Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Thứ tư, 10/12/2014 05:27

(ĐCSVN) - Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc, là ngọn cờ dẫn dắt sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, trong đó tư tưởng của Người về chủ nghĩa xã hội là một bộ phận hết sức quan trọng, thể hiện một trí tuệ mẫn tiệp, một tầm nhìn vượt thời đại, và trên hết là một tấm lòng luôn luôn hướng về nhân dân, về đất nước.

Bác Hồ với bà con nông dân (Ảnh tư liệu) 


Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh được xây dựng trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về con người và giải phóng con người; là sự kế thừa, phát triển truyền thống nhân ái, khoan dung hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, kết hợp với chủ nghĩa nhân đạo trong các nền văn minh phương Đông và phương Tây.

1. Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là đem lại độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân

Là kết quả của cả một quá trình trăn trở, suy ngẫm trong hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Người qua nhiều nước trên thế giới, tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thể hiện ngay trong những lời đầu tiên của bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”[1].

Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh xét về bản chất là tư tưởng nhân đạo cộng sản cao cả nhằm mục tiêu giải phóng con người, trước hết là giải phóng những người lao động khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, bất công. Nhưng muốn giải phóng được người lao động, trước hết theo Hồ Chí Minh, phải giải phóng dân tộc. Dân tộc có được độc lập thì mới có cơ sở, điều kiện để mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân, tức là mới có điều kiện, cơ sở để giải phóng được nhân dân lao động khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, bất công trên thực tế. Chính vì vậy, tất cả ý nghĩa cuộc sống đối với Hồ Chí Minh đó là cứu nước, giải phóng dân tộc, cứu đồng bào bị đoạ đầy, đau khổ. Người coi đấy là lẽ sống thiêng liêng nhất. Cả cuộc đời, Người “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[2]. Độc lập, tự do trở thành bản chất cao quý trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, trở thành ngọn cờ chiến đấu và mục tiêu suốt đời hy sinh cống hiến của Người. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[3]. Việc đề ra các quyền cơ bản của các dân tộc và gắn chặt quyền con người với độc lập dân tộc, quyền tự quyết dân tộc là một cống hiến lý luận to lớn của Hồ Chí Minh vào kho tàng tư tưởng nhân quyền của nhân loại.

Tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh mang đậm tính nhân dân, tính nhân bản. Nó hướng tới việc tìm con đường thật sự cách mạng và khoa học, dẫn tới mục tiêu triệt để giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Sau khi nước nhà giành được độc lập, Người nhấn mạnh: “Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[4]. Gắn chặt tự do, độc lập với hạnh phúc của con người, của đại đa số nhân dân, gắn chặt cuộc đấu tranh giải phóng con người với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội làm nền tảng để bảo đảm triệt để các quyền con người, giải phóng con người là một tư tưởng cốt lõi xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Để thực hiện lý tưởng nhân văn đó, Hồ Chí Minh đã vạch ra con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội thì độc lập dân tộc mới bền vững, hạnh phúc tự do của nhân dân mới đạt được thực sự, người lao động mới được hoàn toàn giải phóng.

2. Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một xã hội thực hiện đầy đủ quyền tự do dân chủ, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân

Hồ Chí Minh kế thừa tư tưởng kiệt xuất của các anh hùng, hào kiệt của dân tộc như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi... về sức mạnh của nhân dân “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc”, “đẩy thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân”. Người còn kế thừa tư tưởng nhân văn, “quần chúng là lực lượng làm nên lịch sử” và “chủ nghĩa nhân đạo hiện thực” của chủ nghĩa Mác - Lênin, để hình thành tư tưởng nhân văn mới, tin tưởng mãnh liệt vào sức mạnh của quần chúng nhân dân và lòng tôn trọng, kính trọng nhân dân lao động. Hồ Chí Minh viết: “Chủ nghĩa xã hội là do quần chúng nhân dân tự mình xây dựng nên”[5] và “Đó là công trình tập thể của quần chúng lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng”[6]. Chủ nghĩa xã hội không phải là cái gì cao xa mà cụ thể là ý thức lao động tập thể, ý thức kỷ luật, tinh thần thi đua yêu nước, tăng gia sản xuất cho hợp tác xã, tăng thu nhập cho xã viên, tinh thần đoàn kết tương trợ, tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, không sợ khó, ý thức cần kiệm. Và chính nhân dân là chủ thể, là động lực của sự nghiệp vĩ đại đó.

Nét đặc biệt của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội là ở góc độ dân chủ, khi xác định nhiệm vụ của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân, Người đã nêu lên một nhiệm vụ rất quan trọng là: “Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân, để phát huy tính tích cực và sáng tạo của nhân dân, làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc Nhà nước”[7]. Muốn vậy, theo Hồ Chí Minh là phải giác ngộ nhân dân để họ ý thức được quyền làm chủ của mình. Người chỉ rõ: “Nhà nước ta ngày nay là của tất cả những người lao động. Vậy công nhân, nông dân, trí thức cách mạng cần nhận rõ rằng: “hiện nay, nhân dân lao động ta là những người làm chủ nước ta, chứ không phải là những người làm thuê cho giai cấp bóc lột như thời cũ nữa. Chúng ta có quyền và có đủ điều kiện để tự tay mình xây dựng đời sống tự do, hạnh phúc cho mình… Đã là người chủ Nhà nước thì phải chăm lo việc nước như chăm lo việc nhà… Đã là người chủ thì phải biết tự mình lo toan, gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ”[8].

Nước ta là nước dân chủ tức là “nhà nước ta là nhà nước dân chủ” và “xã hội ta là xã hội dân chủ”. Dân chủ tức là nhân dân là chủ thể của mọi “quyền hành và lực lượng”. Chính nhân dân là người kiến tạo nên chế độ xã hội mới xét trên tất cả các lĩnh vực. Đó là sự thể hiện quyền và trách nhiệm của nhân dân. Chế độ xã hội mới do dân tạo nên là một chế độ mà “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”. Như vậy, trong chế độ xã hội mới không có bất cứ chủ thể nào khác ngoài nhân dân. Chỉ có nhân dân đang tự giác ngộ, tự tổ chức, tự hành động vì lợi ích của chính mình. Tất nhiên, trong chế độ xã hội ấy có nhà nước, có đoàn thể,... nhưng tất cả đều là những công cụ của nhân dân, do nhân dân lập nên, vì lợi ích của nhân dân.

Nhân dân thực hiện quyền làm chủ nhà nước và xã hội thông qua các cơ quan nhà nước do nhân dân bầu ra, hoặc trực tiếp tham gia quản lý nhà nước và xã hội, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, bãi miễn những người không xứng đáng, kể cả những người làm việc trong Chính phủ. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ở nước ta chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm chủ. Nhân dân bầu ra Hội đồng nhân dân, Ủy ban kháng chiến hành chính địa phương, và Quốc hội cùng Chính phủ Trung ương. Trong các cuộc bầu cử, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, tôn giáo, mức tài sản, trình độ văn hóa, không phân biệt nòi giống đều có quyền tham gia. Đó là một cách rất hợp lý, để nhân dân lao động thực hành quyền thống trị của mình… Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy”[9].

Việc bầu ra bộ máy lập pháp thông qua phổ thông đầu phiếu, theo Hồ Chí Minh là thao tác đầu tiên để có nền dân chủ: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà... Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”[10]. Khi hết nhiệm kỳ, Chính phủ sẽ phải trao lại quyền cho nhân dân và nhân dân sẽ trao quyền ấy cho một Chính phủ ở nhiệm kỳ mới do dân “tuyển cử”. Quyền lực bộ máy nhà nước là do dân “bầu ra”, “ủy thác”, “trao quyền”... là sự khẳng định quyền lực thuộc về nhân dân. Người dùng khái niệm “ủy thác” để nói đến việc nhân dân trao một phần quyền lực của mình cho chính quyền. Quyền lực của nhà nước từ Trung ương đến địa phương, từ Chủ tịch nước đến cán bộ xã đều do nhân dân “ủy thác” và nhân sự “do dân bầu nên”.

Nhân dân có quyền bầu ra đại biểu của mình đồng thời cũng có quyền bãi miễn những đại biểu đó. Đây là biểu hiện quyền lực tối cao của nhân dân. Quyền lực đó được khẳng định trong thực tiễn làm cho Quốc hội nước ta xứng đáng là cơ quan đại diện quyền lực cao nhất của toàn dân. Hồ Chí Minh cho rằng: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”[11]. Ở mức độ cao hơn, theo Hồ Chí Minh, nếu không làm tròn nhiệm vụ của người đày tớ trung thành và tận tụy của nhân dân và “nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”[12]. Người chỉ ra rất cụ thể rằng: “Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân thì dân không cần đến nữa”[13].

Xây dựng chế độ mới - chế độ xã hội chủ nghĩa, theo Hồ Chí Minh, phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng vì xây dựng chủ nghĩa xã hội là một cuộc đấu tranh phức tạp, gian khổ và lâu dài. Nhân dân ta hãy đoàn kết chặt chẽ dựa trên nền tảng liên minh công nông, bền bỉ phấn đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, thì chúng ta nhất định thắng lợi. Đảng cộng sản, đội tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội là nhân tố quyết định đối với sự thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, Đảng không được “xa dân”, Đảng phải “lấy dân làm gốc”, Đảng phải thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. 

3. Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một xã hội dân giầu, nước mạnh, con người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có điều kiện phát triển mọi tiềm năng sáng tạo, được hưởng thụ các giá trị văn hoá

Đất nước giành được độc lập, dân tộc giành được tự do, nhiệm vụ trọng tâm của dân tộc Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là lôgic tất yếu của lý thuyết phát triển theo hướng nhân văn, vì chủ nghĩa xã hội là xã hội phù hợp nhất với bản chất con người, là xã hội tốt đẹp nhất mà loài người hằng vươn tới. Xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, theo Hồ Chí Minh, không phải là thứ chủ nghĩa xã hội cực đoan, hẹp hòi, vị kỷ của một giai cấp, một đảng phái nào. Mục tiêu và phương thức tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng không chỉ là chuyên chính, phá bỏ, cũng không phải là một cái gì đó mơ hồ, không tưởng mà đó là chủ nghĩa xã hội hiện thực, cụ thể gắn liền với đặc điểm lịch sử, truyền thống văn hoá và bản sắc dân tộc. Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam theo Hồ Chí Minh là một xã hội mới công bằng, tốt đẹp nhằm mục tiêu cụ thể là: “Làm sao cho nhân dân được đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động thì được nghỉ... Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt”[14]. Để đạt được mục tiêu đó, Hồ Chí Minh đã đề ra một loạt biện pháp thực hiện. Có biện pháp trực tiếp và gián tiếp, có biện pháp chung và cụ thể, có biện pháp thuộc các lĩnh vực kinh tế khác nhau, có biện pháp hiện đại, có biện pháp truyền thống. Chính sự phong phú đó cho ta thấy sự tìm tòi, tận dụng mọi cơ hội để hướng tới mục tiêu, để hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”.

Theo Hồ Chí Minh, xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ bảo đảm cho mỗi cá nhân phát triển lành mạnh nhân cách của mình trong sự hài hòa giữa cá nhân và xã hội. Xã hội tôn trọng mọi cá nhân, đồng thời cá nhân biết đề cao lợi ích xã hội, có thể hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung khi xã hội cần đến. Người nói: “Lợi ích cá nhân là nằm trong lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể. Lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để được thỏa mãn… Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể”[15]. Đây là trình độ phát triển cao của xã hội xã hội chủ nghĩa. Bản chất đó thuộc về chủ nghĩa xã hội. Nhìn nhận bản chất quan trọng này, Hồ Chí Minh đưa ra một quan niệm, chủ nghĩa xã hội là xã hội trong đó mình vì mọi người và mọi người vì mình. Do đó, một trong những nét nổi bật của con người mới xã hội chủ nghĩa là phải đạt tới trình độ phát triển cao về đạo đức, về nhân cách, đủ sức chiến thắng chủ nghĩa cá nhân. Xã hội xã hội chủ nghĩa vừa đòi hỏi, vừa tạo ra những con người như thế, và chăm lo giáo dục, phát triển con người là chiến lược quan trọng bậc nhất của chủ nghĩa xã hội.

Đáng chú ý là, mặc dù rất chú trọng nhân tố đạo đức trong sự phát triển của chủ nghĩa xã hội và coi đạo đức xã hội chủ nghĩa là thuộc về bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội, song Hồ Chí Minh không bao giờ xem đạo đức là hiện tượng thuần túy tinh thần, ở bên ngoài các tác nhân khác, gây nên sự chia cắt, đối lập siêu hình giữa kinh tế với đạo đức. Trong hoàn cảnh đời sống vật chất còn rất nhiều khó khăn, Người vẫn quan tâm xây dựng đời sống văn hoá, phát triển khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, Người rất quan tâm tới xây dựng và phát triển đời sống tinh thần của nhân dân. Theo Người, giá trị thiêng liêng nhất, cao quý nhất và trường tồn nhất của con người chính là giá trị tinh thần. Quan niệm Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội trong tính thống nhất biện chứng giữa các nhân tố kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và đạo đức càng chứng tỏ Hồ Chí Minh nghiên cứu thấu đáo về bản chất của chủ nghĩa xã hội. Theo Hồ Chí Minh, "...chỉ ở trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì mỗi người mới có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình”[16]. Bản chất của chủ nghĩa xã hội ưu việt ở chỗ "không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”[17]. Như thế, chủ nghĩa xã hội là một xã hội nhân văn cao cả nhất, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Đó còn là một xã hội văn hóa và không ngừng trở thành một xã hội văn hóa cao. Nó kết hợp được truyền thống nhân ái, nhân nghĩa, khoan dung văn hóa của cha ông với tầm cao tư tưởng, văn hóa của xã hội hiện đại, đảm bảo cho người lao động có cuộc sống xứng đáng nhất trong độc lập - tự do - hạnh phúc.

4. Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một xã hội công bằng, nhân đạo và tốt đẹp
 
Hồ Chí Minh coi công bằng xã hội là một trong những đặc trưng mang tính nhân văn của chế độ xã hội mới: chủ nghĩa xã hội là “một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng”[18]. Theo Người, công bằng và bình đẳng xã hội cho tất cả mọi người chỉ có thể có được trong chế độ xã hội mới, đó là chế độ dân chủ cộng hoà, là chế độ xã hội chủ nghĩa. Chỉ dưới chế độ xã hội tốt đẹp ấy, nhân dân lao động mới được hưởng ngày càng nhiều hơn, đầy đủ hơn sự công bằng và bình đẳng, mới vừa “có nghĩa vụ, đồng thời có quyền lợi”[19].
 
Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn đấu tranh để bảo vệ các quyền tự nhiên và chính đáng của con người, trước hết là của nhân dân lao động; coi nội dung công bằng xã hội là chất lượng và mục tiêu của một cơ cấu đạo đức mới, của trật tự xã hội cao hơn chủ nghĩa tư bản. Vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin coi lao động là tiêu chí, là thước đo để bảo đảm thực hiện phân phối một cách công bằng trong xã hội xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh đã khẳng định: Tất cả mọi người đều phải lao động. Lao động nhiều thì hưởng nhiều, lao động ít hưởng ít. Ngoài ra, Người còn có một sự bổ sung quan trọng khi khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội ấy là lấy nhà máy, xe lửa, ngân hàng... làm của chung. Ai làm nhiều thì ăn nhiều, ai làm ít thì ăn ít, ai không làm thì không ăn, tất nhiên là trừ những người già cả, đau yếu và trẻ con”[20].

Theo Hồ Chí Minh, thực hiện công bằng xã hội chính là giải quyết mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi thành viên trong xã hội. Ngay trong thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở vào giai đoạn quyết liệt, nhân dân miền Bắc phải chịu nhiều khó khăn, thiếu thốn để dồn hết tài lực, vật lực cho tiền tuyến lớn miền Nam, Hồ Chí Minh phát biểu trước Hội đồng Chính phủ:

“Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng.
 Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”[21].

Sự thiếu thốn, nghèo nàn đương nhiên là điều không ai muốn, song tình trạng đó dẫu sao cũng không đáng sợ bằng sự bất công hay sự ly tán lòng dân. Chính từ luận điểm này, Hồ Chí Minh đã thấy được ý nghĩa quan trọng và vai trò to lớn của công bằng xã hội với tính cách một mục tiêu, một động lực cơ bản thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Sự không công bằng, sự ly tán lòng dân có thể dẫn đến những bất đồng, mất đoàn kết - một mối đe doạ tiềm ẩn đối với sự tồn vong của chế độ xã hội, đối với sự thịnh suy của đất nước. Ngược lại, khi công bằng xã hội được thực hiện cũng có nghĩa là lợi ích của mỗi người được tôn trọng và bảo đảm. Điều này là một chất xúc tác mạnh mẽ khuyến khích, động viên mọi người hăng hái lao động, học tập để vừa tạo nên nguồn thu nhập chân chính cho bản thân mình, vừa làm cho xã hội ngày càng trở nên giầu có, thịnh vượng.

Như vậy, chủ nghĩa xã hội trong quan niệm của Hồ Chí Minh là chế độ xã hội trước hết làm cho nhân dân lao động có công ăn việc làm, được ấm no và có cuộc sống hạnh phúc. Đó là một xã hội mới, công bằng nhân đạo và tốt đẹp, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, con người hạnh phúc. Mục tiêu nhân văn đó của chủ nghĩa xã hội được Người khẳng định một cách giản đơn và dễ hiểu: “Điều quan trọng bậc nhất trong kế hoạch kinh tế của chúng ta hiện nay là nhằm cải thiện dần đời sống của nhân dân”[22]. Trước lúc đi xa, Người vẫn không quên căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”[23]. Điều đó cho thấy, tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội là xã hội vì con người, vì cuộc sống ấm no hạnh phúc của con người, vì sự phát triển con người.../.
----------------------------------------

Ghi chú:

- (1,2,3,4,10) Hồ Chí Minh (2013), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.1,187,1,64,153.
- (12) Hồ Chí Minh (2013), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.75.
- (13) Hồ Chí Minh (2013), Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.269.
- (9,19) Hồ Chí Minh (2013), Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.263,264.
- (20,22) Hồ Chí Minh (2013), Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.390,314.
- (6,15,16,17,18) Hồ Chí Minh (2013), Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.609,610,610,610,241.
- (5,7,11) Hồ Chí Minh (2013), Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.568,374,375.
- (8,14) Hồ Chí Minh (2013), Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,  tr.66-67,438.
- (21,23) Hồ Chí Minh (2013), Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.224,622.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực