Thị trường chứng khoán Việt Nam xác lập mặt bằng tăng trưởng vững chắc hơn

Thứ hai, 16/02/2015 11:27

(ĐCSVN) - Năm 2014 đã khép lại, mặc dù có những yếu tố vĩ mô bất lợi ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) như việc giá dầu quốc tế giảm mạnh và một số điều chỉnh của chính sách tiền tệ, tuy nhiên,  TTCK Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng và xác lập mặt bằng chứng khoán vững chắc hơn.

 

 Ảnh minh họa.  (Nguồn: dddn.com.vn)

Bức tranh đã có những điểm sáng

Theo đánh giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), TTCK Việt Nam năm 2014 có diễn biến rất khả quan xét về các phương diện tốc độ tăng chỉ số, mức độ ổn định, khối lượng giao dịch và phản ánh khá rõ nét những chuyển biến tích cực trong nền kinh tế. Thị trường phát triển theo chiều hướng tăng trưởng, mặc dù xen kẽ những khoảng điều chỉnh giảm. Chỉ số VN-Index đã lập đỉnh tại mức điểm 640,75 (ngày 3/9) sau gần 6 năm đạt được, trong khi chỉ số HNX-Index cũng đã lập đỉnh tại mức điểm 92,99 (ngày 24/3) sau đúng 3 năm.

Báo cáo tổng kết năm 2014 của UBCKNN cho biết, chỉ số VN-Index tăng 8,1%, chỉ số HNX-Index tăng 22,3% so với cuối năm 2013. Mức vốn hóa đạt 1,128 triệu tỉ đồng (tăng 179 nghìn tỉ đồng so với cuối năm 2013), tương đương 31,5% GDP. Đáng chú ý, thanh khoản thị trường có sự cải thiện rõ rệt. Quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 5.500 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2013. Bên cạnh đó, tổng giá trị niêm yết tăng 19% so với năm 2013.

Tổng giá trị huy động vốn qua TTCK năm 2014 ước đạt 237 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2013 và đóng góp 27,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó tổng giá trị huy động qua phát hành trái phiếu Chính phủ ước đạt 214 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 90% tổng giá trị vốn huy động và gần tương đương với mức huy động vốn kỷ lục trong năm 2013. Quy mô huy động vốn qua TTCK tiếp tục tăng cao; đã huy động được 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ trên thị trường quốc tế với lãi suất thấp hơn dự kiến nhờ vào mức độ tín nhiệm quốc gia cải thiện…

Năm 2014, bên cạnh việc triển khai sản phẩm Quỹ hoán đổi danh mục (ETF), cơ quan quản lý cũng đang tích cực nghiên cứu để có thể sớm triển khai thí điểm quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ hưu trí bổ sung. Bên cạnh đó, trên cơ sở Đề án về xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 366/QĐ-TTg ngày 11/03/2014, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh để trình Chính phủ trong tháng 12/2014. Đây là bước tiến quan trọng trong việc tạo ra hành lang pháp lý cho việc triển khai các sản phẩm mới, tạo ra công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư, tăng sức hấp dẫn cũng như góp phần đưa thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển ở một tầm cao mới.

Cùng với đó, việc tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán cũng đạt kết quả tốt. Theo UBCKNN, việc tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán dựa trên các chỉ tiêu an toàn tài chính để tiến hành rà soát, đánh giá phân loại công ty chứng khoán (CTCK), trên cơ sở đó tiến hành xử lý theo hướng hợp nhất, sáp nhập, giải thể CTCK. Tính đến tháng 09/2014 đã có 20 CTCK chấm dứt và đình chỉ hoạt động, giải thể, hợp nhất, giảm số CTCK thua lỗ từ 60% xuống còn dưới 20%. Ngoài ra, UBCKNN cũng đã thực hiện đánh giá, xếp loại các CTCK dựa trên quy chế CAMEL (xếp loại công ty quản lý quỹ). Theo đó, đã phân loại các CTCK thành các nhóm A, B, C, D, E để từ đó có phương án theo dõi, xử lý đối với từng nhóm và tiến hành kiểm tra đối với các CTCK nằm trong nhóm D, E để tiếp tục tái cấu trúc trong thời gian tới.

Cũng trong năm 2014, công tác cổ phần hóa và thoái vốn được đẩy mạnh với tổng giá trị đấu giá thành công gấp 4 lần năm 2013.

Tạo đà phát triển cho năm 2015

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, bước sang năm 2015, mặc dù nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành quả bước đầu và các chính sách đã phát huy tác dụng, tuy nhiên sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như nền kinh tế toàn cầu vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây ảnh hưởng nhất định đến kinh tế trong nước. Năm 2015 cũng là năm kết thúc kế hoạch 5 năm để bước sang một giai đoạn phát triển mới theo chiều sâu, đòi hỏi trọng trách lớn của cơ quan quản lý cũng như toàn thể thành viên thị trường. Vì vậy, để thúc đẩy TTCK tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, thu hút nhà đầu tư trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan quản lý cần phối hợp với các thành viên thị trường triển khai đồng bộ các giải pháp mới tạo được sự phát triển bền vững cho TTCK.

UBCKNN đã đề ra một số giải pháp cụ thể. Theo đó, cần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm cho TTCK. Hoàn chỉnh hệ thống khung pháp lý cho hoạt động của TTCK để thúc đẩy sự phát triển của thị trường, tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát đối với các hoạt động trên thị trường, đảm bảo an toàn của thị trường, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Đồng thời, xây dựng các quy định về quản trị công ty, các chuẩn mực kế toán và kiểm toán; hoàn thiện khung pháp lý về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh; đồng thời chuẩn bị cơ sở hạ tầng, hệ thống giao dịch, quản lý và kiểm soát rủi ro đối với TTCK phái sinh; xây dựng sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp.

Bên cạnh đó, tiếp tục hợp nhất, giải thể các công ty chứng khoán yếu kém, thua lỗ dựa trên nền tảng các chỉ tiêu an toàn tài chính. Cùng với đó, hoàn thiện đầu tư công nghệ thông tin cho toàn thị trường theo hướng hiện đại, thống nhất. Nghiên cứu hệ thống vay/cho vay chứng khoán mục đích để phục vụ thanh toán bù trừ; xây dựng hệ thống phục vụ các sản phẩm phái sinh. Đặc biệt, đào tạo, tuyên truyền, quảng bá về thị trường và các sản phẩm mới, khuyến khích phát triển sản phẩm mới chắc chắn, an toàn, hiệu quả.

Đồng thời, cần xây dựng và phát triển quỹ hưu trí tự nguyện, quản lý vốn ủy thác, báo cáo Chính phủ vấn đề mở rộng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để tạo cơ chế liên thông chứng khoán – ngân hàng – bảo hiểm nhằm tạo vốn cho TTCK, từ đó thúc đẩy công tác cổ phần hóa, huy động vốn cho doanh nghiệp, Chính phủ; thực hiện chuyển chức năng thanh toán sang ngân hàng nhà nước theo thông lệ quốc tế; triển khai xây dựng hệ thống thanh toán phục vụ cho thị trường chứng khoán phái sinh.

Ngoài ra, tiếp tục nâng cao ý thức công bố thông tin của các doanh nghiệp và nhà đầu tư thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật chứng khoán. Phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp và xây dựng các quy định về xếp hạng tín nhiệm, thiết lập tổ chức định mức tín nhiệm của Việt Nam. Nghiên cứu xây dựng Quỹ bảo vệ nhà đầu tư trong trường hợp các tổ chức trung gian tài chính giải thể, phá sản để đảm bảo tài sản cho nhà đầu tư.

Bằng sự quyết tâm cũng như sự phối hợp đồng bộ các giải pháp, hy vọng TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực