Tiếp tục thể chế hóa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Hải Phòng

Thứ sáu, 08/12/2023 18:57
(ĐCSVN) – Đồng chí Phan Đình Trạc yêu cầu Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được Đoàn kiểm tra chỉ ra và chú trọng phát hiện, kiến nghị khắc phục sơ hở, bất cập trong các văn bản pháp luật...
đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị. 

Chiều ngày 08/12, tại Hải Phòng, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo đã chủ trì Hội nghị công bố dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước theo Kế hoạch số 35-KH/BCĐTW đối với Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng.

Tham dự có đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Đoàn kiểm tra; các đồng chí thành viên Đoàn là cán bộ các cơ quan: Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thanh tra Chính phủ.

Làm việc với Đoàn kiểm tra có đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố Hải Phòng; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị được kiểm tra.     

đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo Thành phố phát biểu tại Hội nghị. 

Theo dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phổ biến, quán triệt nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC); ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành pháp luật để tổ chức thực hiện; quan tâm chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền của Thành phố ban hành, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn và quy định pháp luật hiện hành.

Thành ủy đã chỉ đạo thực hiện đầy đủ kiến nghị của các đoàn kiểm tra, giám sát của Trung ương về khắc phục sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để PCTNTC ở địa phương. Điển hình như: Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành hơn 50 nghị quyết, quyết định, UBND Thành phố đã ban hành hơn 750 quyết định về quản lý, sử dụng đất, trong đó có gần 20 văn bản triển khai thực hiện Luật Đất đai theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất,…

Trong lĩnh vực đấu thầu, đã ban hành hơn 10 nghị quyết, quyết định của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố và nhiều văn bản khác của UBND Thành phố nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, hạn chế vi phạm trong đấu thầu.

Trong lĩnh vực đấu giá tài sản, đã ban hành hơn 10 nghị quyết, quyết định và nhiều văn bản khác về đấu giá tài sản, nhất là đấu giá quyền sử dụng đất.

Trong lĩnh vực giám định tư pháp, định giá tài sản, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành 02 nghị quyết, UBND Thành phố ban hành nhiều quyết định về cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hoá giám định tư pháp, về hỗ trợ kinh phí phục vụ giám định, định giá tài sản…

Đồng thời, Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng cũng đã quan tâm chỉ đạo rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật để PCTNTC theo kiến nghị của các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương; trong đó đã hoàn thành 03/04 kiến nghị của các đoàn kiểm tra, giám sát về nội dung này.

Dự thảo Báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại để Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng sớm khắc phục trong thời gian tới.

Hình ảnh tại Hội nghị. 

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, Trưởng Đoàn kiểm tra đánh giá cao và ghi nhận những kết quả mà Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng đạt được trong thời gian vừa qua. Trong đó, nổi bật là đã xác định được đúng trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC là lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành, tổ chức thực hiện, góp phần hạn chế sơ hở, bất cập dẫn đến tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này. Đồng thời quan tâm chỉ đạo thể chế hoá, cụ thể hoá chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong các lĩnh vực đấu giá, đấu thầu, giám định, định giá tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng,…; chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Thành phố để bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn và quy định pháp luật hiện hành; quan tâm chỉ đạo thực hiện kiến nghị của các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về khắc phục sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách pháp luật để PCTNTC ở địa phương.

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC yêu cầu Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng sớm xây dựng kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được Đoàn kiểm tra chỉ ra; khẩn trương rà soát, xác định những chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC cần được thể chế hoá, cụ thể hoá thành pháp luật theo thẩm quyền của Thành phố; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thể chế hoá, cụ thể hoá. Quan tâm chỉ đạo rà soát các văn bản pháp luật đã ban hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ các văn bản có nội dung không đúng, không phù hợp với quy định của pháp luật; chỉ đạo làm rõ và xử lý trách nhiệm trong việc tham mưu, ban hành chính sách, pháp luật có thiết sót, sơ hở, bất cập; chậm phát hiện, xử lý không kịp thời những sơ hở, bất cập trong văn bản pháp luật đã ban hành. Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương chú trọng phát hiện, kiến nghị khắc phục sơ hở, bất cập trong các văn bản pháp luật qua tự rà soát, qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử và qua phản ánh của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của địa phương./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực