách. Trong ngày khai hội, chùa Hương đón khoảng 3 vạn lượt khách, thấp hơn so với ngày trước đó.

Lễ hội chùa Hương năm 2024 diễn ra đến hết ngày 1/5 (ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn) và là lễ hội kéo dài nhất trong năm.

Rước kiệu trong Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2024. (Ảnh: Báo KT&ĐT)

* Ngày 15/2 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2024, kỷ niệm 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng được tổ chức tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Trong buổi sáng ngày 15/2, hàng vạn du khách đã về trẩy hội đền Hai Bà Trưng năm 2024, chiêm ngưỡng màn rước kiệu ấn tượng được tổ chức theo nghi thức truyền thống.

Lễ kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc lễ hội đền Hai Bà Trưng xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra vào lúc 20h ngày 15/2/2024 (tức tối ngày mồng 6 tháng Giêng Âm lịch) tại Di tích Quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng. 

Để phục vụ tốt nhất nhu cầu của Nhân dân theo dõi chương trình, UBND huyện Mê Linh triển khai lắp đặt 3 cụm màn hình Led cỡ lớn ngoài trời tại 3 địa điểm: Khuôn viên khu vực Đình Hạ Lôi, xã Mê Linh; khu vực sân bóng xã Tiền Phong và khu vực Ao cá xã Tráng Việt (phía sau đền Hai Bà Trưng).

Lễ hội đền Hai Bà Trưng sẽ diễn ra đến hết ngày 10 tháng Giêng. Năm nay, ngoài các hoạt động rước kiệu, tế lễ theo nghi thức truyền thống, các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian, thi đấu thể thao vẫn được tổ chức phục vụ Nhân dân và du khách. Đáng chú ý là chương trình nghệ thuật trình diễn âm thanh, ánh sáng đặc sắc với chủ đề "Âm vang Mê Linh".

Đây là chương trình nghệ thuật bán thực cảnh, kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại được tổ chức lần đầu tiên tại huyện Mê Linh nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của hai vị kiệt nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị cùng các tướng lĩnh tham gia cuộc khởi nghĩa, giành lại nền độc lập dân tộc vào những năm 40 - 43 sau Công nguyên.

Chương trình "Âm vang Mê Linh" có sự kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai, là chủ đề gợi nhiều sự liên tưởng, dễ dàng truyền tải nhiều thông điệp nội dung, đưa khán giả đến gần với lịch sử thời Hai Bà Trưng một cách tinh tế, thực cảnh, hấp dẫn và hiệu quả.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc kể lại câu chuyện lịch sử theo một cách thức hiện đại, mới mẻ với các chương hồi, cảnh diễn nối tiếp, được biến chuyển tinh tế bằng kĩ xảo ánh sáng, âm nhạc hấp dẫn và đa dạng hình thức thể hiện như: Ca hát, xiếc, múa, đồng diễn trống…

Sân khấu liên tục thay đổi bối cảnh, giúp tái hiện sống động những khung cảnh đời sống của nhân dân Âu Lạc xưa (thời kỳ Hai Bà Trưng), hay nỗi kinh hoàng trước cảnh nước mất, nhà tan khi quân giặc đô hộ, cướp bóc, giày xéo nhân dân, cảnh rừng thiêng nước độc khi nhân dân phải đi tìm các sản vật cống tế, hay khí thế hừng hực trong lời kêu gọi chiêu mộ nghĩa binh hội tụ, tế cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng...

Chương trình nghệ thuật "Âm vang Mê Linh" kỳ vọng trở thành sản phẩm văn hóa nghệ thuật, du lịch độc đáo; mang tính giáo dục trải nghiệm sâu sắc cho học sinh tại các trường học tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, tình yêu quê hương đất nước, ý chí tự lực tự cường của dân tộc; góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Mê Linh, tương xứng với bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống của huyện và xứng đáng là "điểm đến du lịch"./.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực