Những nguyên nhân gây bất ổn thị trường vàng

Thứ ba, 08/11/2011 11:21

 

 Ảnh minh hoạ. (Ảnh: K.D)

(ĐCSVN) - Thời gian gần đây, thị trường vàng trong nước diễn biến bất thường, giá vàng trong nước và thế giới thường xuyên có sự chênh lệch với mức cao. Nhìn lại vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhận định một số nguyên nhân chính gây bất ổn của thị trường vàng.

Đầu tiên, việc giá vàng thế giới liên tục biến động theo chiều hướng tăng cao đã làm tăng tình trạng đầu cơ, tích trữ vàng của người dân và doanh nghiệp trong nước. Mặt khác, do tình hình kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lạm phát cao cũng làm cho niềm tin của người dân vào giá trị đồng Việt Nam giảm sút, tâm lý mua, nắm giữ vàng gia tăng.

Việc vàng miếng SJC chiếm thị phần lớn (tới trên 90%) cũng là nguyên nhân tạo lợi thế độc quyền tự nhiên, dẫn đến mỗi khi giá vàng biến động, tình trạng khan hiếm vàng SJC làm cho thị trường biến động mạnh hơn.

Nhưng nguyên nhân chính là do sự thiếu thống nhất trong các quy định về chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng. Theo quy định tại Điều 5 Luật NHNN năm 1997, NHNN có chức năng quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 174, NHNN chỉ được giao quản lý một số hoạt động kinh doanh vàng có liên quan tới điều hành chính sách tiền tệ như: Xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu, sản xuất vàng miếng. Các hoạt động kinh doanh vàng khác như mua bán vàng trang sức mỹ nghệ, mua bán vàng miếng được coi là hoạt động kinh doanh bình thường giống như các loại hàng hoá khác. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh vàng chỉ cần thực hiện đăng ký kinh doanh và hoạt động kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại. Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng trên thị trường do Bộ Công thương chịu trách nhiệm. Trong khi đó, theo Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005, NHNN được giao là cơ quan quản lý hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng, đồng thời đưa vàng trên tài khoản ở nước ngoài vào khái niệm ngoại hối. Như vậy, chức năng quản lý của NHNN đối với hoạt động quản lý kinh doanh vàng theo Luật NHNN, Pháp lệnh ngoại hối cũng như các Nghị định của Chính phủ còn phân tán, chưa rõ ràng. Chính sự phân tán trong quản lý nhà nước này đã tạo ra nhiều kẽ hở trong quản lý, gây nên những tác động bất lợi khi thị trường có biến động.

Bên cạnh đó, còn có những bất cập trong quy định tại Nghị định 174. Nghị định 174 được ban hành từ năm 1999 trong bối cảnh thị trường vàng tương đối ổn định, do đó, về cơ bản, các quy định của Nghị định 174 khá thông thoáng. Trong giai đoạn đó, các quy định tại Nghị định 174 đã tạo điều kiện để hoạt động sản xuất, gia công vàng miếng, vàng trang sức phát triển, đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước. Tuy nhiên, từ năm 2007, thị trường vàng đã có những thay đổi lớn, giá vàng thế giới biến động rất mạnh theo chiều hướng tăng, các quy định này đã không còn phù hợp với thực tế, từ đó đã gây nên những tác động tiêu cực tới thị trường.

Theo NHNN, nguyên nhân cuối cùng là do những bất cập trong quy định về huy động và cho vay vốn bằng vàng. Trước đây, hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của TCTD được thực hiện theo Quyết định 432 của NHNN. Trong thời gian đầu, hoạt động này đã có tác dụng huy động số vàng tích trữ trong dân để phục vụ phát triển kinh tế và làm nguyên liệu để chế tác hàng trang sức, mỹ nghệ kinh doanh và xuất khẩu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi thị trường vàng quốc tế và trong nước có những biến động mạnh, các TCTD đã thực hiện cho vay vàng đối với cá nhân, mua bán vàng miếng quy mô lớn trên thị trường làm gia tăng đầu cơ, thị trường ngầm về vàng diễn biến phức tạp,nhập lậu vàng gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tiền tệ, ngoại hối và tỷ giá.

Những nguyên nhân mà NHNN đã thống kê cho thấy, để khắc phục các bất cập trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, việc ban hành Nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng là thật sự cần thiết.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực