Vài suy nghĩ xung quanh câu chuyện thu phí ATM

Thứ tư, 16/01/2013 11:33

(ĐCSVN) - Thời điểm Thông tư 35 ngày 28/12/2012 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa chính thức có hiệu lực sắp đến gần. Theo quy định tại Thông tư này, từ 1/3/2013, biểu phí mới về các giao dịch thẻ được thực hiện tại máy rút tiền tự động (ATM) sẽ chính thức được áp dụng.

Cụ thể, từ ngày 1/3/2013 đến hết năm 2013, phí rút tiền nội mạng được khống chế không quá 1.000 đồng mỗi giao dịch. Sang năm 2014, mức phí này sẽ tăng gấp đôi và gấp ba vào năm 2015. Các giao dịch rút tiền ngoại mạng sẽ mất tối đa 3.000 đồng mỗi giao dịch.

Cũng theo Thông tư này, mọi giao dịch nội mạng đều mất phí từ 0 - 15.000 đồng một giao dịch. Ngoài ra, phí phát hành thẻ cao nhất là 100.000 đồng, còn phí thường niên để duy trì tài khoản nhiều nhất là 60.000 đồng một năm.

Câu chuyện về thu phí dịch vụ thẻ ATM này đã và đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận, đặc biệt với một bộ phận không nhỏ những người đã, đang và sẽ sử dụng ATM. Đáng chú ý, câu hỏi về chất lượng dịch vụ có đi liền với phí và tăng tiền có tăng trách nhiệm lại được đặt ra “nóng” hơn bao giờ hết.

Đồng tiền đi liền trách nhiệm?

Các ngân hàng lý giải phải thu để bù đắp chi phí hạ tầng và vận hành dịch vụ ATM, bởi họ đã chịu lỗ nhiều năm qua. Trong khi, từ phía người sử dụng, nhiều khách hàng phản ánh cơ sở hạ tầng của hệ thống ATM hiện nay chưa thỏa đáng nếu các ngân hàng đòi thu phí. Hơn nữa, bản thân các ngân hàng cũng hưởng lợi nhờ số dư trong tài khoản ATM (lãi suất thấp hơn rất nhiều so với lãi tiền gửi tiết kiệm). Thêm vào đó, chất lượng của dịch vụ ATM vẫn còn nhiều điều phải bàn cãi. Cộng với một bộ phận không nhỏ người sử dụng thẻ là người có thu nhập thấp. Việc mất quá nhiều phí khi giao dịch cũng tác động ít nhiều tới “túi tiền” và nguồn thu nhập chính đáng của họ.

 

 Biểu phí thu mới theo Thông tư 35


Số liệu từ Vụ Thanh toán (NHNN) chỉ rõ, tính đến hết tháng 11/2012, cả nước có trên 14.000 máy ATM và trên 51 triệu thẻ ATM. Như vậy, bình quân mỗi máy ATM đang phục vụ khoảng hơn 3.600 thẻ. Hiện tại, mỗi chủ thẻ đang phải chịu khá nhiều khoản phí như phí thường niên (thấp nhất là 50.000 đồng/năm), phí rút tiền ngoại mạng, phí chuyển khoản nội mạng, phí cấp mật mã, phí tra soát, phí trả thẻ bị nuốt, phí thanh toán hàng hóa, dịch vụ… Một số loại phí mà các chủ thẻ ATM có thể phải chịu như: Phí phát hành lần đầu, khoảng 100.000 đồng; phí phát hành thay thế thẻ hết hạn từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng; phí dịch vụ phát hành nhanh (nếu khách hàng yêu cầu) 200.000 đồng/lần; phí thường niên (thu theo năm, căn cứ thời hạn hiệu lực thẻ) 50.000 đồng/năm; phí cấp lại PIN 30.000 đồng; phí tra soát khiếu nại (nếu chủ thẻ khiếu nại không đúng) 80.000 đồng; phí rút tiền tại ATM của ngân hàng khác 5.400 đồng/giao dịch; phí giao dịch “khác” (không bao gồm giao dịch hỏi PIN) tại ATM của ngân hàng khác là 3.000 đồng/giao dịch; phí cấp bản sao hóa đơn giao dịch là 80.000 đồng/hóa đơn… Tất cả các mức phí trên đều chưa cộng thuế GTGT 10%. Điều này chứng tỏ các ngân hàng vẫn đang có một khoản khá lớn liên quan tới dịch vụ ATM hiện nay.

Trước những phản ứng của khách hàng, phía ngân hàng cho rằng, chuyện thu phí rút tiền mặt kể từ 1/3 tới là nhằm bù đắp phần nào chi phí đầu tư cho máy móc, thiết bị, hạ tầng mạng cũng như chi phí quản lý. Nhiều ngân hàng cho biết, hoạt động kinh doanh thẻ, nhất là những ngân hàng với mạng lưới ATM lớn thường là thu không đủ bù chi. Bởi hiện tại, giao dịch ATM chủ yếu là rút tiền với khối lượng lớn (trên 1 triệu giao dịch/ ngày), chiếm tỷ trọng cao (trên 70% tổng lượng giao dịch ATM). Thời gian khách hàng để tiền trong tài khoản thẻ tương đối ngắn, nên chi phí cho công tác tiếp quỹ, bảo trì, bảo dưỡng, thay thế vật tư hao mòn và tiền mặt tồn quỹ duy trì hoạt động của hệ thống ATM là rất lớn. Số liệu báo cáo của các ngân hàng thương mại cho thấy, chi phí để đảm bảo hoạt động cho toàn bộ hệ thống ATM của các ngân hàng tại Việt Nam là hơn 3.700 tỷ đồng/năm, gồm: Chi phí khấu hao, bảo dưỡng, bảo trì ATM, thuê địa điểm, đường truyền... Chi phí bình quân mỗi giao dịch tại ATM từ 8.400 - 9.200 đồng/giao dịch. Do đó, trong thời gian qua, cũng có các ngân hàng đề xuất mức thu phí 5.000 - 6.000 đồng/giao dịch rút tiền ATM.

Trao đổi với báo chí, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Bùi Quang Tiên cho biết, để tạo dựng và duy trì hoạt động hệ thống ATM, các ngân hàng phải chịu rất nhiều chi phí khác nhau: Mua sắm, lắp đặt ATM và các thiết bị phụ trợ đi kèm (buồng đặt máy, ca-mê-ra giám sát, điều hòa không khí, hệ thống điện, và nhất là các chi phí nhằm bảo vệ an toàn cho ATM và bảo mật dữ liệu cho khách hàng...); thuê bảo trì, bảo dưỡng ATM định kỳ; mua phần mềm và đầu tư hệ thống máy chủ, máy trạm phục vụ công tác quản lý và thực hiện dịch vụ thẻ; thuê địa điểm đặt ATM, đường truyền viễn thông; chi phí xe cộ, nhân công áp tải tiền để thường xuyên thực hiện việc tiếp quỹ cho các ATM.

Vụ trưởng Bùi Quang Tiên cũng lý giải, việc hiểu các ngân hàng được hưởng lợi lớn từ tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp của chủ thẻ là chưa đúng với thực tế, bởi vì, các ngân hàng cũng phải để một lượng tiền mặt lớn tại các máy ATM và cần dự trữ một lượng tiền lớn nữa để phục vụ thường xuyên công tác vận chuyển, tiếp quỹ ATM. Cho nên, số tiền mà ngân hàng thương mại có thể sử dụng được để cho vay lấy lãi chỉ còn là một phần rất nhỏ trên tổng số dư tiền gửi của chủ thẻ. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng đã cung cấp tiện ích trên ATM cho khách hàng có thể chuyển một phần tiền gửi không kỳ hạn thành tiền gửi có kỳ hạn với lãi suất thị trường.

 

 Việc gặp phải những trục trặc như thế này vẫn thường xảy ra (Ảnh: V.Hải)


Cần thiết phải thu phí ATM

Theo các chuyên gia, điểm tích cực, dễ nhận thấy nhất của Thông tư 35 của NHNN quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa là hài hòa lợi ích các bên liên quan nhằm duy trì, nâng cao chất lượng dịch vụ thẻ và hướng tới lợi ích tổng thể của toàn xã hội. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên về việc thu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa của ngân hàng phát hành thẻ đối với chủ thẻ, đặc biệt là một số loại giao dịch thực hiện tại máy rút tiền tự động (ATM). Không chỉ đưa ra quy định về các mức phí mà ngân hàng phát hành thẻ được áp dụng, NHNN còn có những quy định nhằm điều tiết, giám sát tốt hơn quá trình thu phí thẻ nội địa của các ngân hàng.

NHNN yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ công khai biểu phí trước khi áp dụng, đồng thời phổ biến, hướng dẫn khách hàng về dịch vụ thẻ, quy trình sử dụng thẻ, biểu phí hiện hành... để người dân có thể hiểu một cách đầy đủ, và tránh những hiểu lầm về chính sách.

NHNN yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ giải đáp, xử lý kịp thời thắc mắc, khiếu nại hoặc sự cố kỹ thuật cho chủ thẻ. Không những vậy, nếu giao dịch thẻ không thành công, tổ chức phát hành thẻ phải hoàn trả số tiền giao dịch đã thu cho chủ thẻ. Thậm chí trong trường hợp nếu khách hàng bị thiệt hại do lỗi của tổ chức phát hành thẻ thì tổ chức phát hành thẻ phải bồi thường thiệt hại cho chủ thẻ. NHNN cũng quán triệt là các tổ chức phát hành thẻ không được thu thêm phí ngoài biểu phí dịch vụ thẻ đã ban hành.

Việc thu phí cũng chủ yếu “ đánh” vào phí rút tiền mặt; cộng thêm yêu cầu của NHNN là đơn vị chấp nhận thẻ không được thu phí giao dịch POS... thì việc thu phí ATM sẽ đảm bảo sự ổn định trong cung ứng và sử dụng dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, đồng thời góp phần dịch chuyển, định hướng lại hành vi, thói quen sử dụng tiền mặt sang thanh toán thẻ, thanh toán điện tử.

 

 Chen chúc xếp hàng đến lượt rút tiền (Ảnh: V. Lâm)



Vẫn còn bất cập...

Theo biểu phí mới quy định, mỗi lần rút tiền ATM nội mạng, người dùng phải trả tối đa 1.000 đồng. Truy vấn số dư và in sao kê, khách hàng phải mất thêm 1.000 đồng nữa. Về quy định này, nhiều người có thu nhập thấp chia sẻ. Trong đó, một công nhân tại Bình Dương cho biết, với mức thu nhập 2,9 triệu đồng một tháng mà phải trả nhiều loại phí mỗi khi rút tiền như vậy, thì chắc chắn sẽ rút toàn bộ lương về nhà. Trong khi đó, một số cán bộ hưu trí ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội cho rằng, tiền của mình trong thẻ cũng là một hình thức cho ngân hàng vay với lãi suất gần như là 0% rồi, vậy mà lại còn bị tính phí khi rút tiền. Dẫu biết việc thu phí giao dịch để tái đầu tư cho hệ thống là hoàn toàn cần thiết nhưng theo kiến nghị của người dân, trong bối cảnh hiện nay, cần phải có cơ chế khuyến khích dịch vụ thanh toán qua ATM phát triển và trở thành nhu cầu chính đáng của người dân để họ sẵn sàng “chia sẻ” việc ngân hàng thu phí.
 
Rõ ràng, việc trả lương qua thẻ ATM nhằm giảm nền kinh tế tiền mặt sang các hình thức thanh toán qua ngân hàng vừa hướng đến sự văn minh hiện đại vừa đảm bảo an toàn, bảo mật, góp phần kiểm soát được thu nhập, hạn chế tiêu cực... Tuy vậy, hiện nay, dịch vụ ATM tại các ngân hàng còn khá nhiều yếu kém như: nhiều trường hợp bị lỗi hệ thống, máy hết tiền, máy hỏng, nuốt thẻ... Mặc dù, quy định thu phí ATM của NHNN không gây khó khăn nhiều cho người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình khá trở lên, nhưng nó tác động khá mạnh đến những người có thu nhập thấp. Đồng quan điểm này, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, thu phí ATM từ những người thu nhập thấp là chưa thỏa đáng. Bởi có những công nhân mỗi tuần chỉ dám rút 100.000 đồng đến 200.000 đồng mỗi lần để chi tiêu, thì số phí phải trả hàng tháng sẽ rất lớn với thu nhập của họ.

Công bằng mà nói, hiện nay, vẫn còn các lỗi giao dịch tại các máy ATM. Việc xử lý giao dịch và trợ giúp khách hàng còn khá chậm chạp. Do đó, để khách hàng đồng tình và hưởng ứng với việc nộp phí ATM, cùng với những quy định chặt chẽ trong Thông tư như đã phân tích ở trên, hơn bao giờ hết, cần một cơ chế giám sát hiệu quả và chế tài xử lý nghiêm minh, đặc biệt là tăng trách nhiệm của các ngân hàng đối với người dân về chất lượng dịch vụ ATM trong trường hợp các giao dịch ATM bị trục trặc, gây thiệt hại cho khách./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực