Phát huy dân chủ một cách thực chất, không hình thức

Thứ ba, 12/03/2024 15:19
(ĐCSVN) - Phát huy dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là một phương thức phát huy vai trò của Nhân dân. Do vậy, phải thực hiện một cách thực chất, không hình thức.
Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

 

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong - Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở thành phố (TP) Hà Nội đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo TP với BCDD cấp huyện, diễn ra ngày 12/3.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy: Từ tháng 10/2020 đến nay, BCĐ xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở TP và BCĐ cấp huyện đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, sự lãnh đạo của cấp ủy cùng cấp và chỉ đạo của BCĐ xây dựng, thực hiện QCDC ở cơ sở cấp trên; chủ động, tích cực tham mưu cấp ủy và triển khai nghiêm túc, bảo đảm tiến độ các nội dung về thực hiện dân chủ theo chương trình, kế hoạch đề ra, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân.

Cụ thể, Ban Dân vận Thành ủy, cơ quan thường trực BCĐ đã tổ chức và phối hợp tổ chức 3 hội nghị tọa đàm; 3 lớp tập huấn về thực hiện dân chủ ở cơ sở; BCĐ cấp huyện đã tổ chức 660 cuộc tập huấn, quán triệt. BCĐ TP đã thành lập 12 đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở tại 90 đơn vị.

Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội phối hợp với Ban cán sự đảng UBND TP kiểm tra việc thực hiện công tác dân vận, QCDC trong các cơ quan hành chính Nhà nước TP đối với 14 Sở, ngành. BCĐ cấp huyện đã thành lập 235 đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở đối với 1.237 tập thể, cá nhân.

Bên cạnh việc xây dựng các QCDC mẫu theo chỉ đạo của BCĐ TP, nhiều địa phương đã chủ động nghiên cứu, rà soát và xây dựng các QCDC trong loại hình mới phù hợp với tình hình địa phương. Một số BCĐ cấp huyện đã tích cực tham mưu tổ chức các cuộc thi về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong yêu cầu các địa phương, đơn vị phải nhận thức toàn diện về phát huy dân chủ ở cơ sở bởi nếu không phát huy được dân chủ, không tạo sự đồng thuận sẽ rất khó triển khai các nhiệm vụ.

Nhấn mạnh, năm nay Thành phố sẽ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô và 3 nội dung quan trọng (Luật Thủ đô (sửa đổi), điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và quy hoạch Thủ đô) sắp được thông qua, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, muốn tổ chức thực hiện được các nhiệm vụ đó phải tạo sự đồng thuận, phát huy được mọi nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là niềm tin, sự ủng hộ của người dân giữ một vai trò quyết định.

Nêu việc vừa qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30 - CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, chưa bao giờ vấn đề phát triển văn hóa, xây dựng con người lại được đặt ra ở tầm mức cao như vậy.

Do đó, các đơn vị cần tập trung hơn nữa, có nhiều cách làm trong việc tuyên truyền, phổ biến để Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở sớm đi vào cuộc sống một cách thực chất. Đồng thời, tiếp tục tập huấn, nhất là khối chính quyền, gắn với công tác cải cách hành chính.

Đối với tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, phải tổ chức thực chất, khuyến khích các quận, huyện căn cứ điều kiện của tổ chức thực hiện.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu rà soát toàn bộ quy chế trước đây liên quan đến vấn đề thực hiện dân chủ ở cơ sở theo Pháp lệnh trước đây để bổ sung; trong quý II/2024, Ban Chỉ đạo TP sẽ kiểm tra việc thực hiện tại một số đơn vị. Bên cạnh đó, chú trọng việc triển khai thực hiện Luật trong các loại hình doanh nghiệp, nhà trường, nhất là danh nghiệp khối ngoài khu vực Nhà nước, trường học ngoài khu vực công lập.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý, việc triển khai Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở, Ban Chỉ đạo các quận, huyện phải chủ động, căn cứ vào thực tiễn tình hinh đơn vị để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các mô hình phù hợp thực tiễn đơn vị./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực