Vĩnh Long: Tập trung đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn

Thứ sáu, 18/05/2012 16:41

Thực hiện mục tiêu điều chỉnh cơ cấu đầu tư tín dụng, năm 2012 các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long tập trung nguồn vốn cho vay các chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn trong đó đẩy mạnh đầu tư nguồn vốn trung và dài hạn hỗ trợ nguồn vốn xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, thủy sản, phát triển công nghiệp chế biến nông – thủy sản và đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới.

Đến giữa tháng 5/2012, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thực hiện doanh số cho vay trên 3.000 tỷ đồng đầu tư lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2011, dư nợ cho vay các chương trình tín dụng đầu tư nông nghiệp nông thôn đạt 6.662,7 tỷ đồng. So với đầu năm, dư nợ cho vay các chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn tăng 13,89% và chiếm tỷ trọng 48,7% trong cơ cấu tổng dư nợ cho vay.

Năm nay, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn Vĩnh Long tiếp tục đẩy mạnh cho vay các doanh nghiệp thực hiện mua lúa hàng hóa trong dân, đảm bảo đầu ra cho nông sản với giá cả ổn định, hỗ trợ phát triển các ngành nghề nông thôn như sơ chế nấm rơm, sơ chế cói, phát triển nghề đan đát, chế biến thực phẩm, xay xát lương thực và các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông, trạm điện… góp phần hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng nông thôn mới. Ngân hàng ưu tiên đầu tư hỗ trợ vốn các dự án sản xuất cây trồng vật nuôi chất lượng cao phục vụ xuất khẩu theo quy họach phân vùng sản xuất của ngành nông nghiệp như đầu tư vùng sản xuất lúa chất lượng cao huyện Trà Ôn, Tam Bình, các mô hình chăn nuôi lợn trang trại quy mô lớn, chăn nuôi gà theo hướng tập trung, an toàn sinh học ở huyện Mang Thít, đầu tư hỗ trợ vốn phát triển diện tích chuyên canh rau màu ở huyện Long Hồ, Bình Tân.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, lãi suất cho vay hiện nay giảm từ 1,5 – 2,5% so với đầu năm, trong đó riêng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại nhà nước đối với các lĩnh vực ưu đãi như chế biến nông sản, hỗ trợ phát triển làng nghề từ 14,5 – 17,5%. Cùng với tăng cường các biện pháp huy động vốn tại chỗ bằng các hình thức cạnh tranh lành mạnh và tranh thủ các nguồn vốn điều hòa từ hội sở để đáp ứng nhu cầu cho vay phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát, điều chỉnh kéo giảm dư nợ cho vay các lĩnh vực phi sản xuất và cho vay tiêu dùng chiếm 13,2% trên tổng dư nợ, giảm gần 2% so với đầu năm để tập trung nguồn vốn cho vay sản xuất và phát triển nông nghiệp nông thôn./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực