Để khơi nhanh dòng vốn cho vay

Thứ năm, 08/09/2011 15:25

 

 Ảnh minh họa (Nguồn: ĐTCK)

Lãi suất đang dần hạ và khả năng sẽ hạ nhanh vào những tháng cuối năm. Nhưng để vốn đến với doanh nghiệp thuận lợi hơn, vẫn còn rào cản từ “phi sản xuất”.

Số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra cho thấy, tín dụng đối với nền kinh tế đến ngày 19/8 ước tăng 0,59% so với tháng trước, nhưng trong đó tín dụng bằng VND giảm 1,05%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 0,82%. Còn so với cuối năm trước, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 8,15%.

Đây là mức tăng khá thấp so với mọi năm và nếu chỉ nhìn riêng vào tín dụng bằng VND giảm thì có thể thấy khả năng chịu đựng lãi suất cao của các doanh nghiệp đã hết.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng quy mô vừa có trụ sở tại TP. HCM cho biết, đến thời điểm này “room” tín dụng 20% hầu như còn nguyên, vì trong 3 quý vừa qua hầu như dư nợ ở lĩnh vực sản xuất - kinh doanh không tăng. Nguyên nhân là trước áp lực lãi suất cho vay thỏa thuận tiền đồng cao, các doanh nghiệp ở lĩnh vực này không mặn mà với việc sử dụng vốn vay để mở rộng sản xuất - kinh doanh, thậm chí còn thu hẹp dần. Trong khi đó, đối với lĩnh vực phi sản xuất - vốn là mảng tính dụng “màu mỡ” được các nhà băng tăng cường triển khai, thì nay phải “siết” ngày càng chặt hơn.

“Để kéo giảm tỷ lệ dư nợ phi sản xuất về 22% vào cuối tháng 6/2011, chúng tôi đã phải từng bước co dần tín dụng ở lĩnh vực này bằng cách khép cửa không cho vay và tăng tốc thu hồi nợ. Do đó, việc kéo giảm tỷ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất về 16% vào cuối năm sẽ là điều hết sức khó khăn, nên dù room tín dụng được phép 20% còn nhiều cũng không thể sử dụng được”, vị phó tổng giám đốc trên cho biết.

Để kéo tín dụng tăng nhằm đảm bảo nguồn thu cho ngân hàng, nhiều ngân hàng đang trông chờ tác động từ việc hạ lãi suất. Khi đó mới có thể đẩy mạnh tín dụng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, tránh được những hạn chế trong tín dụng phi sản xuất. Một số biện pháp nhằm giảm chi phí vốn để hạ lãi suất cho vay đang được áp dụng. Cụ thể, một số nhà băng đang giảm dần việc thỏa thuận lãi suất huy động đối với các khoản tiền gửi trị giá từ 100 - 200 triệu đồng trở lên kể từ đầu tháng 9/2011 để thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay thỏa thuận về 17 - 19%/năm.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Phó tổng giám đốc Maritime Bank, với quy định mới của Thông tư 22 (bỏ hạn chế chỉ được sử dụng 80% vốn huy động để cho vay) sẽ có tác dụng “cởi trói” cho các ngân hàng, cũng như thay đổi cơ bản thanh khoản của toàn hệ thống. Ngân hàng được sử dụng nguồn vốn huy động về nhiều hơn để cấp tín dụng.

Nhưng vấn đề vẫn còn phụ thuộc vào thị trường. Theo ông Tùng, trong bối cảnh kinh tế đang có khó khăn nhất định, áp lực lạm phát còn đè nặng tâm lý thì những người có tiền nhàn rỗi luôn mong đợi lãi suất thực dương. Cạnh tranh trong huy động tiết kiệm hiện còn khá gay gắt khi lạm phát chưa được kiểm soát xuống mức kỳ vọng, nên việc cắt giảm lãi suất cho vay thỏa thuận VND để khơi thông vốn tín dụng cũng còn có những hạn chế nhất định.

Cũng theo quan điểm này, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, hạ lãi suất là một chuyện, còn việc đẩy mạnh cho vay được hay không vẫn còn phải chờ. Trên thực tế hiện nay, không ít ngân hàng còn dư thừa thanh khoản tiền đồng và “room” tín dụng chỉ mới sử dụng hết 1/4. Song do khó khăn của thị trường, hạn chế chính sách nên khó đẩy mạnh cho vay, khiến dòng tín dụng bị ách tắc.

“Lãi suất cho vay thỏa thuận tiền đồng đối với lĩnh vực sản xuất - kinh doanh của chúng tôi cũng bắt đầu được điều chỉnh giảm trong ngày đầu tuần này về 17 - 19%/năm. Tuy nhiên, việc tìm kiếm được các doanh nghiệp có dự án kinh doanh khả thi để hạn chế tối đa rủi ro nợ xấu là vấn đề quan trọng trong lúc này. Mặt khác, với tín dụng phi sản xuất cũng phải chọn lọc kỹ hơn khách hàng”, vị tổng giám đốc này nói./.
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực