Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

Thứ hai, 30/09/2019 14:07
(ĐCSVN) - Tại cuộc mít tinh của hàng chục vạn nhân dân ở vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập do Người khởi thảo, được Ban Thường vụ Trung ương Đảng đóng góp ý kiến và nhất trí thông qua.

Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng một chân lý vĩnh cửu và phổ biến: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được".

Tiếp đó, Tuyên ngôn Độc lập tố cáo và lên án những tội ác của thực dân Pháp. Chúng đã "lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”, thực hiện một chính sách cực kỳ phản động trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội... Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp đã quỳ gối đầu hàng, không "bảo hộ" cho ta mà “bán nước ta cho Nhật. Từ đó, dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ nghèo nàn. Sau ngày 9-3-1945, thực dân Pháp thua chạy, dã man và hèn hạ hơn nữa, "chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng".

 

Tuyên ngôn độc lập - Bản được lưu hành ở Hà Nội ngay sau ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu

 

Tuyên ngôn Độc lập nêu cao tinh thần khoan hồng và nhân đạo của nhân dân ta, giương cao ngọn cờ chính nghĩa và chính sách đúng đắn của Mặt trận Việt Minh như cứu người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, bảo vệ tính mạng, tài sản cho họ... sau ngày 9-3-1945.

Sau khi phân tích tình hình nước ta từ mùa thu năm 1940 đến khi nhân dân ta nổi dậy giành chính quyền, bản Tuyên ngôn Độc lập nhấn mạnh: "Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hoà".

Bản Tuyên ngôn Độc lập trịnh trọng tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời; thủ tiêu hoàn toàn chính quyền thực dân, phong kiến, khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam trước toàn thể nhân dân Việt Nam và toàn thế giới. "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít Nhật mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập.

Tuyên ngôn Độc lập khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".

Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử có giá trị tư tưởng và ý nghĩa thực tiễn rất sâu sắc. Tuyên ngôn Độc lập là sự phát triển đến đỉnh cao của tư tưởng độc lập tự do đã được thể hiện trong bản “yêu sách" gửi Hội nghị Vécxai, trong "Đường Kách mệnh", trong "Chính cương vắn tắt”, trong "Luận cương chính trị", trong các văn kiện khác của Đảng cũng như của Mật trận Việt Minh.

Bản Tuyên ngôn Độc lập là sự kế thừa và phát triển những tư tưởng yêu nước, tự lực, tự cường đã nảy sinh và phát triển từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam.

Tuyên ngôn Độc lập là kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng thiết tha nhất của nhân dân Việt Nam, là biểu hiện hùng hồn khí phách bản lĩnh kiên cường ý chí bất khuất của dân tộc ta. "Bản Tuyên ngôn Độc lập là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường.

Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam (...). Nó chấm dứt thể chế quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức. Nó mở ra một kỷ nguyên mới dân chủ, cộng hoà".

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.3, tr. 555-557.

- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 107-109.

- Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Cách mạng Tháng Tám 1945, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1945, tr. 241- 245

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực