Năm 2012, các biện pháp kiểm soát tín dụng sẽ triển khai quyết liệt hơn

Thứ sáu, 17/02/2012 18:31
 

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến trả lời báo chí. 
 (Ảnh: P.H)
 

(ĐCSVN) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định trong năm 2012 sẽ chia các Tổ chức tín dụng (TCTD) thành  4 nhóm để giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và dự kiến sau 6 tháng triển khai. Đồng thời, NHNN sẽ đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện, đơn vị nào hoạt động tốt, hiệu quả, sẽ được xem xét khả năng nới lỏng các biện pháp kiểm soát tín dụng.

Xung quanh vấn đề này Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến đã có cuộc trả lời báo chí vào chiều 14/2, tại Hà Nội.

Phóng viên (PV): Thưa Phó Thống đốc, ngày 13/2 vừa qua, NHNN đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN về thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả trong năm 2012, trong đó, phân loại các TCTD thành 4 nhóm khác nhau. Vậy đâu là căn cứ để phân loại các nhóm tổ chức tín dụng này?

Kiểm soát tín dụng theo từng nhóm không phải là vấn đề mới, khi NHNN đặt vấn đề kiểm soát tín dụng đã có nhiều ý kiến nói rằng không nên cào bằng cho mọi tổ chức tín dụng mà nên căn cứ vào năng lực tài chính, khả năng kiểm soát, chất lượng hoạt động của từng đơn vị. Vì thế, tiếp thu ý kiến này, NHNN đã phân loại TCTD thành 4 nhóm. Theo đó, nhóm thứ nhất gồm những ngân hàng hoạt động tương đối an toàn, lành mạnh, quy mô vốn lớn... sẽ có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất là 17%. Nhóm thứ hai yếu hơn một chút thì được tăng trưởng 15%. Nhóm thứ ba ở mức độ thấp hơn nữa, được tăng trưởng 8%. Còn nhóm thứ tư thuộc diện phải cơ cấu lại, có nguy cơ và biểu hiện mất an toàn thì không được tăng trưởng tín dụng...

PV: Vậy khi nào danh sách các TCTD nằm trong 4 nhóm này được công bố, thưa Phó Thống đốc?

NHNN sẽ không công bố danh sách các TCTD ở trong 4 nhóm trên một cách công khai mà sẽ thông báo tới từng TCTD. Tính toán như vậy cũng là một trong những biện pháp để Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tổng mức tăng trưởng tín dụng năm 2012 không quá 15% - 17%.

PV: Các tổ chức tín dụng thuộc nhóm 4 sẽ không được tăng trưởng tín dụng. Theo Phó Thống đốc, điều này liệu có thể làm tăng thêm yếu tố rủi ro và tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ không?

Thực tế, các TCTD nằm trong nhóm 4 đều là những TCTD đang trong tình trạng mất khả năng thanh toán và đang trong quá trình tái cơ cấu, sắp xếp lại. Vì thế, các TCTD này cần phải tiến hành cơ cấu lại các khoản nợ, thu nợ cũ, cho vay nợ mới hiệu quả hơn. Nghĩa là hoạt động của các TCTD này vẫn được duy trì nhưng tài sản được cơ cấu lại theo hướng an toàn và chất lượng hơn so với trước.

PV: Thống đốc có thể cho biết sẽ có bao nhiêu tổ chức tín dụng nằm trong nhóm 4 này?

Hiện tại, có khoảng "mươi" tổ chức tín dụng thuộc dạng trên, NHNN cũng đã thường xuyên làm việc với từng nhóm TCTD này để họ nắm được chủ trương của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước, do đó, họ không có lý do gì để phàn nàn. Đó cũng là cách để Ngân hàng Nhà nước “bắt bệnh” và cho “thuốc” theo liều lượng theo sức khỏe của các TCTD chứ không cào bằng như trước, nên các TCTD chắc chắn sẽ đồng tình.

PV: Không công bố danh sách các TCTD nằm trong nhóm 4, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nếu danh tính các TCTD này bị tiết lộ sẽ ảnh hưởng tới tâm lý gửi – rút tiền của người dân. Phó Thống đốc dự liệu về tình hình này ra sao?

Các TCTD cần phải có trách nhiệm giữ gìn lòng tin người gửi tiền, cổ đông NHNN không trông đợi các TCTD vi phạm quy định này mà yêu cầu phải tuân thủ nghiêm túc vì sự lành mạnh của các TCTD. Cùng với đó, NHNN cũng đặt ra thời hạn nhất định là 6 tháng để xem xét đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện. Đặc biệt, sẽ điều chỉnh tổ chức tín dụng từ nhóm này sang nhóm khác và thay đổi mức tăng tín dụng đối với từng đơn vị. Nếu những tổ chức tín dụng nào hoạt động lành mạnh, hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét khả năng nới lỏng các biện pháp kiểm soát tín dụng và nếu phát sinh TCTD khó khăn, dấu hiệu mất an toàn thì NHNN sẽ thắt chặt kiểm soát tín dụng hơn.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực