Trái phiếu Chính phủ và chính quyền địa phương - Kênh thu hút nguồn lực kiều bào hiện nay

Thứ tư, 22/02/2023 16:30
(ĐCSVN) - Phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương và các dự án trọng điểm là một trong những kênh huy động vốn hiệu quả của Nhà nước và các tỉnh, thành phố.
Ảnh minh họa.  

Năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng, năm tăng tốc và tạo đà phát triển cho hai năm còn lại của nhiệm kỳ Đại hội Đảng các cấp và để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/01/2023 của Chính phủ  “Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023”, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ giải pháp ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hơn bao giờ hết ngoài sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước, địa phương, thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, Nhà nước và các địa phương cần thu hút nguồn “kiều hối” của kiều bào gửi về thực hiện các dự án trọng điểm, như các công trình giao thông, bệnh viện, trường học...

Theo số liệu của WB và KNOMAD, tổng lượng kiều hối về Việt Nam tăng trưởng gần 5% trong năm 2022 và từ 3,6 - 4,5% trong năm tiếp theo, sau khi ghi nhận mức tăng 5% trong năm 2021, chiếm khoảng 48% tổng thu ngân sách nội địa. Mức tăng này tương đương khoảng 1 tỷ USD và đạt gần 19 tỷ USD, nằm trong top 3 quốc gia nhận tiền kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thuộc top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối. Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều không chỉ giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam, giúp ngành ngân hàng tăng dự trữ ngoại hối.

Phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương và các dự án trọng điểm là một trong những kênh huy động vốn hiệu quả của Nhà nước và các tỉnh, thành phố trong các năm qua nhằm nhằm huy động vốn cho ngân sách Nhà nước hoặc các chương trình, dự án thuộc phạm vi đầu tư của Nhà nước; cân đối nguồn vốn cho nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của địa phương. 

Năm 2023, Kho bạc Nhà nước có kế hoạch đấu thầu 400.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội bao gồm cả khối lượng phát hành cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Quá trình thực hiện có thể sẽ có điều chỉnh khối lượng phát hành các kỳ hạn trái phiếu phù hợp với tình hình thị trường và nhu cầu sử dụng vốn của ngân sách Nhà nước, tình hình thu và tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ngân sách trung ương. Điều hành lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ phù hợp với định hướng điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ của Chính phủ; phát hành đa dạng các loại kỳ hạn, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư để thúc đẩy thanh khoản của thị trường trái phiếu Chính phủ, tăng khả năng huy động vốn cho ngân sách và hỗ trợ phát triển thị trường vốn.

Để triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, công trình trọng điểm của Nhà nước và các địa phương trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Chính phủ và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần phát hành trái phiếu Chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương, trong đó mở rộng đối tượng mua trái phiếu là kiều bào đang sinh sống tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài không những mở ra một kênh huy động vốn mới, góp phần đáng kể trong việc huy động vốn cho đầu tư phát triển, khắc phục một số hạn chế trong việc huy động tín dụng từ các ngân hàng...mà còn có ý nghĩa lớn về mặt thực hiện chủ trương thu hút hiệu quả nguồn lực của kiều bào trong xây dựng và phát triển đất nước và các địa phương. 

Để thu hút được kiều bào tham gia mua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, cần thực hiện các giải pháp vĩ mô hỗ trợ việc phát hành trái phiếu thành công bao gồm:

Một là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống về chủ trương của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án, công trình trọng điểm. Quá trình phát hành phải nêu rõ mục đích phát hành trái phiếu, các thông tin về các dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu, tình hình và kế hoạch triển khai thực hiện các dự án này; khối lượng, kỳ hạn, lãi suất, phương thức và kế hoạch phát hành trái phiếu cũng như phương án sử dụng nguồn vốn huy động từ trái phiếu, phương án bố trí nguồn vốn thanh toán lãi, gốc trái phiếu hằng năm và đến hạn... Tập trung tuyên truyền về những ưu điểm của loại trái phiếu này (Mức độ rủi ro thấp, được đảm bảo mức độ tin cậy bởi uy tín của Nhà nước, địa phương, cụ thể là ngân sách Nhà nước, được niêm yết công khai, cập nhật liên tục, hằng ngày trên Cổng thông tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán, dễ dàng nắm bắt được, Nhà đầu tư không phải chịu mức thuế thu nhập cá nhân từ khoản lợi nhuận thu được từ trái phiếu, có thể thực hiện cầm cố trái phiếu, chuyển nhượng qua các sàn giao dịch, các tổ chức tài chính, ngân hàng); thông tin đầy đủ  về cơ cấu nợ, nhu cầu cấp vốn và chiến lược quản lý nợ, bao gồm lịch phát hành, lịch thanh toán, mô tả trái phiếu đang lưu hành, lịch mở lại và hoạt động mua lại, số dư tiền mặt của đơn vị phát hành để các đối tượng tham gia đấu thầu, mua trái phiếu, đặc biệt là kiều bào hiểu rõ, an tâm khi đầu tư vào “kênh” trái phiếu này.

Hai là, thị trường trái phiếu cần đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời và tăng cường hiệu quả. Xây dựng chiến lược phát hành dựa trên yêu cầu huy động vốn và thời gian, công cụ và phương thức phát hành phù hợp, nhà đầu tư mục tiêu và mức độ tiếp cận thị trường của các nhóm nhà đầu tư khác nhau. Đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu (có kỳ hạn, mệnh giá khác nhau, bằng cả tiền Việt Nam và USD...) mới phù hợp với sự phát triển của thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư như trái phiếu xanh, trái phiếu có lãi suất thả nổi, trái phiếu có gốc, lãi được giao dịch tách biệt, trái phiếu gắn với biên độ trượt giá xã hội...Lãi suất trái phiếu cho từng đợt phát hành linh hoạt theo thị trường. Điều hành lãi suất phát hành trái phiếu theo hướng tiệm cận lãi suất thị trường đảm bảo duy trì sự ổn định của thị trường trái phiếu, phù hợp với định hướng điều hành lãi suất của Ngân hàng nhà nước. 

Ba là, phải đơn giản, giảm thiểu các điều kiện, quy trình để kiều bào đầu tư vào trái phiếu. Chủ động cung cấp công cụ hỗ trợ rủi ro tỷ giá đối với nhà đầu tư kiều bào. Các nhà đầu tư ở nước ngoài sẽ quan tâm đến rủi ro tỷ giá khi đầu tư vào loại trái phiếu này. Thị trường ngoại hối và thị trường phái sinh bổ sung cho thị trường trái phiếu thành phố cần được mở rộng đối tượng tham gia, bằng cách cho phép các nhà đầu tư kiều bào tham gia vào các thị trường này, đồng thời kiểm soát rủi ro tiền tệ. Các công ty bảo hiểm bán bảo hiểm cho nhà đầu tư mua bảo hiểm giá trị trái phiếu chương trình, dự án, công trình. Thực hiện hỗ trợ thanh khoản cho các nhà đầu tư đảm bảo đúng, đủ, kịp thời.

Bốn là, thị trường thứ cấp và trung gian. Việc phát triển một thị trường thứ cấp năng động và thanh khoản tốt sẽ tạo ra sức hút lớn với kiều bào, nhưng cũng đòi hỏi phải có đủ các trung gian thị trường và các nhà đầu tư tổ chức với động cơ đa dạng để đầu tư, và các công cụ thích hợp sử dụng cơ chế giao dịch khác nhau. Các cơ chế giao dịch không chỉ bao gồm các bước giao dịch được tiêu chuẩn hóa, mà còn bao gồm thanh toán bù trừ, giám sát thị trường hiệu quả và bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài.

Năm là, xem xét ưu đãi thuế. Về nguyên tắc, một khuôn khổ đánh thuế thu nhập phải tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các công cụ tiết kiệm và đầu tư. Việc xem xét ưu đãi thuế cần phải tính đến tác động của không chỉ các loại thuế đối với các hình thức thu nhập từ trái phiếu cụ thể như thu nhập lãi, mà còn cả thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp. Ưu đãi thuế sẽ tạo thêm động lực cho các nhà đầu tư khi cân nhắc lựa chọn mua trái phiếu chính quyền địa phương.

Sáu là, Tăng cường nghiên cứu, học tập kinh nghiệm đẩy mạnh phát triển thị trường vốn của các quốc gia trên thế giới, đó là huy động vốn qua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương nhằm thu hút các tổ chức tín dụng nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh và phát triển thị trường.

Trong những năm qua, nhiều quốc gia trên thế giới rất thành công trong phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu xanh… thu hút vốn đầu tư phát triển đất nước. Điển hình là Nhật, Trung Quốc, Singapore, Malaysia… Để đạt được những kết quả khả quan trong thu hút vốn đầu tư, tạo động lực quan trọng để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Malaysia đã thực hiện các chính sách “nới lỏng” để tạo tính thanh khoản trên thị trường vốn; thực hiện chính sách bảo hiểm cho các trái phiếu chính phủ; triển khai hệ thống thanh toán điện tử theo thời gian thực nhằm tăng tính hiệu quả của việc thanh toán và giảm rủi ro khi thanh toán. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, muốn trái phiếu xanh phát triển mạnh mẽ cần phải đảm bảo được các nội dung sau: (1.) Nâng cao nhận thức về môi trường trong toàn xã hội. (2.) Xây dựng cơ sở hành lang pháp lý; (3.) Ban hành những chính sách ưu đãi. (4.) Phát triển trái phiếu xanh cả ở thị trường trong nước và nước ngoài, trong đó, tập trung phát triển thị trường trái phiếu xanh trong nước. Việc được phép giao dịch trên thị trường chứng khoán quốc tế cũng như thị trường tài chính trong nước đã tạo ra thị trường rộng lớn cho trái phiếu xanh Trung Quốc phát triển. 

Việc thu hút nguồn lực kiều bào trong thực hiện các chương trình, công trình, dự án trọng điểm của nhà nước và các địa phương thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương là một kênh mới, cách làm mới mang tính đột phá nhằm thu hút, phát huy hiệu quả nguồn kiều hối, góp phần thực hiện tốt Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ “Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023”, góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước phát triển bền vững./.

Peter Hồng, Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam,
Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội
Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực