Tái cơ cấu hệ thống tài chính – ngân hàng: Nhiệm vụ trọng tâm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Thứ bảy, 03/12/2011 15:16

 

 Ảnh minh họa (nguồn: M.P)

(ĐCSVN)- Nghị quyết Trung ương 3 khoá XI đã chỉ rõ, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong 5 năm tới đó là tập trung tái cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính. Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên là việc làm không dễ, đòi hỏi sự quyết tâm cao của các ngành, các cấp, nhất là ngành ngân hàng.

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đến thời điểm cần thiết

Trước đây, việc tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng ở Việt Nam đã từng được tiến hành vào những năm 1998-1999. Kinh tế Việt Nam vẫn được coi là nền kinh tế tăng trưởng dựa nhiều vào vốn. Những năm 1990, tín dụng cho nền kinh tế chỉ khoảng 18% GDP; đến năm 2009, quy mô tín dụng đã đạt gần 100% GDP. Sự tăng trưởng nhanh về quy mô và vốn trong khi các thiết chế quản lý chưa theo kịp đang là vấn đề bất cập của khu vực này.

Hiện nay, hầu hết các ngân hàng vẫn hoạt động theo mô hình quản trị công ty cũ (nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn vừa được nâng cấp). Các ngân hàng thương mại quốc doanh mới cổ phần hóa và niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán vẫn giữ nguyên mô hình quản trị của ngân hàng thương mại quốc doanh trước đây, do mức độ cổ phần hóa quá ít (Vietcombank chỉ bán cổ phần ra ngoài tương đương 9,28% vốn điều lệ; tỷ lệ này ở Vietinbank là 4%)…

Theo phân tích của các chuyên gia, nguy cơ rủi ro vĩ mô của Việt Nam hiện nay nằm trong khu vực ngân hàng thương mại. Bởi khu vực này phải chịu áp lực rủi ro từ hai đối tượng lớn là khu vực doanh nghiệp và thị trường tài sản.

“Rủi ro thanh khoản” và “nợ xấu” là cụm từ được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng thường nhắc đến trong thời gian gần đây. Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là do tăng trưởng tín dụng nóng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tăng trưởng tín dụng gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế (GDP) hàng năm là phù hợp. Tuy nhiên, trong 3-5 năm gần đây, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế nước ta là khoảng 30%/năm (gấp khoảng 4 lần tăng trưởng GDP). Điều này đã và đang đặt ra yêu cầu cho Chính phủ  đưa ra những chính sách thắt chặt để giảm tăng trưởng tín dụng xuống dưới 20%.

Sự tăng trưởng tín dụng cùng với khả năng quản lý thanh khoản hạn chế đã tạo ra sự mất cân đối về kỳ hạn, khiến hệ thống dễ bị tổn thương trước các cú sốc từ bên ngoài, mà nguy cơ trực tiếp là các cuộc khủng hoảng tiền tệ. Các ước tính cho thấy, trong cơ cấu của hệ thống ngân hàng, hiện có tới 80% tổng nguồn vốn là có kỳ hạn dưới 1 năm, chỉ có 20% tổng nguồn vốn là có kỳ hạn trên 1 năm. Trong khi đó, cơ cấu cho vay phổ biến tại các ngân hàng thương mại là gần 60% tổng dư nợ cho vay với thời hạn cho vay trên 1 năm. Khi mất cân đối này trở nên quá cao sẽ đẩy hệ thống ngân hàng lâm vào khủng hoảng thanh khoản.

Nguy cơ phải gánh chịu thua lỗ từ nợ xấu của các ngân hàng đang gia tăng. Con số nợ xấu được ước tính tăng 2,16% của năm 2010 lên 3,1% trong 6 tháng đầu năm 2011. Đối với các ngân hàng nhỏ, việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng chặt chẽ các quy định trong việc huy động và cho vay đã khiến không ít ngân hàng buộc phải vay vốn qua thị trường mở hay các định chế tài chính khác để hoạt động, dẫn đến việc phát triển tổng tài sản không ổn định.

Một số giải pháp

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, trong 5 năm tới 2011 – 2015, nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng là củng cố, chấn chỉnh và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Trước mắt, ưu tiên hàng đầu ổn định giá trị sức mua của đồng tiền Việt Nam, tăng trưởng tín dụng không quá 3 lần tốc độ tăng GDP hằng năm, kiểm soát tăng tổng phương tiện thanh toán tương tích với tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng giữ ở mức thấp để kiềm chế tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI. Chính sách tiền tệ vẫn sẽ được Chính phủ điều hành thắt chặt.

Việc thực hiện tái cơ cấu cần dựa trên 4 nguyên tắc cơ bản: Thứ nhất, phát triển một hệ thống ngân hàng đa dạng về sở hữu, quy mô và loại hình nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế về dịch vụ ngân hàng từ thành thị tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thứ hai, đảm bảo nâng cao tính an toàn, lành mạnh của hệ thống. Thứ ba, việc sát nhập, hợp nhất ngân hàng theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan.Thứ tư, thực hiện tái cơ cấu dưới nhiều hình thức, biện pháp và theo lộ trình thích hợp.

Để thực hiện hiệu quả tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tài chính theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý cũng như hệ thống các ngân hàng và các ban ngành liên quan. Cụ thể, cần siết chặt các biện pháp kỹ thuật bằng các công cụ sẵn có của Ngân hàng Nhà nước. Nếu ngân hàng nào không đáp ứng được các yêu cầu đề ra có thể sẽ bị rút giấy phép. Ngân hàng Nhà nước cần khuyến khích các ngân hàng tự nguyện mua bán cổ phần và sát nhập với nhau. Nếu ngân hàng nào không thực hiện, Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, mà khi rơi vào diện này coi như ngân hàng ngừng hoạt động phần lớn vì mất quyền tự chủ. Ngân hàng Nhà nước mua lại một phần các ngân hàng thương mại, trở thành nhà đầu tư nhà nước và thoái vốn khi thuận lợi. Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi đã “bật đèn xanh” cho việc Ngân hàng Nhà nước trở thành nhà đầu tư có quyền mua cổ phần của một số tổ chức tín dụng.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, việc sắp xếp, tái cấu trúc phải đảm bảo tính an toàn của cả hệ thống, tránh để đổ vỡ dây chuyền và cần những bước đi khôn ngoan. Không cần phải đặt ra mục tiêu số lượng sát nhập, giải thể bao nhiêu ngân hàng, mà vấn đề quan trọng trước hết là phải đánh giá được hiệu quả, đóng góp của hệ thống ngân hàng cho nền kinh tế. Không nên chỉ nhìn vào số lượng lớn ngân hàng nhỏ mà đặt ra chỉ tiêu phải thu hẹp. Các phương án cơ cấu lại phải dựa trên sự tự nguyện, tự giác và cùng tham gia của cả hệ thống. Biện pháp có thể là sát nhập, hợp nhất, mua lại hay thậm chí giải thể thì cũng cần sự minh bạch, rõ ràng. Có thể tính đến việc để cơ quan chức năng (như Kiểm toán Nhà nước) tiến hành kiểm toán từng ngân hàng, từ đó có đề ra phương án thực hiện nhằm tăng cường tính hiệu quả của quá trình tái cơ cấu.

Ngoài ra, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cần nâng cao hiệu lực hệ thống giám sát tài chính nhằm đảm bảo sự ổn định cho hệ thống. Nâng cao hiệu lực hệ thống giám sát tài chính cần thực hiện theo các bước cơ bản là: Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về giám sát tài chính ở Việt Nam, đổi mới kiện toàn mô hình hệ thống giám sát tài chính; củng cố, tăng cường năng lực giám sát của các cơ quan giám sát tài chính. Một hệ thống giám sát tài chính chỉ có thể được coi là có hiệu lực nếu như hệ thống đó có khả năng phát hiện, xử lý, ngăn ngừa, phòng tránh các hành vi vi phạm và lạm dụng thị trường, có khả năng nhận diện và phòng tránh những rủi ro tiềm năng của cả hệ thống.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực