Nghị định về quản lý, kinh doanh vàng: Minh bạch thị trường, bảo đảm lợi ích người dân

Thứ năm, 12/04/2012 20:22

 
                 Ảnh minh họa (nguồn: dddn.com.vn)

(ĐCSVN) - Tuần qua, Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã được Chính phủ ban hành, đây được xem là giải pháp nhằm khắc phục bất cập của các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đang tồn tại. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức lại thị trường vàng theo hướng phát triển ổn định và bền vững, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng

Theo Nghị định 24, bắt đầu từ 25/5, Nhà nước sẽ độc quyền sản xuất vàng miếng và Chính phủ cũng giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN): ”Tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất và phương thức thực hiện sản xuất vàng miếng phù hợp trong từng thời kỳ”. Ngoài ra, các giấy phép sản xuất vàng miếng do NHNN đã cấp trước đây hết hiệu lực từ ngày 25/5/2012.

Đối với quyền sở hữu vàng, Nghị định 24 khẳng định rõ nguyên tắc ”Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật”. Đồng thời, Nghị định 24 cũng khẳng định việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng là nhằm phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng, bảo đảm hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đối với việc kinh doanh vàng miếng, theo Nghị định 24, để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh mua bán vàng miếng, các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ 5 điều kiện sau đây: Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế); Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Như vậy, Nghị định 24 đã chuyển hoạt động sản xuất vàng miếng thành hoạt động độc quyền Nhà nước và giao cho NHNN tổ chức thực hiện. Các giấy phép sản xuất vàng miếng NHNN đã cấp cho các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp kinh doanh vàng trước đây hết hiệu lực. Các quy định này nhằm đảm bảo cho Nhà nước quản lý chặt chẽ nguồn cung vàng miếng, góp phần bình ổn thị trường, đồng thời ngăn chặn việc sản xuất vàng miếng từ nguồn nguyên liệu nhập lậu.

Không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán

Cũng theo Nghị định 24 quy định, doanh nghiệp, TCTD hoạt động kinh doanh vàng miếng chỉ được phép mua, bán các loại vàng miếng của doanh nghiệp, TCTD được NHNN cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do NHNN tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ; Không được phép thực hiện kinh doanh vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm; Chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hoá đơn chứng từ; Niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về giá mua và giá bán vàng miếng; Có biện pháp và trang thiết bị bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh…

Ngoài ra, hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.

Đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, cũng theo Nghị định 24 quy định việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu cho sản xuất vàng miếng là hoạt động độc quyền nhà nước và giao cho NHNN là cơ quan tổ chức thực hiện. Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu được cấp căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ, quan hệ cung cầu vàng trong từng thời kỳ.

Với quy định này, người dân hoàn toàn yên tâm về chất lượng vàng miếng và độ an toàn của tài sản mình nắm giữ. Bởi việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do vừa qua đã kéo theo những hệ lụy như: mua bán vàng thiếu tuổi, chất lượng kém… rất khó kiểm soát. Theo ông Cao Sĩ Kiêm- nguyên Thống đốc NHNN cũng cho biết, với sự độc quyền nhà nước về vàng miếng sẽ chấm dứt được nạn đầu cơ và chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, góp phần minh bạch thị trường vàng hơn.

Vẫn còn nhiều lo lắng

Hầu hết các ngân hàng thương mại, các chuyên gia kinh tế cơ bản đều ủng hộ các nội dung trong Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi những lo lắng, nhiều chuyên gia cho rằng so với các ngân hàng, sẽ không có nhiều doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng. Bởi đa phần các ngân hàng đều có mạng lưới, hệ thống từ 5 tỉnh, thành trở lên nên dễ dàng đáp ứng được điều kiện cấp phép của NHNN hơn các doanh nghiệp kinh doanh vàng thuần túy. Và như vậy, việc kinh doanh vàng bị thu hẹp, cùng với đó là sự độc quyền của Nhà nước sẽ khiến việc điều tiết giá vàng không nhanh nhạy, không theo kịp được giá vàng thế giới, đồng thời có thể sẽ làm thị trường mất tính cạnh tranh và không loại trừ có lợi ích nhóm nếu quyền phân phối vàng miếng tập trung vào một số đơn vị lớn… Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân đang giữ vàng miếng khác ngoài vàng miếng SJC có thể gặp bất lợi khi mua bán, trao đổi hoặc hoán đổi sang vàng miếng SJC….

Giải đáp trước những vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc chấn chỉnh vàng hai giá phụ thuộc vào đề án NHNN huy động vàng trong dân. Nếu huy động được lượng vàng trong dân, nhiều khả năng sẽ có lời giải cho bài toán giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch bất hợp lý thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN thì việc một số tổ chức, cá nhân đang giữ vàng miếng khác ngoài vàng miếng SJC có thể gặp bất lợi khi mua bán, trao đổi hoặc hoán đổi sang vàng miếng SJC là không có, vì theo quy định của Nghị định 24, thời hạn chuyển tiếp đối với các đơn vị đang kinh doanh mua, bán vàng miếng tối thiểu là 6 tháng. Như vậy, doanh nghiệp có hơn 7 tháng (kể từ khi Nghị định 24 được ký ban hành) để tiếp tục kinh doanh mua, bán vàng miếng và có thời gian hoàn tất thủ tục xin cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc chuẩn bị chuyển hẳn sang sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định tại Nghị định.

Có thể thấy, trong quá trình Nghị định 24 đi vào cuộc sống, chắc chắn sẽ có những lo lắng và những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, chúng ta tin tưởng rằng với mục tiêu tạo cơ sở pháp lý để tổ chức lại thị trường vàng theo hướng phát triển ổn định và bền vững, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, việc triển khai Nghị định sẽ đạt hiệu quả cao nhờ sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực