Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020

Thứ hai, 05/03/2012 12:25
 

 Ảnh minh hoạ. Nguồn: nhansuvietnam.vn

(ĐCSVN) - Tại Quyết định số 252/QĐ-TTg, ngày 1/3/2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chính thức phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 với mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu đưa tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP.

Theo đó, Chiến lược đề ra năm mục tiêu cụ thể:

Thứ nhất, tăng quy mô, độ sâu và tính thanh khoản của thị trường chứng khoán, trong đó phấn đấu đưa tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu vào năm 2020 đạt khoảng 70% GDP; đưa thị trường trái phiếu trở thành một kênh huy động và phân bổ vốn quan trọng cho phát triển kinh tế; đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, khuyến khích đầu tư nước ngoài dài hạn, đào tạo nhà đầu tư cá nhân.

Thứ hai, tăng tính hiệu quả của thị trường chứng khoán bằng các hình thức:

Tái cấu trúc mô hình tổ chức thị trường chứng khoán theo hướng cả nước chỉ có 1 Sở giao dịch chứng khoán và từng bước cổ phần hóa Sở Giao dịch chứng khoán để bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động, thuận tiện trong việc nâng cao năng lực quản trị và thu hút vốn từ các thành viên thị trường.

Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa phương thức giao dịch và sản phẩm nghiệp vụ của Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán; từng bước kết nối với các Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán trong khu vực Asean.

Thứ ba, nâng cao sức cạnh tranh của các định chế trung gian thị trường và các tổ chức phụ trợ trên cơ sở sắp xếp lại các công ty chứng khoán, từng bước tăng quy mô, tiềm lực tài chính của công ty chứng khoán, đa dạng hóa các hoạt động nghiệp vụ theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; mở cửa thị trường cho các trung gian tài chính nước ngoài phù hợp với lộ trình cam kết và mức độ cạnh tranh đối với các tổ chức trong nước.

Thứ tư, tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước trên cơ sở cho phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có đủ quyền lực để thực thi tốt các chức năng quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi.

Thứ năm, tham gia chương trình liên kết thị trường khu vực ASEAN và thế giới theo lộ trình phát triển và đáp ứng yêu cầu về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng hạn chế rủi ro, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa thị trường chứng khoán Việt Nam so với các thị trường khác trong khu vực và trên thế giới. Tham gia hợp tác quốc tế đa phương giữa Ủy ban Chứng khoán các nước trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ đa phương của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO).

Nhằm đạt được những mục tiêu nói trên, một trong các nhóm giải pháp chính được đưa ra trong Chiến lược là nhóm giải pháp phát triển và đa dạng hóa các loại hình nhà đầu tư, cải thiện chất lượng cầu đầu tư nhằm hướng tới cầu đầu tư bền vững; trong đó, chú trọng phát triển và đa dạng hóa các tổ chức đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư khác tham gia thị trường chứng khoán; xây dựng cơ chế thu hút nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích đầu tư dài hạn; đồng thời, phát triển nhà đầu tư cá nhân gắn với đào tạo, tập huấn phổ cập kiến thức và thông tin tuyên truyền.

Bên cạnh đó, Chiến lược cũng vạch ra nhiều hướng giải pháp khác như: hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý; tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung; phát triển, nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường, phát triển các Hiệp hội, tổ chức phụ trợ thị trường chứng khoán; tái cấu trúc tổ chức thị trường, hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin của thị trường, nâng cao chất lượng hoạt động và giao dịch trên thị trường chứng khoán; tăng cường năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi; tăng cường hợp tác quốc tế; tăng cường công tác đào tạo, nghiên cứu và thông tin tuyên truyền...

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực