Bộ Tài chính: Thực hiện nghiêm chính sách tài khoá

Thứ sáu, 23/12/2011 10:23

                      Ảnh minh họa (nguồn:M.P) 
(ĐCSVN) - Bộ Tài chính đang tích cực triển khai các biện pháp điều hành, quản lý nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính nhà nước.

Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, các đơn vị trong hệ thống tài chính cần thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao liên quan đến chính sách tài khoá theo quy định.

Về công tác quản lý thu ngân sách nhà nước

Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo, việc lập dự toán thu phải bám sát tình hình phát triển kinh tế xã hội, chương trình xây dựng pháp luật, và các cơ chế, chính sách mới ban hành có hiệu lực trong năm; nghiên cứu, phân tích dự báo, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước; bảo đảm dự toán thu đúng chính sách, chế độ, có cơ sở vững chắc và tích cực. Đối với thu nội địa, Tổng cục Thuế có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống căn cứ vào chế độ thu ngân sách, tình hình sản xuất - kinh doanh, đặc điểm và kết quả hoạt động của từng lĩnh vực, từng ngành, từng đơn vị kinh tế cơ sở trên địa bàn; xác định rõ được nguồn thu trọng điểm để có dự toán thu tích cực, không bỏ sót, tính thiếu nguồn thu, số thu đã được quy định trong các luật thuế.

Đối với thu thuế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm chỉ đạo Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố lập dự toán sát với tình hình thực tế xuất nhập khẩu hàng hóa, chính sách và thuế suất áp dụng trong năm. Thực hiện thường xuyên việc rà soát, kiểm tra áp dụng thuế suất đối với các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu để hướng dẫn áp dụng thống nhất từ khâu dự toán đến khâu thực hiện thu, không để xảy ra tình trạng áp dụng mức thuế suất khác nhau đối với cùng mặt hàng gây thất thoát nguồn thu ngay từ khâu dự toán.

Trong việc thực hiện dự toán thu, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm chỉ đạo sát sao việc thực hiện dự toán thu đối với các đơn vị trong toàn hệ thống. Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, lĩnh vực trọng yếu, những địa bàn, những đơn vị có nguồn thu lớn để phân công lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị quản lý thuế liên quan; bám sát diễn biến tình hình thu, chủ động tháo gỡ và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc và đề ra các biện pháp nhằm hoàn thành tốt dự toán thu ngân sách. Phấn đấu thu hồi nợ cũ, hạn chế phát sinh nợ thuế mới, áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết để thu hồi nợ đọng thuế, không để tình trạng nợ đọng thuế kéo dài.

Khi nhận được kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra có liên quan đến các sai phạm phải truy thu thuế, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan trong phạm vi trách nhiệm được giao có trách nhiệm kiểm tra, làm rõ sai phạm kịp thời, trả lời cơ quan chức năng. Đối với các sai phạm đã rõ phải chỉ đạo ngay việc truy thu, không để xảy ra tình trạng thực hiện thiếu nghiêm túc các kết luận sai phạm có kiến nghị xử lý của cơ quan chức năng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, người đứng đầu cơ quan quản lý thuế chịu trách nhiệm liên đới về các sai phạm do cán bộ, công chức dưới quyền gây ra. Đối với các sai phạm chưa đủ căn cứ kết luận phải thực hiện ngay việc kiểm tra, làm rõ, trường hợp cần thiết thì cần có ngay văn bản gửi tới cơ quan có chức năng để xử lý.

Về công tác quản lý chi ngân sách nhà nước

Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu, việc quản lý chi ngân sách nhà nước phải bám sát yêu cầu của nền kinh tế và việc thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách; phải căn cứ vào chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định của nhà nước, và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nghiêm cấm việc phân bổ dự toán, cấp phát ngân sách không đúng nội dung, định mức, đối tượng, niên độ dẫn đến các sai phạm trong quản lý ngân sách nhà nước.

Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo toàn hệ thống tăng cường công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước, đảm bảo tuân thủ đúng và đầy đủ các điều kiện chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; kiên quyết từ chối thanh toán đối với những khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định. Việc kiểm soát và thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách phải căn cứ vào khối lượng thực hiện; Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, từ năm 2012 đối với dự án chưa có khối lượng thực hiện chỉ tạm ứng vốn tối đa 30% của tổng mức vốn kế hoạch được giao hàng năm, việc cấp phát và tạm ứng chi tiếp chỉ thực hiện sau khi thanh toán khối lượng hoàn thành.

Các đơn vị khi thực hiện thẩm định quyết toán ngân sách nhà nước phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm; đảm bảo tính đầy đủ, khớp đúng giữa các số liệu, tính chính xác của số liệu quyết toán.Các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ có trách nhiệm hướng dẫn, hoặc trình Bộ có văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện quyết toán đúng quy định; nâng cao chất lượng công tác quyết toán ngân sách nhà nước; thực hiện xét duyệt, thẩm định báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước của các đơn vị dự toán trực thuộc và ngân sách cấp dưới theo đúng chế độ và thời hạn quy dịnh.

Về cơ chế tài chính ngân sách

Trong phạm vi trách nhiệm được giao, khi tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách tài chính ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm thường xuyên nắm bắt tình hình thực tiễn, tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình thi hành pháp luật; trên cơ sở đó phát hiện kịp thời các sơ hở dễ bị lợi dụng, các chế độ, chính sách không còn phù hợp với thực tiễn hoặc chưa phù hợp với quy định của cấp trên để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ cho phù hợp.

Các đơn vị thuộc Bộ phải thường xuyên quan tâm thực hiện đánh giá thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công, nhất là các văn bản pháp luật đã có kiến nghị sửa đổi, bổ sung thay thế của cơ quan thanh tra, kiểm toán; chủ động đề xuất chương trình kế hoạch sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế văn bản.

Văn phòng Bộ, Vụ Pháp chế có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị rà soát, phân loại xác định rõ văn bản pháp luật phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để trình Bộ bố trí vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm và phân công cho các đơn vị thuộc Bộ thực hiện. Riêng đối với các đề xuất, kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra liên quan đến cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn của ngành tài chính đã ban hành phải phân loại xử lý kịp thời; đối với các trường hợp đã có đủ cơ sở kết luận là trái pháp luật, để xảy ra sơ hở lợi dụng thì tùy theo mức độ, nội dung sai phạm ban hành ngay văn bản bãi bỏ, thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung; đối với những trường hợp chưa rõ phải tổ chức ngay việc kiểm tra, xác định rõ đúng sai để giải trình, tiếp thu với cơ quan chức năng.

Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về mọi chậm trễ trong việc tiếp thu các kiến nghị có liên quan của cơ quan kiểm toán, thanh tra dẫn đến việc sơ hở, lợi dụng chính sách kéo dài.

Về công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ của Bộ Tài chính

Bộ Trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Vụ Kế hoạch – Tài chính có trách nhiệm giúp Bộ Tài chính từng bước hoàn thiện phương pháp tổ chức triển khai công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ đảm bảo đúng mục tiêu, yêu cầu, thời gian, chất lượng quản lý tài chính nội ngành. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ tổ chức thực hiện, xử lý kết quả và tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra, kiểm toán nội bộ theo quy định.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực