Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá 2 tổ chức tín dụng khác

Thứ sáu, 21/11/2014 13:50

(ĐCSVN) - Ngày 20/11/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và có hiệu lực từ ngày 01/02/2015.

 

 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)


Thông tư áp dụng đối với tổ chức tín dụng (bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Cụ thể, Thông tư mới ban hành đã siết quy định về sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng. Theo đó, quy định mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại và các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó vào một doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực được quy định tại khoản 4 Điều 103 Luật các tổ chức tín dụng không vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp.

Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại vào các doanh nghiệp, bao gồm cả mức vốn cấp, vốn góp vào các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại.

Mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính và các công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính vào một doanh nghiệp không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Công ty tài chính không được góp vốn, mua cổ phần quá 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của mình vào các doanh nghiệp, công ty liên kết.

Ngân hàng thương mại, công ty tài chính không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính ngân hàng thương mại, công ty tài chính đó. Không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác người có liên quan của cổ đông lớn, của người quản lý của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đó.

Ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác phải đáp ứng đầy đủ 8 điều kiện quy định trong thông tư tại thời điểm mua, nắm giữ cổ phiếu như giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn vốn điều lệ đã đăng ký, nợ xấu dưới 3%, đảm bảo các giới hạn và tỷ lệ an toàn quy định, không bị xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian 1 năm trước ngày mua, nắm giữ cổ phiếu...

Thông tư cũng quy định, chủ tịch và thành viên khác của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, ban kiểm soát, cổ đông lớn của ngân hàng thương mại, công ty con của ngân hàng thương mại và người có liên quan của những người này không mua, nắm giữ hay ủy thác vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng đó.

Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá 2 tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công ty con của ngân hàng. Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của 1 tổ chức tín dụng khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác.

Ngân hàng cũng không được cử người tham gia hội đồng quản trị tại tổ chức tín dụng đã mua, nắm giữ cổ phiếu trừ trường hợp đó là công ty con của ngân hàng hoặc ngân hàng tham gia tái cơ cấu, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ định của NHNN.

Tuy nhiên, Thông tư cũng quy định một trường hợp tỷ lệ nắm giữ được vượt giới hạn quy định là khi việc mua, nắm giữ cổ phiếu nhằm tái cơ cấu, hỗ trợ tài chính cho tổ chức tín dụng gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ mất khả năng thanh toán, ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng và được NHNN chấp thuận và khi được NHNN chỉ định theo quy định của pháp luật.

NHNN cho biết, việc ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN là nhằm hướng dẫn Luật các TCTD năm 2010, đồng thời tạo cơ sở pháp lý thực hiện thành công mục tiêu, giải pháp tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 và Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013. Thông tư số 36/2014/TT-NHNN tạo nên những chuẩn mực về quản trị, an toàn hoạt động ngân hàng mới phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát hệ thống ngân hàng trong giai đoạn phát triển mới để từng bước đưa hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh và hiệu quả hơn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực