Tái cấu trúc thị trường chứng khoán đáp ứng yêu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế

Thứ sáu, 30/12/2011 22:09

 Ảnh minh họa (nguồn: dvt.com.vn)

(ĐCSVN) - Tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK) là một hướng đi mà các thị trường tài chính quốc tế đã từng trải qua sau mỗi chu kỳ hưng thịnh, suy thoái. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, thị trường tài chính quốc tế đã có sự biến đổi nhanh trong cấu trúc thị trường cũng như hoạt động nghiệp vụ đòi hỏi TTCK Việt Nam cần phải có bước đi thích hợp.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc tái cấu trúc lại TTCK nhằm đáp ứng yêu cầu về vốn dài hạn cho nền kinh tế, củng cố hệ thống thị trường có sự quản lý của Nhà nước trong đó có thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm và các dịch vụ tài chính.

Thực trạng phát triển của TTCK Việt Nam

TTCK Việt Nam đi vào hoạt động từ tháng 7/2000, qua hơn 11 năm hoạt động, TTCK đã từng bước trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, hỗ trợ tiến trình cổ phần hoá và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đồng thời góp phần huy động vốn cho ngân sách nhà nước (NSNN) và cho đầu tư phát triển góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cụ thể, TTCK đã tạo điều kiện cho Chính phủ, các doanh nghiệp huy động vốn cho đầu tư phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh. Thông qua thị trường, Chính phủ đã huy động được 625 nghìn tỷ đồng trái phiếu; doanh nghiệp đã huy động được 203 nghìn tỷ đồng thông qua đấu giá cổ phần hoá và phát hành cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư góp phần làm tăng quy mô vốn đầu tư xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Quy mô và tính thanh khoản của TTCK ngày một cải thiện, góp phần thu hẹp thị trường tự do, thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài. Cho đến cuối năm 2010 đã có 642 công ty, 05 loại chứng chỉ quỹ đầu tư và 500 loại trái phiếu niêm yết trên các Sở giao dịch chứng khoán (GDCK) với giá trị vốn hoá thị trường đạt 36,5% GDP năm 2010. Trong năm 2011, mặc dù yếu tố kinh tế vĩ mô còn khó khăn, song vẫn có nhiều doanh nghiệp phát hành, niêm yết cổ phiếu trên TTCK nâng tổng số công ty niêm yết lên 710 công ty.

Ngoài ra, TTCK đã thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Cho đến nay có gần 1,2 triệu tài khoản giao dịch, trong đó có hơn 5.000 nhà đầu tư có tổ chức (chiếm khoảng 4%). Việc tham gia của các nhà đầu tư đã làm tăng khả năng luân chuyển vốn trong nước, đồng thời đã huy động một lượng vốn đầu tư nước ngoài đáng kể. Tính đến cuối năm 2011, giá trị danh mục đầu tư nước ngoài đạt  7 tỷ USD.

Hệ thống các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán đã có sự phát triển nhanh về số lượng, quy mô vốn, nghiệp vụ và công nghệ với mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cho đến nay TTCK đã có 105 công ty chứng khoán với vốn chủ sở hữu đạt 38 nghìn tỷ đồng; có 47 công ty quản lý quỹ đang hoạt động với vốn chủ sở hữu đạt trên 2.600 tỷ đồng. Các công ty quản lý quỹ đã huy động và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, các hợp đồng quản lý danh mục đầu tư với giá trị tài sản lên tới 125 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù đã đạt được kết quả quan trọng nói trên, song TTCK và các tổ chức tài chính  cũng như công ty chứng khoán vẫn còn những hạn chế tồn tại.

Cụ thể, về hàng hoá của thị trường, số lượng chứng khoán, sản phẩm bảo hiểm nhiều nhưng chất lượng còn thấp, sản phẩm thị trường chưa đa dạng, chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư và khách hàng tham gia bảo hiểm. Đối với trái phiếu, số lượng mã trái phiếu được niêm yết là khá lớn nhưng khối lượng mỗi mã lại nhỏ, đây là rào cản lớn đối với việc tăng cường thanh khoản của thị trường. Đa số các công ty niêm yết, đăng ký giao dịch là những công ty vừa và nhỏ; trong số 710 công ty niêm yết/đăng ký giao dịch chỉ có 368 công ty (khoảng 50%) có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng; chất lượng của các công ty niêm yết chưa cao, đặc biệt là quản trị công ty và tính công khai, minh bạch. Trong thời kỳ khó khăn đặc biệt là giai đoạn 2010-2011 nhiều công ty niêm yết làm ăn thua lỗ, ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của cổ phiếu niêm yết và niềm tin của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, sản phẩm thị trường còn nghèo nàn, ngoài cổ phiếu và một số loại trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, chưa có các sản phẩm phái sinh và các công cụ đầu tư khác, vì vậy hàng hoá thị trường còn khiếm khuyết, chưa có công cụ phòng ngừa rủi ro.

Đáng chú ý, cơ sở nhà đầu tư chưa vững chắc do thiếu vắng nhà đầu tư có tổ chức làm nền tảng. Số lượng các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán nhiều song chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân, các nhà đầu tư có tổ chức chỉ chiếm 4% số lượng tài khoản giao dịch và tập trung vào các tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư.

Ngoài ra, các tổ chức kinh doanh chứng khoán nhiều nhưng quy mô và năng lực tài chính thấp, không đảm bảo hiệu quả hoạt động, tiềm ẩn rủi ro hệ thống. Đặc biệt, có một số công ty chứng khoán có hạn chế về năng lực nghiệp vụ, kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro dẫn đến tình trạng không hiệu quả (đặc biệt là hoạt động tự doanh) dẫn đến tình trạng thua lỗ. Một số lượng không nhỏ công ty chứng khoán không đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính.

Việc duy trì hoạt động của 2 Sở GDCK đã góp phần phát triển TTCK trong thời gian qua, tuy nhiên điều này cũng làm cho thị trường chứng khoán bị chia cắt. Hiện nay, trên 2 Sở GDCK có 3 thị trường cổ phiếu (2 thị trường niêm yết tại 2 Sở GDCK  và 1 thị trường cổ phiếu chưa niêm yết tại Sở GDCK Hà Nội) bên cạnh đó còn có hình thức chuyển quyền sở hữu cho các chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (hoặc chưa đăng ký giao dịch). Tình trạng này đã dẫn đến sự không thống nhất trong việc quản lý thị trường, đặc biệt là công tác quản trị công ty, công bố thông tin của các doanh nghiệp, làm tăng chi phí xã hội.

Thị trường trái phiếu chuyên biệt đã được thành lập và hoạt động tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, song chủ yếu là trái phiếu Chính phủ. Số lượng trái phiếu Chính phủ niêm yết trên thị trường khá lớn (160 nghìn tỷ đồng) song do có quá nhiều loại trái phiếu (hiện nay có 135 loại trái phiếu với các kỳ hạn khác nhau). Số lượng trái phiếu doanh nghiệp ít, chủ yếu là trái phiếu của Ngân hàng phát triển Việt Nam và Ngân hàng chính sách xã hội, Tổng công ty đường cao tốc phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

Những tồn tại và hạn chế trên là do nguyên khách quan, chủ quan. Cụ thể, thể chế đối với hoạt động TTCK, thị trường bảo hiểm đã có sự hoàn thiện một bước, đặc biệt là bổ sung sửa đổi chứng khoán, luật kinh doanh bảo hiểm trong năm 2010. Tuy nhiên, những cải cách về thể chế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế có nhiều biến động như trong giai đoạn vừa qua. Môi trường kinh tế vĩ mô chưa thực sự thuận lợi, lạm phát và lãi suất ngân hàng cao đã ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản chung của nền kinh tế cũng như thị trường tài chính trong đó có TTCK. Hoạt động của các công ty chứng khoán, công ty niêm yết không ổn định (lúc lãi, lúc lỗ tuỳ theo tình hình thị trường); mặt khác do công tác quản trị công ty, công khai minh bạch của các công ty chứng khoán, công ty niêm yết chưa cao đã ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường cũng như công chúng đầu tư.

Đặc biệt, sự liên thông giữa các khối thị trường ở trong nước như: tín dụng ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, cũng như sự liên thông giữa thị trường trong nước, nước ngoài làm cho thị trường chứng khoán có sự ảnh hưởng, điều này có thể gây rủi ro tiềm ẩn trong an toàn hệ thống tài chính.

Ngoài ra, công tác quản lý giám sát của cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài chính, Uỷ ban chứng khoán nhà nước, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm) đã được tăng cường, tổ chức bộ máy đã được hoàn thiện, nguồn nhân lực đã được đào tạo thường xuyên, tuy nhiên do tính phức tạp, nhạy cảm của thị trường vì vậy công tác giám sát còn có khó khăn; thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm, đã xử lý xong chế tài chưa đủ mạnh để cưỡng chế thực thi.

Đến lúc cần tái cấu trúc TTCK

Từ thực trạng của thị trường chứng khoán và các định chế tài chính nói trên và định hướng chiến lược phát triển trong giai đoạn tới (2011-2010), việc cấu trúc lại thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp bảo hiểm là hết sức cần thiết.

Tái cấu trúc TTCK nhằm mục tiêu: Cơ cấu lại hàng hoá trên thị trường chứng khoán theo hướng nâng cao chất lượng phát hành, niêm yết, đăng ký giao dịch và phát triển hàng hoá mới có chất lượng cho thị trường chứng khoán; đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm theo yêu cầu của thị trường; cơ cấu lại cơ sở các nhà đầu tư theo hướng đa dạng cơ sở nhà đầu tư, mở rộng cơ sở nhà đầu tư có tổ chức, chuyên nghiệp; tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm theo hướng nâng cao năng lực tài chính, chất lượng dịch vụ và phòng ngừa rủi ro; cơ cấu lại thị trường giao dịch chứng khoán bao gồm: thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu và thị trường phái sinh theo nguyên tắc tạo ra một thị trường giao dịch chứng khoán thống nhất, tiêu chí niêm yết, giao dịch, công bố thông tin theo chuẩn mực chung và một hệ thống quản trị điều hành, quản trị rủi ro thống nhất.

Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra quan điểm chỉ đạo của việc tái cấu trúc TTCK:

Một là, tái cấu trúc thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp bảo hiểm phải dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt nhất, phù hợp với điều kiện thực tế và kế hoạch tái cơ cấu cả nền kinh tế, hệ thống tài chính ngân hàng nói chung.

Hai là,
việc tái cấu trúc TTCK và các doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện, ở tất cả các mặt, bao gồm tái cấu trúc hàng hóa sản phẩm dịch vụ, tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư, tái cấu trúc hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm và tái cấu trúc tổ chức quản lý, vận hành thị trường.

Ba là,
việc tái cấu trúc TTCK và các doanh nghiệp bảo hiểm được thực hiện một cách chủ động, có lộ trình cụ thể, có bước đi thận trọng, chắc chắn, không làm xáo trộn hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm cũng như các hoạt động kinh tế xã hội của đất nước, hạn chế tác động tới các hoạt động kinh doanh và đầu tư trên TTCK, thị trường bảo hiểm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công chúng đầu tư, khách hàng và sự an toàn của cả hệ thống; tiết giảm chi phí xã hội.

Bốn là, các hoạt động tái cấu trúc phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Trường hợp các quy định pháp luật chưa đầy đủ, rõ ràng cần bổ sung, sửa đổi (chủ yếu là Nghị định, Thông tư) để có căn cứ pháp lý thực hiện. Các hoạt động tái cấu trúc thực hiện theo nguyên tắc thị trường, doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm và phải tuân thủ các quy định pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện vai trò chỉ đạo, giám sát, không làm thay doanh nghiệp;

Năm là, chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng chống đỡ rủi ro, thu hẹp về khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực.

Trên tinh thần chỉ đạo trên, trong Hội nghị Triển khai kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước năm 2012, diễn ra vào ngày 24/12, Bộ Tài chính đã đưa ra lộ trình cũng như kế hoạch cụ thể để hoàn thành cơ bản việc tái cấu trúc TTCK  trong giai đoạn 2012-2015.

Theo đó, bước 1: Xây dựng đề án tái cấu trúc TTCK trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin ý kiến về chủ trương (thực hiện trong năm 2011).

Bước 2: Xây dựng đề án chi tiết trên cơ sở đánh giá kỹ thực trạng và rà soát các quy định pháp luật liên quan đến quá trình tái cấu trúc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (thực hiện trong quý I/2012).

Bước 3: Tập trung tái cấu trúc các định chế tài chính (bao gồm công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm) theo các mục tiêu và giải pháp nêu trong đề án: Thực hiện trong năm 2012-2013.

Bước 4: Thực hiện tái cấu trúc thị trường giao dịch chứng khoán, bao gồm cả tái cấu trúc các Sở GDCK, phân định khu vực thị trường cổ phiếu, trái phiếu, sản phẩm phái sinh: Thực hiện từ 2012-2015.

Bước 5: Tái cấu trúc hàng hoá, cơ sở các nhà đầu tư, các sản phẩm dịch vụ mới: Thực hiện trong giai đoạn 2012-2015. Trong đó, thí điểm thành lập công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư dạng mở, phát hành chứng chỉ lưu ký toàn cầu.

Có thể khẳng định, việc tái cấu trúc TTCK là thực hiện chủ trương chung của Đảng và Nhà nước về tái cấu trúc nền kinh tế trong đó có tái cấu trúc tài chính, ngân hàng, phát huy hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực