(ĐCSVN) - Ngày 8/12, Ngân hàng Nhà nước (NHN) đã ban hành thông tư số 38/2014/TT-NHNN quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tổ chức tín dụng Việt Nam.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Theo đó, Thông tư này quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ, bao gồm: nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần dẫn đến mức sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên hoặc mua thêm cổ phần khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên của một TCTD Việt Nam; nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần dẫn đến mức sở hữu cổ phần từ 10% vốn điều lệ trở lên của một TCTD Việt Nam; nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của một TCTD Việt Nam.
Thông tư cũng quy định rõ về hồ sơ gửi NHNN xem xét, thẩm định và trình thủ tướng quyết định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại TCTD yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định; trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài và TCTD, các đơn vị liên quan trong việc mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Về nguyên tắc và yêu cầu lập hồ sơ, Thông tư quy định rõ, hồ sơ đề nghị NHNN chấp thuận việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam, hồ sơ để NHNN xem xét, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần được lập thành một bộ bằng tiếng Việt, trong đó thành phần hồ sơ dịch từ tiếng nước ngoài được lập theo nguyên tắc như sau:
Thứ nhất, phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ các tài liệu sau đây: Văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ gửi trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước; Giấy tờ, tài liệu được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại; Giấy tờ, tài liệu được miễn họp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam; Báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập của năm liền kề trước năm nộp hồ sơ được lập trực tiếp bằng tiếng Anh; Văn bản hoặc tài liệu của tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế về kết quả xếp hạng tín nhiệm gần nhất với thời điểm nộp hồ sơ đối với tổ chức nước ngoài;
Thứ hai, phải được chứng thực chữ ký của người dịch theo quy định về chứng thực của pháp luật Việt Nam.
Trường hợp các giấy tờ là bản sao mà không phải là bản sao có chứng thực, bản sao được cấp từ sổ gốc thì phải xuất trình kèm theo bản chính để đối chiếu, người đối chiếu phải ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính...
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 1/2/2015./.