Trường học tự nấu hay chọn nhà cung cấp uy tín cho bữa ăn bán trú?

Thứ sáu, 06/09/2024 21:21
(ĐCSVN)- Bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học luôn là vấn đề được phụ huynh quan tâm, bởi liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sự phát triển về thể chất và trí tuệ của thế hệ trẻ.

Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Quyết định số 2195/QĐ-BGDĐT phê duyệt Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học; Quyết định số 4280/QĐ-BGDĐT phê duyệt Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh THCS.

Theo hướng dẫn này, thực đơn bữa ăn học đường cần bảo đảm đa dạng thực phẩm, nên đạt tối thiểu trên 10 loại thực phẩm khác nhau, có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong đó nhóm chất béo là bắt buộc. Thực đơn phải mang tính khả thi, chế biến hợp lý, bảo đảm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, phù hợp theo quy định, điều kiện của từng cơ sở…

 Một cuộc kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội

Dù vậy trên thực tế, an toàn bữa ăn học đường vẫn luôn là nỗi lo lắng của phụ huynh khi vẫn còn những trường hợp ngộ độc hay suất ăn lèo tèo, không đảm bảo chất lượng. Vẫn còn không ít vụ việc liên quan đến thực phẩm không đảm bảo chất lượng đã xảy ra tại các trường học trên cả nước.

Cũng theo quy định của Bộ GD&ĐT, các nhà trường có thể lựa chọn các hình thức hoạt động của bếp ăn trong trường học như: Bếp ăn do nhà trường trực tiếp quản lý, điều hành; Bếp ăn do đơn vị cung cấp dịch vụ nấu tại trường và cung cấp cho học sinh hay đặt suất ăn từ đơn vị cung cấp dịch vụ từ bên ngoài.

Mô hình nhà trường ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn chuyên nghiệp được phần lớn các trường tiểu học và THCS của Hà Nội thực hiện từ nhiều năm nay. Với mô hình này, nhà trường có thể yên tâm khi lựa chọn được đơn vị có năng lực, có chuyên môn về dinh dưỡng, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm. Các phụ huynh được chủ động kiểm soát suất ăn hàng ngày cùng với nhà trường. Trong khi đó, đơn vị cung cấp suất ăn chuyên nghiệp phải chịu trách nhiệm toàn bộ các khâu từ kiểm soát chất lượng nguồn gốc thực phẩm, kiểm soát nhân sự làm việc và chế biến tại bếp. Đồng thời chịu trách nhiệm báo cáo các cơ quan chức năng về công tác phục vụ suất ăn bán trú.

Mô hình nhà trường mua thực phẩm, tự tổ chức nhân sự nấu tại trường chủ yếu được áp dụng đối với các trường mầm non. Chức năng chính của các trường mầm non chính là nuôi dạy nên nhà trường có nhân sự biên chế cô nuôi. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chính về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng suất ăn cho các con, đơn vị cung cấp thực phẩm chỉ chịu trách nhiệm đối với chất lượng thực phẩm đã bàn giao cho nhà bếp.

Đánh giá về mô hình nấu ăn tại trường, chị Nguyễn Phương Nhung, phụ huynh có con học tiểu học tại quận Cầu Giấy chia sẻ, việc các trường mầm non tổ chức nấu ăn tại trường là khoa học, hợp lý, phụ huynh rất yên tâm do các cô được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, nếu các trường tiểu học, THCS cũng nấu ăn tại trường thì cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm.

“Chức năng chính của các trường tiểu học và THCS là giảng dạy, giờ “ôm” thêm việc nấu ăn thì cả giáo viên và nhà trường đều mệt. Bộ GD&ĐT nói cần giảm tải cho giáo viên nên theo tôi nhà trường cứ tập trung vào việc chuyên môn, dạy và học thật tốt. Về bữa ăn bán trú, phương án tốt nhất nhà trường ký hợp đồng với nhà cung cấp suất ăn uy tín, chất lượng. Sau đó cả nhà trường và phụ huynh cùng tham gia giám sát quy trình ” – phụ huynh này nói.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT Hà Đông thừa nhận thực tế ở cấp tiểu học, đa số các trường đóng trên địa bàn quận Hà Đông không đủ điều kiện nấu ăn cho học sinh. “Cấp tiểu học không bắt buộc nấu ăn tại trường như mầm non, nên tùy theo điều kiện của từng trường có thể chọn các mô hình khác nhau. Tuy nhiên thực tế là đa số các cô không thể lo được việc nấu ăn cho học sinh, trong khi các trường không được định biên cán bộ làm công tác nấu ăn. Thậm chí có trường không có bếp ăn cũng là chuyện bình thường. Gần như các trường phải đi thuê các đơn vị nấu ăn phục vụ cho con em và cùng các phụ huynh giám sắt việc cung cấp suất ăn bán trú này” – bà Phạm Thị Lệ Hằng nói.

Hiệu trưởng một trường tiểu học đóng tại quận Hoàn Kiếm cũng cho hay để tập trung vào công tác giảng dạy, từ nhiều năm qua trường đã cùng ban phụ huynh lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn chuyên nghiệp, uy tín. “Chúng tôi yên tâm với mô hình này. Nhờ đó các thầy cô giáo có thêm thời gian phục vụ công tác chuyên môn” – hiệu trưởng này cho biết. 

TS Hoàng Ngọc Vinh, một chuyên gia giáo dục tâm huyết, đánh giá mô hình thuê đơn vị cung cấp suất ăn chuyên nghiệp là sự lựa chọn đúng đắn và đang là xu hướng hiện nay. “Nên để nhà trường tập trung vào việc giảng dạy, nâng cao kiến thức cho học sinh còn việc phục vụ ăn cho học sinh nhà trường sẽ phối hợp cùng với ban phụ huynh học sinh để lựa chọn được đơn vị cung cấp suất ăn chuyên nghiệp, tin cậy” – TS Hoàng Ngọc Vinh nói./.

Như Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực