Cần một Nghị định điều chỉnh tình trạng mất cân đối trong bố trí nguồn lực tài chính

Thứ tư, 01/08/2012 20:02
 

 Ảnh minh họa. (nguồn:M.P)

(ĐCSVN)- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định Kế hoạch đầu tư trung hạn nhằm khắc phục tình trạng bị động, mất cân đối trong bố trí nguồn lực tài chính của ngân sách trung ương và địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) và vốn trái phiếu Chính phủ.

Do kế hoạch đầu tư hiện nay chỉ được xây dựng cho kế hoạch hàng năm chưa được tính tương xứng trên cơ sở các cân đối nguồn lực trung hạn và dài hạn. Chính vì vậy, việc xây dựng Nghị định Kế hoạch đầu tư trung hạn được hy vọng sẽ khắc phục được tình trạng bị động mất cân đối trong bố trí nguồn lực của ngân sách trung ương. Bên cạnh đó việc quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý đầu tư của các cấp ngành từ trung ương đến địa phương sẽ giúp hạn chế tình trạng các bộ, ngành, địa phương phê duyệt nhiều dự án vượt quá khả năng nguồn lực vốn NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ; hạn chế việc bố trí vốn đầu tư dàn trải, manh mún, thời gian thi công kéo dài, tăng chi phí, dẫn đến hiệu quả đầu tư kém, gây lãng phí nguồn nhân lực nhà nước.

Theo dự thảo Nghị định này quy định các nguyên tắc, nội dung và quy trình lập, tổ chức thực hiện và theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn từ vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ (gọi tắt là kế hoạch đầu tư trung hạn) của quốc gia, các ngành, lĩnh vực và các địa phương.

Kế hoạch đầu tư trung hạn được phân loại theo cấp quản lý bao gồm: Kế hoạch đầu tư trung hạn của quốc gia; Kế hoạch đầu tư trung hạn của các bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương; Kế hoạch đầu tư trung hạn của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phân loại theo nguồn vốn đầu tư kế hoạch đầu tư trung hạn, bao gồm: Đầu tư trung hạn từ Ngân sách Trung ương; Đầu tư trung hạn từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương và Đầu tư trung hạn từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Các nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư trung hạn cũng được quy định chi tiết và rõ ràng nhằm đáp ứng các yêu cầu góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra tại các Chiến lược phát triển, kế hoạch 5 năm và các quy hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực và các địa phương; Phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn NSNN, khả năng huy động nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và khả năng thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác; Ưu tiên bố trí vốn cho các ngành, các lĩnh vực, các vùng lãnh thổ, theo các mục tiêu và định hướng phát triển của từng thời kỳ; Bố trí vốn tập trung cho các dự án hoàn thành trong kỳ kế hoạch, các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án quan trọng cấp bách khác cần đẩy nhanh tiến độ; Bảo đảm công bằng, công khai và minh bạch trong quá trình lập và thực hiện kế hoạch đầu tư; Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế chính sách, đồng thời phân cấp trong quản lý đầu tư, tăng cường quyền chủ động của địa phương, cơ sở theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.

Trên cơ sở những nguyên tắc về lập kế hoạch đầu tư trung hạn nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ giao bộ, ngành Trung ương, HĐND các cấp và UBND các cấp các nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến khả năng cân đối thu chi ngân sách nhà nước trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm; Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định tổng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN và huy động nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong kế hoạch đầu tư trung hạn và kế hoạch đầu tư hàng năm; Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định các dự án đầu tư sử dụng vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc thanh, quyết toán các dự án đầu tư thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn; Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn; Báo cáoThủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình giải ngân các dự án đầu tư thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn theo định kỳ hàng năm; giữa kỳ và cả giai đoạn kế hoạch đầu tư trung hạn và các báo cáo đột xuất khác.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực