Tư tưởng đoàn kết quốc tế Hồ Chí Minh và sự vận dụng sáng tạo của Đảng ta

Thứ sáu, 15/05/2015 16:48

(ĐCSVN) Đoàn kết và đoàn kết quốc tế là những giá trị sâu sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh và đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Khu Công nghiệp Dầu khí Bacu - Azerbaijan ngày 23/7/1959
(Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)


Ra đi tìm đường cứu nước, bôn ba trên hành trình tìm đến tư tưởng giải phóng loài người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa của tình đoàn kết quốc tế. Tư tưởng đoàn kết quốc tế ấy được khái quát rất súc tích:

"Quan sơn muôn dặm một nhà
Vì trong bốn biển đều là anh em"(1).

Từ những bài báo đầu tiên viết vào những năm đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã lên án sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân thông qua việc miêu tả chân thực hiện thực xã hội bất công ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Người kêu gọi lương tri, khơi dậy chủ nghĩa nhân đạo trong người dân chính quốc. Người bày tỏ mong muốn: "Nhân dân An Nam trông cậy vào chính nghĩa thế giới... đặc biệt tin vào lòng rộng lượng của nhân dân Pháp cao cả... vì nhân dân An Nam biết rằng, nhân dân Pháp đại biểu cho tự do và công lý, và không bao giờ từ bỏ lý tưởng cao cả của mình là tình bác ái toàn thế giới"(2).

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ Hai đã kết thúc. Tuy nhiên, mâu thuẫn chính trị trên thế giới vẫn rất căng thẳng, nhiều quốc gia vẫn chưa giành được độc lập, hận thù và áp bức còn tồn tại. Với tư cách là người đứng đầu một quốc gia dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những nguyên lý cơ bản nhất để xây dựng đất nước hùng mạnh: "Chúng tôi cần có tư bản, trí thức và lao động... chúng tôi rất hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước cộng tác thật thà với chúng tôi"(3).

Trong những năm tháng đất nước ta tiến hành cuộc chiến tranh chính nghĩa giành độc lập dân tộc, Người đã có ý định mời những nhà chuyên môn, trí thức từ các nước, trong đó có: Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc đến Việt Nam, giúp đỡ nhân dân ta xây dựng đất nước. Năm 1946, thực dân Pháp gây hấn, quay trở lại với ý định nô dịch nhân dân ta một lần nữa. Trong tình thế "nước sôi, lửa bỏng", Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành hơn 3 tháng sang Pháp, gặp gỡ Chính phủ, Quốc hội, các đảng phái, tổ chức chính trị, mọi tầng lớp nhân dân Pháp để tìm kiếm một giải pháp tránh một cuộc chiến tranh giữa hai dân tộc. Tuy nhiên, mọi nỗ lực tìm kiếm hòa bình, thân thiện của Chủ tịch Hồ Chí Minh không được giới cầm quyền ở Pháp khi đó đáp lại và cuộc chiến tranh trở lại xâm lược Việt Nam đã xảy ra.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam cho rằng, mọi tranh chấp trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hòa bình; rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hòa bình và cùng nhau mưu cầu hạnh phúc.

Chỉ có thể xuất phát từ tinh thần đoàn kết quốc tế, không phân biệt chế độ chính trị, điều kiện kinh tế mới có thể đề ra những tư tưởng có tính cách mạng như vậy. Lịch sử đã chứng minh sự đúng đắn có tính nguyên lý của những tư tưởng cách mạng đó.

Khi đế quốc Mỹ thay thực dân Pháp trở thành kẻ xâm lược nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên tục gửi thư đến Tổng thống, lãnh đạo cao cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân Mỹ, với lời lẽ chân thành, mong muốn không để chiến tranh "chết chóc và hủy diệt" cho đất nước Việt Nam. Trong thư gửi Tổng thống Mỹ, Người nêu rõ: "Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ". Trong buổi trả lời phỏng vấn của các nhà báo, nhân sĩ, trí thức ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn mời Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam hoặc Người sẵn sàng sang Mỹ để cùng nhau giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam. Người là một trong số rất ít các vị nguyên thủ quốc gia gửi thư tới nhân dân đất nước đang đối địch và xâm lược nước mình.

Để góp phần vào sự nghiệp hòa bình thế giới, xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, mong sánh vai cùng các cường quốc năm châu bốn biển, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng, đề cao tình đoàn kết quốc tế. Người khẳng định một chân lý thời đại: "Tả khuynh thì sẽ bị cô lập, sẽ xa rời nhân dân ta và nhân dân thế giới và sẽ thất bại"(4). Lời nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nguyên giá trị và càng sáng tỏ trong hôm nay: "Việt Nam là một bộ phận của thế giới, cũng không thể đi ngược dòng lịch sử được"(5).

Năm 1923, một nhà thơ Nga, sau một lần gặp gỡ với ngưới thanh niên yêu nước Nguyễn ái Quốc, đã nhận định về Người: "Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa... mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai... chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới"(6).

Tư tưởng đoàn kết và đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng ta phát huy và vận dụng sáng tạo trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Trong gần 30 năm đổi mới, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, từ tuyên bố “muốn là bạn” (Đại hội Đảng lần thứ VII), “sẵn sàng là bạn” (Đại hội Đảng lần thứ VIII), “là bạn và đối tác tin cậy” (Đại hội Đảng lần thứ IX) đến Đại hội Đảng lần thứ XI, Đảng ta khẳng định: Việt Nam là “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Tinh thần đoàn kết quốc tế, huy động tối đa sức mạnh toàn dân tộc kết hợp sức mạnh thời đại để “bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển” (Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI).

Cũng trong những năm đổi mới, tư tưởng đoàn kết quốc tế Hồ Chí Minh đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo vào việc xây dựng đường lối đối ngoại độc lập tự chủ. Với phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Đảng ta đã chuyển từ chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác” được thông qua tại Đại hội X sang “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” tại Đại hội lần thứ XI. Với chủ trương này, hội nhập quốc tế không còn bó hẹp trong lĩnh vực kinh tế mà mở rộng ra tất cả các lĩnh vực khác.

Chính nhờ sự vận dụng sáng tạo đó mà ngày nay, Việt Nam trở thành một trong những nhân tố quan trọng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giữ gìn hòa bình thế giới. Sức mạnh Việt Nam được nhân lên gấp bội trong tình đoàn kết quốc tế, luôn tận tâm, tận lực phấn đấu vì một thế giới hòa bình, tiến bộ xã hội trong tâm thế "bốn biển đều là anh em"./.
---------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2000, t 8, tr 362
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t 1, tr 436,
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t 5, tr 156'
(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t 7 tr 318
(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t 3 tr 456
(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t 1, tr 478, 479

Nguyễn Vũ Cân 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực