|
Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức trao Giấy chứng nhận và tặng hoa đại diện nhà tài trợ. |
Ngày 7/10, Báo Hànộimới tổ chức Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”.
Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” do Báo Hànộimới tổ chức là một sự kiện thiết thực, đóng góp vào chuỗi hoạt động chung của Thành phố chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Cuộc thi là dịp tăng cường tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử vẻ vang của Thăng Long - Hà Nội, quảng bá về hình ảnh của Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, đang trên đà phát triển mạnh mẽ với khát vọng trở thành thành phố toàn cầu, nơi đáng đến và đáng sống; đồng thời khơi dậy tình yêu, khát vọng và trách nhiệm trong mỗi người Hà Nội cũng như người dân cả nước đối với Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Phát động từ ngày 28/3/2024, sau hơn 5 tháng kể từ ngày phát động, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 180 bài/loạt bài dự thi. Bộ phận thường trực cuộc thi - Ban Chuyên san đã tuyển chọn 82 bài/loạt bài có chất lượng, đáp ứng các tiêu chí của thể lệ cuộc thi để biên tập và đăng làm 106 kỳ trên báo điện tử Hànộimới và ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần.
Từ 82 bài/loạt bài đã đăng trên báo điện tử Hànộimới và ấn phẩm Hànộimới, Hội đồng sơ khảo đã chấm điểm, xác định 30 tác phẩm vào Vòng chung khảo. Và Hội đồng chung khảo đã khách quan, công tâm và thống nhất chọn ra 20 tác phẩm có điểm cao nhất để trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 14 giải Khuyến khích. Cơ cấu giải thường như sau: 01 giải Nhất: 30.000.000 đồng/giải; 02 giải Nhì: 15.000.000 đồng/giải; 03 giải Ba: 10.000.000 đồng/giải; 14 giải Khuyến khích: 3.000.000 đồng/giải.
Phát biểu tại lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức cho biết, mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian không dài, nhưng Cuộc thi đã lan tỏa sâu rộng, tạo sân chơi bổ ích cho những người viết chuyên nghiệp và không chuyên trên cả nước; thu hút hàng trăm tác giả là những cây bút nổi tiếng, như thiếu tướng - nhà văn Nguyễn Hồng Thái; các nhà văn, nhà báo Trần Chiến, Vũ Công Chiến, Nguyễn Ngọc Tiến, Hoài Hương, Phong Điệp, Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Văn Học…; các chuyên gia, nhà nghiên cứu tên tuổi như PGS.TS Trần Viết Lưu; TS.KTS Phạm Hoàng Phương; nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ, nhà nghiên cứu âm nhạc – nhạc sĩ Nguyễn Quang Long…, và nhiều cây viết trẻ có nhiều triển vọng với những góc nhìn đầy mới mẻ về Hà Nội...
|
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam trao giải Nhất cho tác giả. |
Bên cạnh những cây bút chuyên nghiệp, cuộc thi còn có sự hưởng ứng nhiệt tình của đội ngũ tác giả không chuyên là những cựu chiến binh, sĩ quan quân đội, công an, luật sư, giáo viên, sinh viên, học sinh. Đặc biệt là có nhiều tác giả đồng thời là những nhân chứng sống của một thời kỳ lịch sử vẻ vang, hào hùng của đất nước và Thủ đô, tiêu biểu như tác giả Phạm Văn Chương năm nay đã 90 tuổi từng là chiến sĩ lái xe kéo pháo cao xạ 37 ly thuộc Trung đoàn pháo binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại tá Nguyễn Trấn, 89 tuổi, cựu chiến binh Trung đoàn pháo cao xạ 367, hay Đại tá Hoàng Kim Hiên, nguyên Chính ủy Trung đoàn Thủ đô; Đại tá Dương Sơn Hà, nguyên Đội trưởng Đội cán bộ địch vận mặt trận Gia Lâm (Hà Nội) năm 1954…
Không chỉ nhiều về số lượng tác phẩm, cùng với đó là sự đa dạng về thể loại và sự phong phú về thành phần, độ tuổi tác giả, mà việc bài dự thi không chỉ của các tác giả ở Hà Nội mà còn được đến từ rất nhiều tỉnh, thành phố, trải dài từ Bắc vào Nam như Lai Châu, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai... đã cho thấy sức lan tỏa sâu rộng của cuộc thi cũng như sự thu hút của Báo Hànộimới nói chung.
Các tác phẩm dự thi nhìn chung thể hiện sự tâm huyết và tình cảm thiết tha dành cho Thủ đô Hà Nội. Thông qua các tác phẩm dự thi, người đọc được hòa mình vào những năm tháng hào hùng, sôi động của Hà Nội trước, trong và sau Ngày Giải phóng 10/10/1954. Đó là ký ức về hành trình trở về Thủ đô sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” với tác phẩm “Mãi tự hào về hành trình chiến thắng”. Đó là khoảnh khắc cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong được gặp Bác Hồ ở Đền Hùng, được Người lưu ý những “nguyên tắc” khi về tiếp quản Thủ đô và đặc biệt là lời căn dặn bất hủ “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” (tác phẩm “Từ chiến trường Điện Biên Phủ về Thủ đô Hà Nội”)…
Đặc biệt, đó còn là ký ức tự hào trong ngày đoàn quân”trùng trùng như sóng” tiến về”, là niềm hân hoan, hạnh phúc vô bờ của hàng vạn người Hà Nội khi Thủ đô từ nay sạch bóng quân thù, mở ra một cuộc đời mới, kỷ nguyên mới… Đó còn là những câu chuyện về một Hà Nội vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa, vừa chi viện cho tiền tuyến miền Nam; một Hà Nội kiên cường chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, rồi làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, (tác phẩm ‘Điện phố”, “Tự hào vùng đất “phượng hoàng đỏ”; “Khu Cháy – nơi tên đất, tên làng đi vào lịch sử”; “Nơi in dấu chân của những người chiến thắng...”.
|
Ban tổ chức cùng các đại biểu và tác giả đoạt giải. |
Chiếm tỉ lệ khá lớn là chủ đề người Hà Nội với những vỉa tầng văn hóa sâu lắng, thấm đẫm tinh thần Hà Nội, nhân văn, nhân ái, sẻ chia (“Những mùa đông Hà Nội ấm áp”; “Nhà tôi ở đó”; “Khu tập thể Trung Tự: Một nhân chứng của lịch sử đô thị Hà Nội”; “Vượt qua cú sốc xóa bỏ bao cấp"... Những câu chuyện giản dị nhưng lấp lánh phẩm cách hào hoa, thanh lịch của người Hà thành (“Chuyện ông bố nhà quê đưa con đi xin lỗi bạn”, “Người Hà Nội”, “Loanh quanh Hà Nội tìm Hà Nội”, “Tỏa rạng hào khí đất Thăng Long”, “Khí quyển niềm tin”... Đó còn là chân dung những con người đã và đang lặng thầm sáng tạo, cống hiến cho Thủ đô thêm giàu đẹp (“Đường Lâm có Phát”, “Một tấm lòng Hà Nội”...).
Bên cạnh đó, có khá nhiều tác phẩm thuộc thể loại tản văn, là nỗi nhớ thành phố ngàn năm yêu dấu của những người con xa quê hương, là cảm xúc của những người phương xa từng có quãng thời gian sinh sống, học tập hay thậm chí chỉ một lần ghé qua Hà Nội… Những bài viết đầy ắp tình cảm mến yêu, thương nhớ càng cho thấy vẻ đẹp, sức hút, sức lan tỏa rất lớncủa trầm tích văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội.
Đặc biệt, nhiều tác giả đã có sự đầu tư lao động báo chí, dụng công với những loạt bài phân tích, lý giải những vấn đề nóng đặt ra với Hà Nội, từ đó hiến kế, đề xuất giải pháp nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh - Hiện đại”, thực sự là một thành phố đáng đến, đáng sống (“Hiện thực hóa giấc mơ sông Hồng”, “Sông Hồng và những nhịp cầu nối bờ vui”, “Để dòng Tô thắm xanh”, “Nỗ lực vì một Hà Nội “đẹp từng centimet”, “Hà thành, mỗi bước ta đi”...
Khẳng định Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” đã thành công tốt đẹp, đạt mục đích, yêu cầu đề ra, nhà báo Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh: “Thông qua cuộc thi, chúng ta càng thêm yêu Hà Nội, càng trân quý những giá trị lớn lao của Hà Nội được bồi tụ từ nghìn năm lịch sử để cùng nhau nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng nhau góp sức gìn giữ, phát huy để hào khí Thăng Long – Hà Nội càng thêm lan tỏa, rạng ngời”./.