Kinh nghiệm của IFC trong tái cấu trúc tập đoàn tài chính

Thứ tư, 15/02/2012 18:20

Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H)

(ĐCSVN) - Việt Nam đang nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Để tiến trình này đạt hiệu quả cao, việc tìm hiểu kinh nghiệm của nước ngoài về vấn đề này là điều cần thiết.

Trong vòng hơn 50 năm qua, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã tham gia nhiều trường hợp của cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Do đó, tìm hiểu kinh nghiệm của IFC nhằm đưa ra những gợi ý đối với các công ty tài chính Việt Nam.

IFC là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất. Năm 2011, IFC đã đầu tư tài chính cho các nước đang phát triển với hơn 18 tỷ USD. IFC cũng đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam trong năm 2010 và 2011 cho những dự án đầu tư vốn vào các tổ chức tài chính, các ngân hàng, các kênh thanh khoản cho các tập đoàn… IFC cũng thực hiện các dự án về vấn đề quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro, kênh tiếp cận tài chính và các dự án thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững. Chia sẻ về quá trình cổ phần hoá, ông Adel Meer, Giám đốc Đầu tư của IFC khu vực sông MêKông và Thái Lan cho rằng quá trình này cần phải thận trọng trong việc lên kế hoạch và triển khai thực hiện, đồng thời liên tục đánh giá kết quả thực hiện. Quá trình này cũng đòi hỏi sự đồng thuận nội bộ ở nhiều cấp bậc, đầu tư nguồn lực và kế hoạch triển khai hợp lý và khả thi. Tìm hiểu về kinh nghiệm của IFC, có thể khái quát thành 5 điểm chính sau:

Một là, tăng trưởng và hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu bên cạnh việc đảm bảo ổn định về tài chính. Phải tiến hành từng bước nhằm xác định những khu vực nào công ty có thể mở rộng, phát triển sản phẩm mới và mở rộng cơ sở khách hàng. Đồng thời cần liên tục cải tiến hoạt động, tiết kiệm chi phí và mở rộng năng lực hoạt động.

Hai là, quá trình đào tạo, tuyển dụng và duy trì nguồn nhân lực là chìa khoá thành công trong quản lý, đặc biệt là tại các công ty đang trải qua quá trình chuyển đổi. Thực tế cho thấy, nhiều tổ chức đã đầu tư rất nhiều vào việc duy trì nhóm cán bộ chủ chốt bao gồm những thành viên có năng lực nổi trội và bổ sung đội ngũ nhân viên mới nhằm đảm bảo sự thành công của kế hoạch kế tiếp và tăng cường động cơ làm việc của nhân viên.

Ba là, liên tục nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp là yêu cầu thiết yếu. Mô hình tổ chức thay đổi cần dựa trên đòi hỏi của thị trường và yêu cầu của khách hàng. Vai trò, trách nhiệm rõ ràng với từng cấp trong tổ chức sẽ góp phần tạo sự minh bạch và niềm tin của các nhà đầu tư. Mô hình quản trị cần được triển khai từ trên xuống. Hội đồng quản trị, ban điều hành, cán bộ quản lý và nhân viên cần nắm rõ về những mục tiêu của tổ chức, cũng như hiểu được cần làm thế nào để tuân thủ những nguyên tắc và đảm bảo hiện thực hoá được kỳ vọng của nhà đầu tư và những người có quyền quyết định của doanh nghiệp. Một hệ thống kiểm soát phù hợp cần được xây dựng và cân bằng phải được điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi của cổ đông, các bên liên quan trong khi vẫn tạo cơ hội để doanh nghiệp tăng trưởng.

Bốn là, quản lý rủi ro hiệu quả là nền tảng cho sự thành công của doanh nghiệp. Với một tổ chức tài chính có tỷ lệ vay nợ cao, chịu sự chi phối của thị trường và kiểm soát từ các cơ quan chức năng và nhà đầu tư, yếu tố này có thể là yếu tố quan trọng nhất cần được củng cố. Cho đến nay, vẫn chưa có một hệ thống quản lý rủi ro nào có thể đảm bảo cho cả lợi ích của nhà đầu tư và người cho vay và các bên liên quan của công ty. Cơ quan chức năng cần xem xét các chỉ tiêu cho phép họ đánh giá khả năng tài chính của tổ chức, các thành viên điều hành và các nhà quản lý trong việc điều chỉnh những nguyên tắc nội bộ, vạch rõ khuôn khổ hoạt động quản lý để tổ chức có thể phát triển, các nhà quản lý phát triển các nguyên tắc vay nợ hay đầu tư và phương pháp thực hiện nhằm vừa đảm bảo sự linh hoạt vừa đáp ứng được những chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, theo ông Adel Meer, trên thực tế vẫn có hiện tượng gian lận, thất thoát lớn từ hành vi của nhân viên, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ và lỗi hệ thống. Ông Adel Meer cho rằng, những vấn đề này sẽ còn tiếp tục xuất hiện và điều quan trọng là các công ty cần rút ra những bài học hơn là tuyên bố đơn giản là những sự việc đó rất khó xảy ra tại tổ chức này.

Năm là, kế hoạch phát triển phù hợp là yếu tố quan trọng nhất đối với một doanh nghiệp cổ phần hoá. Trong nhiều trường hợp, một doanh nghiệp hưởng lợi từ vị trí thị trường tốt nhờ vào cổ đông hoặc mối quan hệ với một số khách hàng hay một số ngành quan trọng. Nếu cơ sở nhà đầu tư của doanh nghiệp rộng, kỳ vọng của nhà đầu tư sẽ tăng trên cả hai phương diện. Các nhà đầu tư mới tìm kiếm lợi nhuận cao hơn mục tiêu đặt ra trước đó, các đối tác kinh doanh trong nước sẽ so sánh dịch vụ và sản phẩm đối với đối thủ cạnh tranh nước ngoài và nhân viên sẽ so sánh gói thu nhập với những công ty nước ngoài. Luôn cần thiết phải kiểm nghiệm xem năng lực của tổ chức trong việc nâng cao năng lực trong hoạt động kinh doanh, duy trì thị phần và giữ chân nhân tài. Các mô hình thành công dựa vào phát triển hay thay đổi sản phẩm mà doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh, củng cố quan hệ với khách hàng giúp doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh, củng cố quan hệ với khách hàng giúp doanh nghiệp đó tập trung hơn vào dịch vụ khách hàng và xây dựng năng lực cho các cán bộ chủ chốt với những gói thu nhập hợp lý để đảm bảo duy trì được sự hài lòng của nhóm người này.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực