Lập lại trật tự lãi suất: Cần có những chính sách phù hợp

Thứ tư, 21/09/2011 18:01

  

Ảnh minh họa, nguồn: Báo Người lao động 

(ĐCSVN) - Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về điều chỉnh lãi suất huy động vốn và cho vay, đã có nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay xuống mức 17-19% và thực hiện trần lãi suất huy động 14%/năm.

Hầu hết các kỳ hạn đều có mức lãi suất 14%

Kể từ sau khi có Chỉ thị 02 về việc siết chặt thực hiện trần lãi suất huy động của NHNN, đã có hiện tượng tiền "tháo chạy" khỏi ngân hàng. Cụ thể, ở NH TMCP Quốc tế (VIB), khách hàng đã rút tới 1.000 tỷ đồng sau khi Chỉ thị 02 ban hành. Còn ở NH Phương Nam, 200 tỷ đồng cũng đã chảy ra khỏi hệ thống. Điều này đã được lãnh đạo các ngân hàng trên xác nhận trong hội nghị do NHNN chi nhánh Hà Nội tổ chức ngày 15/9 vừa qua.

Cũng tại cuộc họp các tổ chức tín dụng có trụ sở tại Hà Nội ngày 15/9, khá nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết, hiện lượng tiền gửi đã bị rút đi khá nhiều. Mặc dù không giải thích lý do người dân rút tiền nhưng đa số ý kiến trên đều ngầm cho rằng, do tác động của trần lãi suất tiền gửi 14%/năm.

Trước nỗi lo tiền sẽ “tháo chạy”, nhiều ngân hàng đã triển khai các hình thức huy động đem lại lợi ích cho người gửi. Cụ thể, nhiều ngân hàng đã triển khai lãi suất huy động 14%/năm ở tất cả các kỳ hạn.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu (ACB) đã tăng lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn truyền thống VND ở các kỳ hạn tính theo 1, 2 và 3 tuần lên kịch trần 14%/năm.

Trước đó, Ngân hàng Phương Tây (WesternBank) cũng thu hút sự chú ý của thị trường khi đưa ra sản phẩm huy động vốn theo ngày với lãi suất lên tới 14%/năm.
Trong thông báo phát đi, ngân hàng này cho biết, để “tri ân” khách hàng, kể từ 12/9/2011, họ đưa ra mức lãi suất 14%/năm đối với sản phẩm “tiền gửi linh hoạt ngày”, áp dụng cho tất cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp với kỳ hạn từ 1-2-3-4-5-6 ngày.

Tại nhiều ngân hàng khác, lãi suất huy động 14%/năm cũng đang được áp dụng cho tất cả các kỳ hạn từ 1 tuần cho đến 60 tháng như: tại Ngân hàng Nam Việt (NaViBank), Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank), hay tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mức lãi suất huy động 14%/năm cũng được triển khai từ 1 - 36 tháng …

Việc tăng lãi suất huy động VND các kỳ hạn theo tuần lên kịch trần 14%/năm của một số ngân hàng có thể xem là để cạnh tranh huy động vốn. Mặt khác, đây có thể là một phản ứng phòng thủ cho thanh khoản, cân đối vốn sau khi cơ chế trần lãi suất huy động 14%/năm được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thực hiện nghiêm, khi thị trường xuất hiện những lo ngại dòng vốn có thể chuyển hướng do không còn các mức lãi suất huy động cao như trước.

Tuy nhiên, nói về vấn đề “tiền gửi một ngày lãi suất 14%/năm”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng biên tập Tạp chí Ngân hàng, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Kế toán - Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Xét về bản chất, mức lãi suất này đã vi phạm chỉ đạo trần lãi suất tiền gửi 14%/năm của Ngân hàng Nhà nước”.

Cụ thể, 14%/năm là lãi suất của năm, nếu quản lý theo dòng tiền “lãi đẻ ra lãi” thì lãi suất của sản phẩm trên đã vượt trần quy định, thậm chí còn lên tới 15% - 16%/năm. Và đó là tiểu xảo để lách trần lãi suất. Cụ thể, lách ở chỗ: khách hàng gửi tiền tính theo lãi suất ngày thì ngân hàng sẽ trả lãi ngay trong ngày đó, và khách hàng nhập lãi này vào gốc và nói “lãi đẻ ra lãi” là vì thế.

Cần theo dõi chặt chẽ biến động tiền gửi

Việc giữ trần lãi suất 14% là rất cần thiết bởi việc duy trì trần lãi suất huy động vốn bằng VND 14%/năm sẽ là điều kiện cho các tổ chức tín dụng đưa mặt bằng lãi suất cho vay về biên độ 17-19% và khi lãi suất cho vay giảm sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Và khi mức trần lãi suất tiền gửi được áp dụng, một thực tế có thể thấy là lượng tiền gửi vào ngân hàng đã giảm rõ rệt. Do đó, việc tìm đường đi để tiếp tục giữ được lượng tiền lớn ở lại với ngân hàng là điều tất yếu mà các ngân hàng đang triển khai.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước phải làm gì trước biểu hiện này?. Hồi tháng 12 năm ngoái, NHNN cũng đã có sự nhất trí cao của các NHTM về việc đưa mặt bằng lãi suất huy động VND bao gồm cả khoản chi khuyến mãi dưới mọi hình thức không vượt quá 14%/năm song tình trạng khuyến mãi lãi suất, thậm chí mặc cả lãi suất, đưa lãi suất huy động vượt trần diễn ra khá phổ biến.

Và NHNN cũng đã đưa ra những chế tài xử phạt nghiêm khắc như, nếu tổ chức tín dụng (TCTD) nào vi phạm sẽ bị áp dụng các biện pháp xử lý: Đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ của người quản lý, người điều hành; Người quản lý, người điều hành của TCTD bị đình chỉ, miễn nhiệm không được đảm nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành tại chính TCTD đó trong thời hạn 3 năm kể từ ngày bị đình chỉ, miễn nhiệm; Hạn chế mở rộng phạm vi, quy mô, địa bàn hoạt động của TCTD trong thời hạn 1 năm kể từ ngày bị xử lý; Hạn chế hoặc tạm đình chỉ hoạt động huy động vốn hoặc cho vay của đơn vị vi phạm thuộc TCTD đó…

Điển hình mới đây, NHNN đã có quyết định xử lý 2 ngân hàng vi phạm trần lãi suất, đó là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongA Bank) chi nhánh Tây Ninh vi phạm huy động vốn vượt trần lãi suất 14%/năm. Theo đó, cơ quan này quyết định miễn nhiệm chức danh Giám đốc DongA Bank Tây Ninh. Đồng thời, ngày 15/9, Chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 7235/NHNN-TTGSNH yêu cầu DongABank kiểm điểm nghiêm túc trong việc chỉ đạo điều hành trong toàn hệ thống về việc chưa chấp hành nghiêm quy định về mức lãi suất huy động theo Thông tư 02/2011/TT-NHNN và Chỉ thị số 02/CT-NHNN.

Tương tự, tại Agribank, sau khi phát hiện bà Bùi Thị Sáu, cán bộ tín dụng chi nhánh Agribank Ba Đình (Thanh Hóa) đã có hành vi lấy 1 triệu đồng của mình thưởng ngoài cho khách hàng Nguyễn Thị Thủy gửi tiết kiệm 1 tỷ đồng, thời hạn 1 tháng, lãi suất 14%/năm, ngân hàng này đã tiến hành kỷ luật một số cá nhân liên quan.

Cũng qua thanh tra, ngày 9/9/2011, Agribank cũng xử lý kỷ luật vụ cán bộ tín dụng của phòng giao dịch Tôn Đức Thắng, chi nhánh Agribank Sài Gòn cam kết chi thêm khoản tiền ngoài mức lãi suất tiền gửi bằng VND theo quy định.

Động thái này của NHNN được kỳ vọng sẽ lập kỷ cương cho thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh các chế tài xử phạt mạnh thì NHNN cần có những chính sách phù hợp hỗ trợ thanh khoản cho NHTM nhỏ, đồng thời tăng dự trữ bắt buộc. Điều này sẽ giúp NHNN có thêm nguồn hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM mà không phải cung thêm tiền và làm ảnh hưởng đến lạm phát.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần phải theo dõi chặt biến động số liệu tiền gửi trên toàn hệ thống và có biện pháp can thiệp kịp thời, cần quan sát số liệu rất chặt chẽ trên bảng cân đối từng ngân hàng, để khẳng định có hay không việc vốn chảy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, để có căn cứ xử lý nghiêm tình trạng ngân hàng nâng lãi suất…

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực