Ngành ngân hàng phấn đấu hoàn thiện tái cấu trúc toàn bộ hệ thống vào năm 2015

Thứ bảy, 17/12/2011 18:50

Ảnh minh hoạ (Ảnh Đ.H)

(ĐCSVN) - Qua hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng góp phần thúc đẩy tiến trình đổi mới và phát triển của nền kinh tế. Tuy vậy, để đáp ứng được yêu cầu phát triển mới, ngành Ngân hàng cần tiếp tục cải cách để đáp ứng nguồn vốn và dịch vụ ngân hàng phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Sự an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng đóng vai trò rất quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô. Hệ thống các tổ chức tín dụng cung cấp một khối lượng vốn rất lớn cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng kinh tế nhanh, tạo công ăn việc làm và góp phần thực hiện các chính sách xã hội của Nhà nước trong những năm qua. Tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng bình quân 29,4%/năm trong giai đoạn 2000-2010 và đến cuối năm 2010, tương đương khoảng 116% GDP. Đến tháng 9/2011, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng gấp 14 lần so với năm 2000 và tổng tài sản của các tổ chức tín dụng tương đương 244% GDP năm 2010.

Ở Việt Nam, sự tồn tại của nhiều loại hình tổ chức tín dụng với các quy mô khác nhau, đã tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu đa dạng về dịch vụ ngân hàng. Không chỉ phát triển đa dạng về hình thức hay loại hình tổ chức tín dụng, trong những năm qua, Chính phủ đã rất chú trọng phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng theo chiều sâu, hướng tới sự phát triển bền vững và khả năng ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài hay từ nội tại nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 gây đổ vỡ hàng loạt các định chế tài chính, ngân hàng, đẩy nền kinh tế thế giới và khu vực rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đã tồn tại và vượt qua những bất lợi của các cú sốc đó, đồng thời, giữ vững được sự ổn định, an toàn của hệ thống, góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, hệ thống tài chính quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này cho thấy, quá trình đổi mới và phát triển của hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian qua cũng như các chính sách cho lĩnh vực ngân hàng của Chính phủ và ngành ngân hàng là đúng đắn và có hiệu quả.

Tuy vậy, để đáp ứng được nhu cầu phát triển mới, hệ thống tài chính nói chung và hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng nói riêng cần tiếp tục cải cách để đáp ứng nguồn vốn và dịch vụ ngân hàng phục vụ cho triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, ngành ngân hàng cần cơ cấu lại toàn bộ hệ thống với chính sách phù hợp. Ngành ngân hàng đã đề ra các biện pháp, đó là: Hoàn thiện và đưa vào thực hiện các tiêu chuẩn quản trị mới, các quy định về an toàn và phòng tránh rủi ro theo hướng tiếp cận nhanh thông lệ quốc tế; Tăng cường vai trò giám sát của Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện các tiêu chuẩn này; Xây dựng cơ chế, chính sách để ngân hàng thương mại có đủ điều kiện phát triển nhanh và cạnh tranh có hiệu quả trong nước và quốc tế, đồng thời, khuyến khích các ngân hàng mở rộng địa bàn hoạt động phục vụ nông nghiệp và nông thôn; Thực hiện cổ phần hoá các ngân hàng thương mại nhà nước, nâng cao tiềm lực tài chính, khả năng quản trị, chất lượng các dịch vụ, sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động để ngân hàng thương mại nhà nước thực sự làm nòng cốt trong hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại cả nước; Bổ sung hoàn thiện thể chế để các ngân hàng thương mại cổ phần, nâng cao chất lượng quản trị, hoạt động minh bạch, thực sự là ngân hàng đại chúng, quy định mức vốn tối thiểu và lộ trình thực hiện phù hợp với quy mô và địa bàn hoạt động; Xây dựng phương án xử lý cụ thể để giảm nhanh các ngân hàng yếu kém kéo dài theo các phương án thích hợp với chi phí ít nhất, bảo đảm an toàn hệ thống, không làm ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người gửi tiền và xử lý nghiêm những cá nhân có sai phạm; Kiện toàn và phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng ở nông thôn. Việc thành lập mới các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính, kể cả thành lập mới các hợp tác xã tín dụng ở địa bàn nông thôn phải được thẩm định chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp có hiệu quả việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng với việc cơ cấu lại và phát triển mạnh các phân khúc khác các thị trường tài chính như: Thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường bảo hiểm và các quỹ đầu tư theo những tiêu chuẩn quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Thực hiện công khai, minh bạch và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các định chế tài chính này.

Với những biện pháp trên, ngành Ngân hàng cũng đã đưa ra mục tiêu trong 5 năm tới, phấn đấu có hai ngân hàng đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực và từ 10 đến 15 ngân hàng đủ lớn để làm trụ cột cho cả hệ thống ngân hàng. Hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ có các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh và hoạt động trong phân khúc thị trường nhất định. Với việc xây dựng các tổ chức tài chính quy mô nhỏ, ngành Ngân hàng hướng tới đảm bảo mọi tầng lớp xã hội, đồng bào ở các địa bàn khác nhau đều có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng.

Có thể thấy, việc tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nói riêng là một nội dung lớn và phức tạp, đòi hỏi phải được triển khai thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực trong nhiều năm. Ngành Ngân hàng phấn đấu đến năm 2013, sẽ thực hiện phân nhóm các tổ chức tín dụng, hỗ trợ thanh khoản đối với các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, xây dựng phương án tái cấu trúc và thực hiện tái cấu trúc toàn diện các ngân hàng hoạt động chưa tốt và tiến hành hoàn thiện tái cấu trúc toàn bộ hệ thống, nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng vào năm 2015. Những nỗ lực của ngành Ngân hàng sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực