Vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có thể bị phạt đến 2 tỷ đồng

Thứ sáu, 24/10/2014 17:20

(ĐCSVN)Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm của tổ chức vi phạm là 2 tỷ đồng, đối với cá nhân là 1 tỷ đồng.

 

 Ảnh minh hoạ: MP

Mức phạt quy định chi tiết tại Nghị định là mức phạt áp dụng với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Các hình thức xử phạt chính quy định trong Nghị định gồm: cảnh cáo, phạt tiền. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung gồm: tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp về một hoặc một số hoạt động, dịch vụ ngân hàng và một số hoạt động kinh doanh khác thuộc lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; hoặc đình chỉ có thời hạn hoạt động tiền tệ, ngân hàng; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm.

Cụ thể, Nghị định quy định, vi phạm quy định về quản lý và sử dụng giấy phép có thể bị phạt từ 20 triệu đồng đến 500 triệu đồng. Mức phạt nặng nhất được áp dụng cho hành vi hoạt động không có giấy phép; chia tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức pháp lý tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà chưa được cấp có thẩm quyền chấp nhận bằng văn bản.

Những vi phạm quy định về tổ chức, quản trị, điều hành bị phạt từ 20 triệu đồng đến 250 triệu đồng. Hành vi bị phạt nặng gồm: bầu, bổ nhiệm chức danh không đủ tiêu chuẩn, điều kiện; không xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ.

Những vi phạm về cổ phần, cổ phiếu có thể bị phạt đến 300 triệu đồng. Những vi phạm về huy động vốn và phí cung ứng dịch vụ có thể bị phạt đến 250 triệu đồng. Trường hợp bị phạt nặng nhất trong vi phạm quy định về cấp tín dụng, nhận uỷ thác, uỷ thác và hoạt động liên ngân hàng là 300 triệu đồng.

Với vi phạm quy định về bảo vệ lợi ích hợp pháp của khách hàng vay, có thể bị phạt đến 30 triệu đồng (không tổ chức hoà giải về những nội dung khiếu nại của khách hàng vay trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu).

Với vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng, mức phạt quy định như sau: phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng nếu không niêm yết tỷ giá mua, bán ngoại tệ tại điểm giao dịch; phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng nếu mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ; phạt tiền từ 200 - 250 triệu đồng nếu thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định; phạt từ 500 - 600 triệu đồng với hành vi hoạt động ngoại hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị đình chỉ, hoặc không đúng nội dung đã quy định trong giấy phép.

Về hoạt động kinh doanh vàng, mức phạt từ 250 - 300 triệu đồng nếu sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán; 350 - 400 triệu đồng nếu kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Với hành vi phá hoại, huỷ hoại tiền Việt Nam trái pháp luật sẽ bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng; phạt 40 - 80 triệu đồng với hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2014 và thay thế các nghị định: 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004; 95/2011/NĐ-CP ngày 20/12/2011.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực