Thu phí ATM: Rất cần sự minh bạch

Thứ ba, 29/01/2013 12:49

(ĐCSVN) – Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến thời điểm Thông tư số 35/2012/TT-NHNN, ngày 28/12/2012 về thu phí ATM nội mạng có hiệu lực (1/3/2013). Tuy nhiên, cho đến thời điểm này tìm một phương án để giải quyết hài hòa lợi ích của hai bên: bên đưa ra dịch vụ và người sử dụng dịch vụ để có thể đạt được sự thống nhất trong trong thu phí ATM nội mạng vẫn đang là bài toán khó.

 

Đa số người dùng thẻ là lao động thu nhập thấp và sinh viên
(Ảnh: Báo Đồng Nai)

Người dân vẫn chịu thiệt trong thu phí ATM?

Hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện nay, hệ thống ATM trên toàn quốc có khoảng gần 13.920 cây. Số tài khoản thanh toán cá nhân bằng thẻ khoảng 40 triệu. Giá máy ATM hiện nay xê dịch từ 10 - 15 ngàn USD/máy. Lấy giá bình quân mức cao 15 ngàn USD (tương đương khoảng 300 triệu VND) thì với 13.920 cây hiện có, ngân hàng phải bỏ ra 4.176 tỉ đồng. Nếu thu phí rút tiền nội mạng 3.000 đồng/lần như của ngân hàng thì với 40 triệu tài khoản, mỗi tài khoản rút 3 lần trong một tháng thì số tiền mà ngân hàng thu được là: 40 triệu x 9.000 đồng = 360 tỉ. Một năm sẽ là 4.320 tỉ. Nếu tính cả chi phí lắp đặt, thuê mặt bằng, nhân công, bảo dưỡng… (cứ cho là bằng khoản tiền bỏ ra mua máy) thì cũng chỉ hai năm sau với khoản thu phí này ngân hàng đã hoàn vốn đầu tư ban đầu.

Mà một máy ATM có tuổi thọ bao nhiêu? Chắc không dưới 10 năm! Ngoài ra, các ngân hàng còn thu phí quản lý thẻ 3.300 đồng mỗi tháng. Với 40 triệu thẻ thì số tiền này mỗi năm ngân hàng thu được là 40 triệu x 3.300 x 12 tháng = 1.584 tỉ. Đấy là chưa kể lãi từ số dư tiền gửi qua thẻ, phí rút tiền, chuyển khoản ngoại mạng… Nếu những tính toán trên đây hợp lí thì việc thu phí rút tiền nội mạng ATM là bất cập. Và nếu ngân hàng không đưa ra luận chứng có sức thuyết phục mà cứ áp đặt việc thu phí, thì khó có thể tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội và dễ mang tiếng là “móc túi” khách hàng.

Nhiều ý kiến phân tích, tiền đầu tư ATM phần lớn là từ tiền của dân gửi, thu phí chẳng khác nào lại bắt dân đóng thêm tiền cho ngân hàng. Hơn nữa, trong 10 năm kể từ khi có máy ATM và phát hành thẻ, các ngân hàng đã phải tính toán trước khi đưa vào sử dụng rộng rãi thẻ ATM rồi chứ không phải là làm không công. Vậy người chịu thiệt vẫn là người dân.

Một số còn chỉ ra kinh nghiệm sử dụng ATM ở nước ngoài để dẫn chứng thêm việc thu phí ATM hiện nay ở Việt Nam là bất cập. Ở nước ngoài, việc cấp thẻ gần như miễn phí và không quy định mức tiền tối thiểu có trong thẻ. Khách hàng có thể rút hết tiền hoặc gửi đi toàn bộ số tiền có trong thẻ. Có thể kể đến: Singapore, Trung Quốc, Pháp cùng một số nước trong EU cũng không mất phí ATM… Hoặc có nơi thu phí nhưng lại rất khoa học, đơn cử như Nhật Bản, người dân cũng được trả lương qua ngân hàng. Nếu rút tiền vào giờ ngân hàng quy định thì không mất tiền, ví dụ từ 8h-18h ngày thường. Những giờ còn lại và ngày nghỉ lễ tết thì mất phí 1/200 tiền lương (khoảng 25.000 VNĐ) và các điểm rút tiền không bao giờ có tình trạng hết tiền, thậm chí, khách hàng còn còn có thể rút tiền về 0 đồng. Hay như ở Hàn Quốc, ngân hàng thu phí như sau: miễn phí rút tiền trong giờ hành chính; miễn phí các dịch vụ internetbanking; thay đổi mật mã; miễn phí nếu làm các loại thẻ ngân hàng và nếu có thu thì cũng chỉ ở mức tượng trưng...

Đông đảo dư luận cũng nhất trí rằng, điều quan trọng là để người lao động có quyền lựa chọn có làm thẻ ATM hay không khi quyết định thu phí. Trong khi buộc người lao động làm thẻ, trả tiền lương qua thẻ... và tạm dùng phương thức không thu phí một thời gian, sau đó lại thu phí. Thêm nữa, hàng tháng tiền lương của người lao động để trong tài khoản chỉ được hưởng lãi suất rất thấp, sao lúc đó không thấy ngân hàng giải thích gì. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp chuyển lương đã phải thanh toán một khoản phí cho ngân hàng rồi, đến khi nhân viên đi lãnh lương lại phải trả tiền phí nữa thì hóa bị thu phí hơn một lần.

Cần cân đối lợi ích hài hòa giữa ngân hàng và người sử dụng thẻ

Chuyện khách hàng mua/sử dụng dịch vụ thì phải trả phí là lẽ đương nhiên. Nhưng tại sao khi các đơn vị phát hành thẻ ATM tính chuyện thu phí thì có nhiều quan điểm không đồng tình? Và dù thời điểm 1/3/2013, Thông tư số 35 của Ngân hàng Nhà nước về thu phí ATM nội mạng có hiệu lực sắp đến, dư luận vẫn tỏ ý bất bình.

Còn một thực tế trong đa số người sử dụng thẻ ATM hiện nay là dù có rất nhiều cây ATM bên cạnh nhưng nhiều người vẫn phải chờ để vào đúng cây của ngân hàng nơi mình mở tài khoản để rút tiền. Lý do đơn giản là vì không muốn mất thêm một khoản phí nếu rút tiền ngoại mạng. Vì thế, dễ hiểu vì sao khá đông người dùng thẻ cảm thấy bức xúc khi bị thu cả phí nội mạng. Nhất là những đối tượng có thu nhập thấp hay đang bị phụ thuộc, ví dụ như sinh viên. Bởi họ thường không chỉ rút tiền một lần mà rút thành nhiều lần, mỗi lần với số lượng tiền ít. Việc thu phí từ 1000-3000 đồng cho một lần rút tiền sẽ tạo thêm gánh nặng đối với họ. Một số sinh viên cho biết, mỗi tháng bố mẹ gửi cho 2 triệu đồng, thường thì sinh viên sẽ không rút một lúc mà chia ra 4-5 lần.

Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định, các ngân hàng hiện nay cũng đang hưởng khá nhiều lợi ích do sử dụng các dịch vụ ATM này, đó là lợi ích giảm bớt lượng tiền mặt. Thứ hai là lợi ích từ việc sử dụng các khoản tồn dư các tài khoản ATM vượt quá mức tổi thiểu và các ngân hàng có thể sử dụng nó như là một trong những nguồn vốn bổ sung cho cơ cấu tín dụng của mình… Bên cạnh đó, hiện nay, mỗi ngân hàng đang có những hạn mức rút tiền khác nhau, có ngân hàng cho rút tối đa 5 triệu đồng/lần, nhưng cũng có ngân hàng chỉ cho rút 3 triệu đồng/lần. Với việc thu phí rút tiền nội mạng, trong tương lai, các ngân hàng hoàn toàn có thể để hạn mức rút tiền thấp hơn nữa để thu được nhiều tiền hơn.

Thu phí dịch vụ để nâng cao chất lượng phục vụ là điều hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng nên cân nhắc đến mức thu để hài hòa với thu nhập chung của xã hội cũng như chất lượng dịch vụ của chính mình. Chuyện rút tiền từ thẻ ATM vốn dĩ đã không được nhiều người mặn mà cho lắm vì vẫn còn không ít phiền toái (bị nuốt thẻ, rút tiền không được, mất tiền tài khoản ATM…).

Mục đích thu phí giao dịch ATM của Hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam, ngoài việc tái đầu tư còn một mục tiêu kép là hạn chế rút tiền mặt/giao dịch bằng tiền mặt của người dân. Cũng phải nhìn nhận, việc thu phí ATM sẽ giúp các ngân hàng phát hành thẻ tránh được nhiều lãng phí do khách hàng. Chẳng hạn, hiện nay, hầu hết các ngân hàng chưa thu phí in/sao kê tài khoản ATM, do đó dẫn đến có tình trạng khách hàng trong 3-4 lần rút tiền một lúc thì cũng in/sao kê 3-4 lần, tương ứng với số lần rút tiền. Để tránh tình trạng in/sao kê bừa bãi và nâng cao ý thức tiết kiệm cho khách hàng, các ngân hàng nên thu phí này…

Trở lại việc đa số người dân chưa đồng tình để ngân hàng phát hành thẻ ATM thu phí. Nếu thu phí hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, vì số lượng thẻ phát hành đến nay là 12 triệu, khá khiếm tốn so với số dân của nước ta là trên 80 triệu dân. Để thu hút số lượng khách hàng tham gia mở thẻ ATM ngày càng nhiều, ngân hàng cần phải hoàn thiện một số tiêu chí để ATM có thể phát huy hết công năng của nó. Do đó, bên cạnh việc tiếp tục nâng cấp và tạo tiện ích cho chủ thẻ, ngân hàng cần phải tính đến một số trục trặc hay bất lợi mà khách hàng phải chịu như: khi rút tiền ở máy ATM mà máy hết tiền hay máy nuốt thẻ do lỗi kỹ thuật… Điều bất tiện nữa là việc phân bổ vị trí các máy ATM cũng không thuận tiện. Hiện nay, số lượng máy ATM chỉ tập trung ở những khu vực trung tâm thành phố, những quận, huyện xa rất hiếm. Giao dịch mua bán ở trung tâm thành phố thì còn có máy POS (máy quẹt thẻ để thanh toán khi mua hàng), nếu khách hàng đi công tác về các tỉnh xa thì rất ít có máy POS, do vậy, có thẻ ATM cũng vô ích… và việc dùng tiền mặt vẫn cơ bản là phổ biến của tiêu dùng trong nước. Thêm nữa, tâm lý một số người dân vẫn chưa sẵn sàng trả phí cho dịch vụ. Chẳng hạn, họ có nhu cầu rút tiền, nhưng nếu gặp một máy ATM trong liên minh thẻ thì họ cũng không dùng, mà cố tìm cho được một máy AMT theo đúng thẻ ngân hàng mà họ sở hữu để rút tiền không mất phí.

Rõ ràng, vẫn rất cần một sự hài hoà lợi ích hai bên: bên đưa ra dịch vụ và người sử dụng dịch vụ để có thể đạt được sự thống nhất trong thu phí ATM nội mạng.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực