Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở

Thứ ba, 17/10/2023 19:56
(ĐCSVN) - Nhiệm kỳ 2023 - 2028, hệ thống Công đoàn Thủ đô xác định tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; tập trung đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động...



Nhiệm kỳ 2018 - 2023, hoạt động thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) được hệ thống Công đoàn Thủ đô tập trung chú trọng, có nhiều đổi mới và phát huy hiệu quả tích cực. Đặc biệt là Đề án thí điểm: “Nâng cao hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐT trong doanh nghiệp” đã góp phần phần tăng nhanh về số lượng và nâng cao về chất lượng TƯ thể hiện qua việc ký mới 2.449 bản, tăng 288% so với đầu nhiệm kỳ (1.250 bản). Đến nay, có 3.699 bản đạt tỷ lệ 75,5%, trong đó TƯLĐTT loại A, B đạt 46%, được Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam triển khai nhân rộng, áp dụng trong cả nước.

5 năm qua, LĐLĐ thành phố và các Công đoàn cấp trên cơ sở đã phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn tại 3.713 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm với số tiền 16,37 tỷ đồng; phối hợp thanh tra, kiểm tra về công tác an toàn vệ sinh lao động, trong đó tập trung vào các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, góp phần làm tốt hơn công tác an toàn vệ sinh lao động và giảm tình hình tai nạn lao động. 

Người lao động Thủ đô hào hứng tham gia các hoạt động trong chương trình “Tết sum vầy”. 


Bên cạnh đó, hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động ngày càng thiết thực, hiệu quả, tạo niềm tin và sự gắn bó với tổ chức công đoàn. Trong nhiệm kỳ, các cấp Công đoàn thành phố luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động với nội dung và hình thức đa dạng hơn theo hướng thiết thực, gắn với nhu cầu thực tế.

Theo thống kê, giai đoạn 2018 - 2023, từ nguồn “Quỹ Xã hội Công đoàn” và ngân sách Công đoàn, các cấp Công đoàn thành phố đã chi hỗ trợ cho 1,2 triệu lượt đoàn viên, người lao động, với tổng số tiền gần 600 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các hoạt động như: tổ chức chương trình “Tết sum vầy”; “Chuyến xe 0 đồng”; “Chợ Tết công đoàn”, các hoạt động chăm lo nhân Tháng công nhân hằng năm… Đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới 285 “Mái ấm Công đoàn” với số tiền 9,8 tỷ đồng...

Đầu năm 2023, trước tình hình các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, người lao động bị thiếu việc làm, mất việc làm; LĐLĐ thành phố đã nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ của Tổng Liên đoàn để hỗ trợ kịp thười cho người lao động khó khăn ở các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, với số tiền 1,5 tỷ đồng. Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình hiện đang quản lý 69 tỷ 306 triệu đồng. Trong nhiệm kỳ qua, quỹ đã giải ngân 283,1 tỷ đồng cho 11.500 lượt đoàn viên, CNLĐ vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống.

Phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động Thủ đô được triển khai sâu rộng, tạo sức lan tỏa, hiệu quả cao, trọng tâm là phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô”, “Dạy tốt, học tốt”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đặc biệt là phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” với điểm nhấn là tổ chức hội thi Thợ giỏi của các cấp Công đoàn, nhằm nâng cao kỹ năng, tay nghề, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước, vì việc làm và đời sống của người lao động. Mới đây, hưởng ứng chương trình 1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19, các cấp Công đoàn Thủ đô đã cập nhật 200.000 sáng kiến, vượt chỉ tiêu 320%, đứng thứ hai cả nước về số lượng sáng kiến được cập nhật.

Xác định phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của tổ chức công đoàn, Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố xây dựng Chương trình số 03/CTr-LĐLĐ về “Phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, xây dựng CĐCS vững mạnh, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, giai đoạn 2018 - 2023”. Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW “về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-LĐLĐ “về phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS đến năm 2023”. Nhiệm kỳ qua, hệ thống Công đoàn thành phố đã thành lập mới 2.821 CĐCS, đạt 109,3% chỉ tiêu kế hoạch và phát triển mới 206.227 đoàn viên công đoàn, đạt 123,6% chỉ tiêu kế hoạch nhiệm kỳ.

Công đoàn các cấp đã làm tốt công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Cả nhiệm kỳ đã giới thiệu 39.716 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét (đạt 112% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao), có 23.497 đoàn viên công đoàn ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhiệm kỳ qua, 285 “Mái ấm Công đoàn” đã được các cấp Công đoàn thành phố sửa chữa, xây mới. 


Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết, Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII xác định 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2023 - 2028 (Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; Tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và thời giờ làm việc; Từng bước chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn, ưu tiên lĩnh vực quản lý đoàn viên và tài chính công đoàn) hướng tới mục tiêu: “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; tập trung đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho đoàn viên, người lao động; thu hút, tập hợp người lao động, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, là chỗ dựa tin cậy, là tổ chức đại diện lớn nhất của người lao động; góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. 

 Chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ được xác định là:

(1) Phấn đấu toàn thành phố có 1.000.000 đoàn viên;

(2) Có 85% các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn thương lượng, ký kết được TƯLĐTT theo quy định của pháp luật;

(3) Ít nhất 90% số vụ việc của đoàn viên có yêu cầu tổ chức Công đoàn tư vấn, tranh tụng về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng sẽ có đại diện Công đoàn tham gia hoặc được Công đoàn hỗ trợ. .

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực