Tạo sức bật mới cho Thủ đô phát triển

Thứ hai, 09/10/2023 11:10
(ĐCSVN) - 69 năm sau Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2023), Hà Nội đang đứng trước thời cơ và cơ hội phát triển mới, nhưng đồng thời cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thực tiễn đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô phải thực hiện tốt hơn nữa các nghị quyết của Đảng, nêu cao lòng tự hào, ý chí quyết tâm, tạo sức bật mới cho con đường phát triển.

69 năm sau Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2023), Hà Nội đang đứng trước thời cơ và cơ hội phát triển mới 


Hoàn thiện các quy hoạch lớn, bao trùm

Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, cùng với cả nước, Hà Nội chịu tác động rất lớn của đại dịch Covid-19 và những biến động mạnh của tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới. Nhưng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đạt kết quả khá toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật.

Trong khó khăn, các cấp ủy đảng đã tập trung đổi mới phương thức, phong cách lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Thành ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ, ban hành Quy định về luân chuyển cán bộ, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp gắn với chức danh, vị trí việc làm, vừa đào tạo trong nước, vừa cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài...

Hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền được thể hiện rõ. Nền kinh tế Thủ đô cho thấy sức bền, khả năng chống chịu cao, trở thành điểm sáng về tăng trưởng. Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2021 tăng 2,92%, năm 2022 tăng 8,89%, đều cao hơn bình quân chung cả nước. 9 tháng 2023, suy thoái kinh tế thế giới rõ rệt, công nghiệp, xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng, nhưng nhờ chú trọng khơi nguồn phát triển dịch vụ, kinh tế Hà Nội tốt lên từng quý (Quý I tăng 5,81%, Quý II tăng 5,93%, Quý III tăng 6,49%). Cơ cấu kinh tế đã phản ánh rõ kết quả này khi dịch vụ vươn lên chiếm tới 65,88%. GRDP thành phố 9 tháng tăng 6,08%, cao hơn gần 1,5 lần tăng trưởng GDP cả nước (4,24%). Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9 tháng ước thực hiện 305.300 tỷ đồng, đạt 86,5% dự toán pháp lệnh năm và tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình kết quả phát triển kinh tế của Hà Nội cho thấy triển vọng phục hồi kinh tế những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 là rất sáng.

Song song với nhiệm vụ thường xuyên, thành phố xác định phải có tư duy và tầm nhìn chiến lược, qua đó đã mạnh dạn triển khai một số chủ trương lớn, có ý nghĩa lâu dài.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023.


Nổi bật, Thành ủy Hà Nội đã đề xuất và ngày 5/5/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã khẩn trương, nghiêm túc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện. Thành ủy ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26-8-2022 thực hiện Nghị quyết thể hiện rõ tính “hành động” bằng các công trình, dự án cụ thể.

Trong hơn 1 năm qua, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị thực sự đã trở thành nguồn động lực mới thúc đẩy Thủ đô phát triển. Hà Nội đã tăng cường công tác quy hoạch và xây dựng thể chế nhằm cụ thể hóa mục tiêu trở thành thành phố “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại” như Nghị quyết 15 đã đề ra. Đó là tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nhiệm vụ lớn, gồm: Lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Thủ đô sửa đổi. 

Với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, thành phố đã tập trung định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô, vừa là những cực tăng trưởng mới, vừa giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô. Thành phố Bắc sông Hồng bao gồm 3 huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, lấy hạt nhân là sân bay Nội Bài. Thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai) lấy Khu công nghệ cao Hòa Lạc vừa được bàn giao về Hà Nội quản lý, làm hạt nhân.

Hai thành phố sẽ gắn với 5 trục phát triển, trong đó lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, thay đổi quan điểm phát triển đô thị theo hướng quay mặt ra sông thay vì quay lưng ra sông như hiện nay; trục không gian hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; trục không gian hồ Tây - Cổ Loa xác lập không gian kiểm soát đặc biệt là tổ hợp các khu chức năng công cộng gắn với các công trình biểu tượng; trục không gian Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh; trục không gian phía Nam kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh tại huyện Mỹ Đức và tỉnh Hà Nam.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu dự hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Thành ủy Hà Nội.  


Trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đã chỉ đạo nhấn mạnh các yếu tố tiểu vùng văn hóa để thấy được tính đa sắc, hội tụ của Thủ đô ngàn năm văn hiến (văn hóa Kinh Bắc, xứ Đoài, xứ Đông, văn hóa Thăng Long, Kẻ Chợ); nghiên cứu định hướng phát triển vừa bảo đảm hội tụ, vừa gìn giữ được văn hóa của từng vùng; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng nông thôn Bắc bộ, kết hợp với phát triển du lịch, dịch vụ...

Tạo động lực mới cho Thủ đô

Về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), công sức chuẩn bị của Chính phủ, thành phố Hà Nội và các bộ, đặc biệt là Bộ Tư pháp-cơ quan chủ trì soạn thảo đã giúp hoàn thành hồ sơ để lần đầu tiên trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/9 vừa qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cơ bản tán thành với hồ sơ và các nội dung cơ bản của dự luật; đồng thời lưu ý đây là một đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc.

Điều quan trọng nhất là Luật Thủ đô (sửa đổi) phải đem lại giá trị thiết thực, thực chất là việc phân cấp, giao quyền cho Hà Nội. Thành phố đang quá tải về hạ tầng giao thông, nhu cầu hoàn thiện các tuyến đường vành đai, đầu tư nhanh chóng các cây cầu vượt sông, các tuyến đường sắt rất lớn và rất cấp bách. Nhưng nếu thực hiện như cơ chế hiện hành thì phải rất lâu mới có thể hoàn thành, vừa gây lãng phí tiền của, vừa lãng phí thời cơ, cơ hội phát triển.

Giao quyền cho Hà Nội cũng chính là tháo gỡ các nút thắt cản trở, vướng mắc để tạo động lực mới cho Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung tiến lên. Ví dụ như giao quyền cho Thủ đô quyết định đầu tư công, các dự án theo hình thức công - tư (PPP), đầu tư các dự án cầu quy mô lớn như các cầu qua sông tại Hà Nội (cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên) có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng (thuộc nhóm dự án trọng điểm quốc gia) hay các cầu liên tỉnh thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương như cầu Ngọc Hồi, cầu Vân Phúc... Nếu chờ các bước theo quy trình thủ tục, trình Quốc hội thì sẽ rất lâu; mà nếu giao cho Hà Nội thì chắc chắn thành phố làm được. Hay đối với nhu cầu xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch trên địa bàn Hà Nội, nếu thực hiện theo quy trình, cách thức hiện nay là xé lẻ ra từng tuyến, mỗi tuyến một nguồn vốn tài trợ, một nhà thầu thì sẽ rất manh mún và kéo dài. Nên cần có cơ chế dành riêng cho phép cả 10 tuyến 1 gói vay ODA, trên cơ sở đó thực hiện đồng bộ, bảo đảm kỹ thuật và thời gian vận hành...

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại điểm cầu huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.


Việc di dời các trụ sở cơ quan Trung ương vừa được Chính phủ báo cáo ra Quốc hội cho thấy tính chất cấp thiết cần có giải pháp cụ thể khả thi để thực hiện. Việc di dời các bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô cũng vậy. Để thực hiện hiệu quả, cần trao cho Hà Nội cơ chế như đứng ra giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở mới để các trường học, bệnh viện chỉ việc di chuyển đến là có thể vận hành được; thay vì để các trường học, bệnh viện di dời phải tự lo giải phóng mặt bằng, lo xây dựng cơ sở mới như hiện nay...

Nếu những “nút thắt” này được tháo gỡ, không chỉ Hà Nội có sức bật mới để phát triển mà các địa phương khác, các cơ sở, đơn vị liên quan cũng có cơ hội. Chúng ta cần biết rằng, 3 nội dung quan trọng này dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 khai mạc trong tháng 10 này. Khi được Quốc hội thông qua, đây sẽ là con đường phát triển của Thủ đô trong 20-40 năm tới, nên ý nghĩa là rất hệ trọng.

Xác định vị thế mới cho văn hoá

Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Trong quá trình đó, thành phố xác định rõ trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên tập trung vào những công trình, dự án lớn có sức lan toả, giải quyết những vấn đề cấp thiết đang đặt ra...

Hà Nội là một trong số ít những Thủ đô trên thế giới có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn 1.000 năm tuổi và được biết đến là “Thành phố di sản”, với quỹ di sản văn hoá vô cùng phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; trên 1.350 làng nghề và làng có nghề; 1.095 lễ hội dân gian cổ truyền và sinh hoạt văn hóa cộng đồng...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội và xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).


Nhằm khai thác tiềm năng to lớn đó, với tinh thần chủ động, sáng tạo, Thành ủy Hà Nội là cấp ủy cấp tỉnh đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022) theo tinh thần Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021. Cùng với Nghị quyết quan trọng này, thành phố xác định 3 lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo gồm y tế, giáo dục và văn hóa. Đến nay, nguồn vốn cấp thành phố và cấp huyện được xác định đầu tư cho 3 lĩnh vực này đã đạt hơn 90.000 tỷ đồng.

Trong đó, thành phố đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng để bảo tồn, tôn tạo 579 di tích đang xuống cấp và đã xuống cấp nghiêm trọng. Hơn 1 năm qua, chủ trương này đã đem lại lợi ích với hàng trăm công trình được thụ hưởng, qua đó đem lại niềm vui cho nhân dân, đồng thời mở ra cơ hội phát triển dịch vụ, du lịch tạo sinh kế cho bà con. Thành phố cũng đang tập trung triển khai một số dự án trọng điểm như tái hiện Điện Kính Thiên, xây dựng đền thờ đức vua Ngô Quyền, thí điểm quy hoạch bảo tồn làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây với tổ chức lễ hội, phố đi bộ phát triển du lịch, dịch vụ...  

Một chủ trương lớn và cũng là bước đi đột phá về phát triển hạ tầng là Hà Nội đã chủ động đề xuất và được Trung ương, Quốc hội thông qua chủ trương triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô. Đường Vành đai 4 là bước cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược của Đại hội XIII của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cũng là dự án lớn đầu tiên triển khai Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Dự án đã được triển khai, hoàn thành các mốc tiến độ theo kế hoạch như bàn giao mốc giới, đặc biệt là tổ chức công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng. Ngày 25-6, đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định, thành phố Hà Nội đã đi đầu khởi công dự án tại 4 điểm trên địa bàn. Đến nay, gần 90% diện tích đã được giải phóng mặt bằng ở 3 tỉnh, thành phố. 14 mũi thi công dự án đã và đang được các nhà thầu triển khai. Thành phố cũng đang tích cực tháo gỡ khó khăn về mỏ vật liệu, chỉ đạo các quận, huyện quản lý chặt chẽ diện tích đã thu hồi, phối hợp bàn giao cho chủ đầu tư, các nhà thầu để tổ chức thi công...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng với học sinh Trường Mầm non đô thị Sài Đồng, quận Long Biên.


Con đường khi hoàn thành không chỉ tạo động lực phát triển cho Hà Nội, mà còn khắc phục hạn chế liên kết vùng, thúc đẩy các tỉnh vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng cùng phát triển.

Hà Nội cũng đã chỉ đạo nhiều giải pháp mang tính bước ngoặt nhằm giải quyết những vấn đề tồn đọng, nổi cộm, cấp thiết đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Đó là thông qua Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030; quyết liệt xử lý đối với 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn thành phố, dự kiến hoàn thành trong tháng 11 tới; tăng cường phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính; đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc thúc đẩy cải tạo các khu chung cư cũ...

Giữa bộn bề công việc, trách nhiệm nặng nề, Hà Nội luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, đồng thời chủ động chọn việc để làm, đã làm thì quyết tâm “làm ra tấm ra món”.

Duy trì phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, thành phố còn làm tốt và không ngừng cố gắng để ngày càng làm tốt hơn công tác an sinh xã hội và bảo trợ xã hội trên tinh thần để không ai bị bỏ lại phía sau. Đến nay, toàn thành phố còn 2.134 hộ nghèo (chiếm 0,095% tổng số hộ dân) và 22.263 hộ cận nghèo (chiếm 0,99% tổng số hộ dân). Thành phố đang thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 với chỉ tiêu giảm từ 25-30% số hộ nghèo và 10% số hộ cận nghèo hằng năm, phấn đấu đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao kinh phí hỗ trợ hộ nghèo cho các địa phương. 


Tiến thêm một bước để dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Thời gian tới, nhiệm vụ, chỉ tiêu đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô rất nặng nề, trong khi khó khăn, thách thức được dự báo còn rất lớn. Trước hết từ nay đến cuối năm 2023, thành phố phải hoàn thành một số chỉ tiêu và nhiệm vụ rất quan trọng của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để làm được điều đó, chúng ta phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với hệ thống chính trị thành phố, gương mẫu, đi đầu, gần dân, sát dân, thực hiện tốt phương châm “dân là gốc”; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các cấp ủy tổ chức đảng, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống chính trị thành phố cần thực hiện thật tốt chủ đề công tác năm: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, đặc biệt là chủ động thực hiện tốt Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội. Đây là chỉ thị có ý nghĩa rất quan trọng định hình lại tư duy, nhận thức về trách nhiệm công vụ và tinh thần phục vụ nhân dân; khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Đồng thời, quan trọng hơn là thông qua thực hiện chỉ thị này, chúng ta - mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đảng viên, cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu phải tiến thêm một bước để dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khảo sát vị trí khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Hoài Đức. 


 Các cấp, các ngành thành phố phải tiếp tục thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lời chúc Tết Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô nhân dịp Tết nguyên đán Quý Mão. Trọng tâm đó là khơi dậy ý chí, vươn lên xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại; nêu cao hơn nữa lòng tự hào, tự trọng, ý chí quyết tâm, tinh thần năng động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới phong cách lãnh đạo, điều hành, chủ động, tích cực tranh thủ mọi thời cơ và thuận lợi, bình tĩnh, tỉnh táo vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. 

Năm 2024, chúng ta sẽ long trọng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), một cột mốc có ý nghĩa to lớn, đánh dấu quá trình vươn lên của Hà Nội từ trong gian khổ đấu tranh, ca khúc khải hoàn đến vinh quang của sự nghiệp đổi mới, hội nhập, xây dựng và phát triển. Chúng ta phải tiếp tục nỗ lực cố gắng ngay từ hôm nay để lập nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm. Việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đem lại bước phát triển mới cho địa phương, đơn vị, nâng cao đời sống người dân chính là món quà chào mừng có ý nghĩa nhất./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực