Giảm lãi suất chưa thể khơi dòng tín dụng ngay

Thứ ba, 13/09/2011 15:12

 

 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Nhiều ý kiến cho rằng, trước mắt, việc giảm lãi suất cho vay về mức 17 - 19%/năm đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vẫn chưa đủ mạnh để khơi thông dòng tín dụng ngay.

Theo số liệu đã được Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây, tính đến ngày 30/8/2011, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 8,85% so với cuối năm 2010, thấp hơn mức tăng 16,9% của cùng kỳ năm ngoái, nhưng bằng khoảng 50% tốc độ tăng tín dụng dự kiến cả năm 2011 (khoảng 15 - 18%).

Về cơ cấu tín dụng, ước đến cuối tháng 8, tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất tăng 14,79%, trong đó tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng 30,5%; tín dụng cho xuất khẩu tăng 35,02%. Trong khi đó, tín dụng phi sản xuất giảm 16,95%.

Các số liệu trên cho thấy, dư địa tăng trưởng tín dụng của toàn ngành trong hơn 3 tháng còn lại của năm – vốn được xem là mùa kinh doanh cao điểm - còn khá nhiều. Thế nhưng, đại diện nhiều ngân hàng lại cho rằng, để khơi thông dòng tín dụng trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn như hiện nay là hoàn toàn không dễ.

Mới đây, nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch ưu tiên hỗ trợ vốn, lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Cụ thể, Eximbank dành 3.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) lĩnh vực xuất khẩu, với lãi suất ưu đãi.

NamA Bank dành 50 triệu USD cho DN thuộc lĩnh vực xuất, nhập khẩu và khoảng 1.000 tỷ đồng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, với mức lãi suất cho vay bằng VND là 17-18%/năm.

BIDV đã thông báo, kể từ ngày 6/9, Ngân hàng giảm 1,5-2%/năm lãi suất cho vay VND xuống không quá 18%/năm đối khoản vay ngắn hạn và 19%/năm với các khoản vay trung và dài hạn. Đại diện BIDV cho biết, sẽ dành 10.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn, với lãi suất ưu đãi 15-17,5%/năm, dành cho các DN thu mua nông - thuỷ sản xuất khẩu, công nghiệp, nông nghiệp, DN nhỏ và vừa.

Maritime Bank cũng công bố giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với sản xuất, kinh doanh kể từ ngày 6/9 về mức tối thiểu là 17,5%/năm, tối đa là 19%/năm; đối với các khoản vay trung - dài hạn là 18,5%/năm và 20%/năm.

Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc NamA Bank cho biết, với mục tiêu giảm lãi suất về 17 - 19%/năm cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và nông nghiệp là để kích thích tăng trưởng dư nợ, khi “room” tín dụng của Ngân hàng đến nay hầu như vẫn còn nguyên 20%.

“Thế nhưng, việc khơi thông dòng vốn hiện cũng không dễ và đến thời điểm này, NamA Bank cũng chưa giải ngân được nhiều vốn trong tổng số ngân khoản dành cho các lĩnh vực ưu tiên nói trên”, ông Tuấn nói.

Còn ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối khách hàng DN của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là các DN xuất, nhập khẩu rất lớn để phục vụ nhu cầu vào dịp cuối năm. “Trong lúc này, OCB chỉ tập trung phục vụ và hỗ trợ vốn cho các đối tượng khách hàng đã ký hợp đồng tín dụng và có dự án kinh doanh khả thi. Còn với DN mới, OCB có sự chọn lọc kỹ trước khi hỗ trợ vốn, lãi suất ưu đãi, nhằm tránh tối đa rủi ro nợ khó đòi”, ông Linh nói.

Vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, đến nay, tăng trưởng dư nợ cho vay thực tế (tính cả các khoản đầu tư) của hệ thống ngân hàng đã vào khoảng 11,7%. Nếu thực hiện đúng Nghị quyết của Chính phủ chỉ tăng dưới 20% trong năm nay (có thể là 18%) thì đến thời điểm này, đã thực hiện được hơn 60% kế hoạch. Vì vậy, ông Bình cho rằng, mức tăng tín dụng ở những tháng cuối năm không nhiều như dư luận dự đoán./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực