Cần hạ lãi suất để "giải cứu" doanh nghiệp

Thứ sáu, 30/03/2012 18:24

 

 Ảnh minh họa  (nguồn: P.H)

(ĐCSVN)Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố giảm trần lãi suất tiền gửi thêm 1%.  Nhiều doanh nghiệp đã kỳ vọng với động thái này sẽ tạo nên mặt bằng lãi suất cho vay khoảng 14,5 -16,5%/năm. Tuy nhiên, hiện lộ trình hạ lãi suất vẫn đang được cân nhắc. Không ít doanh nghiệp đã và đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn sản xuất. 

Hàng trăm doanh nghiệp đang gặp khó

 Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới công bố đầu tháng 3/2012 cho thấy, tính đến cuối năm 2011, cả nước có hơn 620.000 doanh nghiệp có giấy phép nhưng chỉ có khoảng 290.000 doanh nghiệp còn hoạt động và hơn 79.000 doanh nghiệp đã giải thể. Riêng chưa đầy 3 tháng đầu năm 2012, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng nói là số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng 57% so với cùng kỳ năm 2011.

 

Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước đang gặp rất nhiều khó khăn. Tại cuộc họp giao ban quý I/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) mới đây, ông Lâm Nguyên Khôi - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 19/3, trên địa bàn đã có tới 931 doanh nghiệp khóa mã số thuế để giải thể tại Cục Thuế thành phố, trong đó 526 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở  KH&ĐT, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2011. Cùng với đó, có 5.012 doanh nghiệp đã gửi thông báo ngưng hoạt động đến Cục thuế thành phố. Nhìn chung, các doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tập trung vào các nhóm ngành kinh tế thương mại, xây dựng, vận tải và du lịch…

 

Từ tình trạng doanh nghiệp đình đốn, phá sản dẫn tới hệ quả tất yếu là GDP quý I/2012 tăng chậm lại, đạt khoảng 4% (là mức tăng chậm nhất trong nhiều năm qua). Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khó khăn về lãi suất, thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

 

Trong thời gian qua, mặc dù NHNN đã hạ lãi suất huy động xuống còn 13%/năm, song thực tế lãi suất cho vay hiện vẫn dao động ở mức 17 - 20%/năm. Đây là mức lãi suất khá cao khiến doanh nghiệp không dám vay, chính vì vậy, không có vốn để duy trì sản xuất dẫn đến làm ăn thua lỗ. 

Tại cuộc gặp mặt mới đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các chuyên gia kinh tế, ông Trần Xuân Giá, Chủ tịch Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết: Hiện ngân hàng này đang dư tới 3 tỉ USD mà không cho vay được. Vậy vấn đề không phải là tính thanh khoản, hay là không có người vay, mà là lãi suất cao quá khiến doanh nghiệp không vay được.

 

Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành phân tích, ngoài nguyên nhân chính do lãi suất ngân hàng quá cao còn có một thực tế là do độ mở của nền kinh tế lớn, các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp nước ngoài, mà ở đó, chính sách tiền tệ không như ở nước ta. Với lãi suất 16 - 27%, doanh nghiệp Việt Nam sẽ cạnh tranh thế nào với doanh nghiệp các nước có lãi suất 4 - 5%?...

 

Có lẽ, để giúp doanh nghiệp vực dậy và trụ vững, góp phần giữ lạm phát ở mức một con số và duy trì tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2012, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn từ nhiều nhiều phía, song cơ bản nhất vẫn là từ phía NHNN trong lộ trình giảm lãi suất cho vay.

 

Để cứu doanh nghiệp cần hạ lãi suất

 

Trước “cơn bão” phá sản của nhiều doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề hạ lãi suất là việc không thể đừng trong bối cảnh hiện nay. Theo ông Cao Sỹ Kiêm (nguyên Thống đốc NHNN), giải pháp tốt nhất là phải nhanh chóng hạ lãi suất, từ đó hạ nhiệt lạm phát. Chính phủ điều hành đồng bộ các chính sách khác song song với chính sách tiền tệ,  chính sách về tài khóa, chính sách thương mại, chính sách đầu tư… để làm sao góp phần giúp doanh nghiệp phát triển ổn định hơn.

 

Việc hạ lãi suất là cần thiết, tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: Câu chuyện giảm lãi suất tuy đã được đặt ra từ lâu nhưng Ngân hàng Nhà nước cho rằng, chưa thể làm quyết liệt vì còn chưa giải quyết được vấn đề thanh khoản. Do đó, mặc dù các doanh nghiệp có tầm quan trọng rất lớn đối với phát triển kinh tế, song với những trường hợp làm ăn yếu kém, phải xin ngừng hoạt động, ngân hàng cũng khó có thể cứu vãn được.

 

Cũng theo NHNN, thực tế, trong thời gian vừa qua, một loạt các chính sách lãi suất và trần lãi suất đã được điều chỉnh giảm. Lộ trình đến cuối năm, nếu lạm phát có xu hướng giảm và kinh tế vĩ mô chuyển biến tích cực, thanh khoản của các ngân hàng tốt thì sẽ giảm mỗi quý 1% lãi suất huy động và mục tiêu đến cuối năm thì lãi suất huy động sẽ xoay quanh 10-11%. Như vậy, doanh nghiệp sẽ dễ tiếp cận được vốn ngân hàng với mức lãi suất cho vay thấp.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, các tiền đề hạ lãi suất cũng đã có, trong khi đó, các ngân hàng cũng thừa nhận không thể cho vay bởi lãi suất quá cao. Nếu lãi suất cho vay cao kéo dài, chắc chắn không chỉ doanh nghiệp mà chính ngân hàng cũng sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn. 

 

Không thể trì hoãn việc hạ lãi suất, nhưng hạ bao nhiêu, hạ ở thời điểm nào cho hợp lý cần phải được cân nhắc kỹ. Vì trên thực tế, việc giảm lãi suất cũng không thể quá gấp gáp sẽ gây ra tình trạng rối loạn thanh khoản và tiềm ẩn rủi ro khó lường tới lạm phát, tỷ giá… Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản thì đòi hỏi cần phải có sự giải quyết hài hòa. Nên chăng, cần đẩy lộ trình giảm lãi suất vào quý  III/2012 để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp vực dậy vào cuối năm và góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2012./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực