Làm giàu từ đặc sản quê hương

Thứ tư, 16/12/2015 15:12
Để sản xuất rượu nếp Mân đặc sản, gia đình ông Nguyễn Văn Quân, bà Hoàng Thị Gái mạnh dạn thuê lại đất của người dân, đầu tư máy móc, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trên diện tích 30 ha tại cánh đồng thôn Kênh Hữu, xã An Hòa (Vĩnh Bảo) sản xuất lúa nếp cái hoa vàng. Nhờ đó, mỗi năm gia đình ông Quân thu nhập hơn 100 triệu đồng, tạo công việc ổn định cho hơn chục lao động địa phương.

 

 Rượu nếp Mân được xử lý độc tố và đóng chai gắn nhãn mác bảo đảm chất lượng

Năm 2011 trở về trước, gia đình ông Quân mở đại lý thu mua thóc gạo của người dân trong xã An Hòa, xay xát bán cho các đầu mối tiêu thụ trong và ngoài thành phố. Việc kinh doanh rất đắt khách, gạo xay xát đến đâu bán hết đến đó. Đặc biệt, lúa gạo nông dân thôn Kênh Hữu trồng, hạt mẩy, cơm dẻo, thơm, ngon, được thương lái săn đón do được trồng tại cánh đồng Mân (trước đây, dân làng chỉ cấy lúa nếp lấy gạo tiến vua). Kinh doanh gạo được một thời gian, vợ chồng ông Quân trăn trở tìm cách làm ra sản phẩm từ loại gạo này để giữ gìn và quảng bá thương hiệu gạo nếp “Mân”. Từ năm 2011, gia đình ông chuyển sang nghề nấu rượu.

.Tháng 6-2012, rượu nếp Mân Hoàng Quân được đăng ký thương hiệu độc quyền. Hiện nay, cơ sở sản xuất rượu nếp Mân của gia đình ông Quân, bà Gái có 3 sản phẩm chính là: nếp cái hoa vàng hạ thổ, nếp cái  ngâm củ đinh lăng và nếp cái ngâm củ ba kích. Rượu nếp Mân đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm số 19/2012/YTHR-CNTC và tiêu chuẩn cơ sở số 01:2012/HQ. Sản phẩm rượu nếp Mân hiện chiếm thị phần lớn tại huyện Vĩnh Bảo và có mặt tại một số huyện lân cận, nhiều tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định…

Ông Quân cho biết, rượu nếp Mân được nấu từ 100% nếp cái hoa vàng đồng Mân, ủ men thuốc bắc, nấu bằng nước lọc tinh khiết. Men dùng để ủ gạo đã được đăng ký thương hiệu. Quy trình sản xuất rượu thủ công. Rượu nấu xong được ủ trong chum một thời gian dài, sau đó xử lý độc tố bằng công nghệ hiện đại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Rượu càng để lâu càng ngon.

 

Theo bà Gái, để có nguyên liệu sản xuất rượu nếp Mân, thay vì thu mua thóc nếp tại địa phương, gia đình bà mạnh dạn thuê lại 30 ha đất của người dân tại thôn Kênh Hữu, xã An Hòa, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa nếp cái hoa vàng tập trung. Trên diện tích này, gia đình bà đầu tư máy móc, thuê hơn 10 lao động địa phương trực tiếp phục vụ sản xuất, với mức lương mỗi tháng từ 4,5-6 triệu đồng.

 

Giỏi làm kinh tế, tích cực tham gia công tác xã hội, gia đình ông Quân, bà Gái được tặng nhiều bằng khen của Hội Nông dân thành phố, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố. Đặc biệt, bà Hoàng Thị Gái vinh dự được Thành ủy Hải Phòng tặng bằng khen về thành tích trong công tác dân vận khéo 5 năm (2010-2015).

 

(Theo Báo Hải Phòng)

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực