Nỗ lực ổn định thị trường tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thứ tư, 18/04/2012 18:25

 

 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

(ĐCSVN)Mặc dù gặp nhiều khó khăn trước những bất ổn của tình hình kinh tế trong nước và thế giới nhưng với sự nỗ lực không ngừng, trong quý I/2012, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp đúng đắn để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Lãi suất giảm, thanh khoản được cải thiện

Theo báo cáo về tình hình hoạt động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được công bố ngày 17/4, trong quý I/2012, thanh khoản VND của hệ thống ngân hàng cơ bản được đảm bảo và có xu hướng cải thiện; các chỉ tiêu tiền tệ tăng thấp theo tính quy luật hàng năm nhưng phù hợp với chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, kiểm soát lạm phát; cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và giảm dần tỷ trọng dư nợ đối với lĩnh vực không khuyến khích. Đặc biệt, lãi suất biến động giảm phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ; thị trường ngoại hối tương đối ổn định và thanh khoản ngoại tệ được cải thiện rõ rệt; hoạt động của các tổ chức tín dụng cơ bản an toàn, lành mạnh, trật tự kỷ cương thị trường tiếp tục được duy trì...

Đáng chú ý, là trong quý I/2012, NHNN đã điều chỉnh giảm 1% đối với các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động VND của các tổ chức tín dụng kể từ ngày 13/3/2012 nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn được điều chỉnh giảm từ mức 15%/năm xuống 14%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng giảm từ mức 16%/năm xuống mức 15%, lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 13%/năm xuống 12%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi bằng VND không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng của các tổ chức tín dụng giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng trở lên giảm từ 14%/năm xuống 13%/năm.

Nhờ lần điều chỉnh lãi suất này, lãi suất cho vay VND được điều chỉnh giảm từ 1-3%/năm đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất - kinh doanh... phổ biến ở mức 14,5-16%/năm, thấp nhất 13,5%/năm áp dụng đối với khách hàng doanh nghiệp cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng; cho vay sản xuất - kinh doanh khác 16,5-20%/năm, thấp nhất 15%/năm, cho vay lĩnh vực phi sản xuất 20-25%/năm.

Cũng theo NHNN, trong thời gian qua, lãi suất huy động VND tương đối ổn định, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi xuống phổ biến ở mức 3-4%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn, 4-5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng; 11,5-13%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên.

Lãi suất huy động USD phổ biến 1,9-2%/năm đối với tiền gửi của dân cư và 0,5%/năm đối với tiền gửi của tổ chức kinh tế, kéo theo lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 6-7,5%/năm đối với ngắn hạn, 7,5-9%/năm đối với trung và dài hạn.

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng cũng được duy trì ổn định, tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm và luôn thấp hơn mức trần cho phép. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 20.828 VND/USD không thay đổi so với cuối năm 2011; tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại phổ biến quanh mức 20.800/20.860 VND/USD...

Vẫn còn nhiều lo lắng

Mặc dù đạt được một số kết quả đáng khích lệ, song thực tế, trong quý I/2012, hoạt động ngân hàng vẫn còn nhiều lo lắng, đó là nợ xấu tăng, tín dụng đối với nền kinh tế giảm… Đây là những thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng trong thời gian tới.

Theo NHNN, tín dụng đối với nền kinh tế từ đầu năm đến ngày 26/3/2012 giảm 1,96% so với cuối năm 2011. Cùng với đó, tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực không khuyến khích giảm từ mức 11,02% vào cuối năm 2011 xuống còn 10,77% vào cuối tháng 2/2012.

Tại cuộc họp báo mới đây của NHNN, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, một nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng âm trong quý I/2012 là do cuối quý IV/2011, một số tổ chức tín dụng đã đẩy tăng trưởng tín dụng “ảo” để đối phó với việc NHNN áp tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong năm 2012. Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố ảo, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong quý I/2012 chỉ giảm 0,4%. Trong các tháng còn lại, tăng trưởng tín dụng ở mức 1,5% đến 2% là đủ mức tăng trưởng 15-17% cả năm vẫn đáp ứng vốn cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2012.

Ngoài ra, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định “Thông qua số liệu thì nợ xấu có chiều hướng tăng lên. Đầu năm nợ xấu khoảng 3,2%, nay khoảng 3,6%. Bằng các giải pháp, các ngân hàng sẽ chủ động cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp. Hiện NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ để doanh nghiệp có cơ hội vượt qua khó khăn. Hy vọng, với giải pháp này, nợ xấu sẽ được kiềm chế”.

Một số giải pháp

Trước thực tế này, để tiếp tục duy trì hoạt động ngân hàng ổn định, giảm nợ xấu, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, hiện NHNN đã và đang triển khai nhiều nhóm giải pháp điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả. Theo đó, NHNN tăng cường theo dõi sát diễn biến lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng để có biện pháp xử lý; điều hành chính sách lãi suất linh hoạt phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và điều kiện thị trường tiền tệ.

Cùng với đó, theo dõi sát tình hình hoạt động và thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng, diễn biến các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng để sau 6 tháng hoặc sớm hơn xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng cho phù hợp, đảm bảo đạt được mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2012 ở mức 15-17%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14-16%.

Đồng thời, với những giải pháp trên, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thi đua góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, hạ lãi suất cho vay, bảo đảm khả năng thanh khoản của nền kinh tế...

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực