Năm 2024 là năm gần cuối nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trong quý III cũng như 9 tháng vừa qua, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh có nhiều thuận lợi song cũng gặp không ít khó khăn thách thức. Tuy nhiên, nền kinh tế tỉnh Hà Tĩnh vẫn đạt mức tăng khá. Các dự án công nghiệp lớn trên địa bàn được đảm bảo tiến độ. Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định, vụ Xuân, vụ Hè Thu được mùa toàn diện. Du lịch, dịch vụ đạt mức tăng khá, các hoạt động quảng bá du lịch, hoạt động vui chơi giải trí diễn ra sôi nổi. Giải ngân đầu tư công, các dự án hạ tầng đô thị, giao thông chiến lược theo định hướng Quy hoạch tỉnh được đẩy mạnh triển khai. Bên cạnh những điểm nổi trội thì nền kinh tế công nghiệp tỉnh nhà vẫn chưa phục hồi rõ nét, tăng trưởng chưa đạt theo kế hoạch đề ra, tạo áp lực cho những tháng cuối năm 2024.
|
Nhà máy sản xuất ô tô điện có quy mô lớn nhất Đông Nam Á của Vingroup sẽ đi vào hoạt động tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). Ảnh minh họa. |
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn; tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển.
Về sản xuất nông nghiệp. 9 tháng năm 2024, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi, các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt cho năng suất thu hoạch đạt cao, đặc biệt trên cây lúa thắng lợi ở cả 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu. Việc thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của người dân, tạo bước đệm cho việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện được 11.609 ha, đạt 77,4% kế hoạch Nghị quyết HĐND tỉnh đưa ra đến năm 2025. Một số huyện có diện tích tập trung, tích tụ lớn đó là huyện Can Lộc 3.866 ha, huyện Thạch Hà 2.718 ha, huyện Cẩm Xuyên 1.528 ha,…
Sản xuất công nghiệp có nhiều điểm thuận lợi như: Bia đóng lon mở rộng thị trường tăng sản lượng sản xuất; vỏ bào, dăm gỗ cũng đang được đẩy mạnh xuất khẩu; ngành may mặc có nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, ngành công nghiệp vẫn còn những khó khăn, thách thức như: Sản phẩm mới pack pin còn phụ thuộc vào thị trường; nhà máy thép Formosa đại tu sửa trong 15 ngày trong tháng 4, sản lượng thép ảnh hưởng bởi thép nhập khẩu. Đặc biệt Tổ máy số 2 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 bảo dưỡng 65 ngày từ 15/8/2024. Do đó, thách thức, áp lực để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là rất nặng nề; đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tình hình hoạt động doanh nghiệp của tỉnh trong 9 tháng năm 2024 vẫn đang còn tồn tại nhiều khó khăn. UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh triển khai kịp thời, đồng bộ các cơ chế, chính sách của Trung ương; địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Tính từ đầu năm đến ngày 30/9/2024, toàn tỉnh thành lập mới 1.038 doanh nghiệp, tăng 11,25% với số vốn đăng ký hơn 5.341,2 tỷ đồng, tăng 41,18% so cùng kỳ năm trước. Song song với việc các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thì số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động 538 doanh nghiệp, tăng 11,85% so cùng kỳ; doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể 173 doanh nghiệp, tăng 613% so cùng kỳ năm trước.
Hoạt động thương mại và dịch vụ 9 tháng năm 2024 nhìn chung phát triển khá với gam màu sáng, tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 61,3 nghìn tỷ đồng tăng 17,56% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân, thị trường bán lẻ càng về cuối năm càng sôi động, hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành phát triển mạnh, các dịch vụ khác cũng tăng khả quan.
Trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh tập trung triển khai kế hoạch đầu tư công, tỉnh đã thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình, dự án. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 40.802 tỷ đồng, tăng 14,36% so với cùng kỳ năm trước, đây là nguồn lực lớn nhất nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho 9 tháng và cả năm 2024.
Tình hình xuất - nhập khẩu tháng 9 ghi nhận những tín hiệu khá tích cực từ thị trường xuất khẩu so với các tháng trước. Trị giá xuất - nhập khẩu trong tháng 9/2024 ước đạt 521,0 triệu USD tăng 1,10% so với tháng trước và tăng 6,68% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng năm 2024 hoạt động xuất - nhập khẩu đang gặp khó khăn khi trị giá xuất khẩu mặt hàng chủ lực thép vẫn đang giảm khá sâu. Tổng trị giá xuất, nhập khẩu 9 tháng ước đạt 4.593,82 triệu USD giảm 5,36% so với cùng kỳ (giảm 260,10 triệu USD).
9 tháng năm 2024, đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ổn định. Công tác an sinh xã hội được quan tâm./.