Phần thuyết trình là một trong ba nội dung quan trọng thi bắt buộc đối với mỗi thí sinh tham dự Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi khu vực phía Nam do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức từ ngày 11-14/10 tại Thành phố Cần Thơ.
Tham dự Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi lần này có 41 thí sinh là những gương mặt tiêu biểu, đại diện cho hàng trăm cán bộ, giảng viên đang công tác tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện của 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Với 25 phút trình bày, thí sinh Huỳnh Văn Sử đã nêu rõ được mục đích
của bài giảng nhằm giúp cho học viên nắm rõ cốt lõi Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam - Ảnh: PC.
Mỗi thí sinh tham dự hội thi lựa chọn một bài trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được giảng dạy ở trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện do Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành, gồm: Chương trình học tập lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng; chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới; chương trình bồi dưỡng công tác đảng cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở; các chương trình bồi dưỡng chuyên đề; chương trình Sơ cấp lý luận chính trị; các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ dành cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Về hình thức thi, mỗi thí sinh trải qua 3 nội dung, đồng thời là 3 kỹ năng quan trọng cần có đối với người giảng viên lý luận chính trị giỏi: Kỹ năng soạn giáo án; kỹ năng thuyết trình và kỹ năng ứng xử (trả lời câu hỏi).
Đến với Hội thi, đồng chí Huỳnh Văn Sử - Giảng viên chuyên trách Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau lựa chọn giảng bài về: Khái lược lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nằm trong chương trình Bồi dưỡng Lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng, cán bộ đoàn thể ấp, khóm trên địa bàn huyện.
Trong phần thi thao giảng, thí sinh Huỳnh Văn Sử đã sử dụng các phương pháp thuyết trình, phân tích, logic vấn đề, vấn đáp, thảo luận nhóm. Bên cạnh đó, với các phương tiện, đồ dùng dạy học gồm: Giáo trình, giáo án máy tính, máy chiếu, phông chiếu, bảng, phấn… Sau 25 phút thao giảng, thí sinh Huỳnh Văn Sử đã nêu rõ được mục đích cốt lõi của bài giảng nhằm giúp cho học viên nắm rõ tiến trình về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, những thành tựu vĩ đại của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và những truyền thống quý báu của Đảng ta; giáo dục cho học viên ý thức tự hào về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng nước ta. Qua những nội dung thao giảng của thí sinh Huỳnh Văn Sử đã có những định hướng giúp các học viên có động lực phấn đấu, rèn luyện để trở thành đảng viên và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thí sinh Phan Lê Băng Tuyền thực hiện phát vấn giảng tại Hội thi - Ảnh: PC
Là một trong số ít thí sinh lựa chọn chuyên đề về Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay để tham gia Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi khu vực phía Nam, thí sinh Phan Lê Băng Tuyền, Giảng viên kiêm chức Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện bài giảng của mình thông trình tự các bước như: Làm quen với lớp, khái quát thông tin chung về lớp học, kiểm tra bài cũ, giảng bài mới...
Qua hơn 25 phút trình bày tại Hội thi, với việc sử dụng phương pháp thuyết trình kết hợp với với các phương tiện giảng dạy giáo án bằng máy chiếu, thí sinh Phan Lê Băng Tuyền đã trình bày và làm rõ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam về Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Thông qua bài giảng của mình, thí sinh Phan Lê Băng Tuyền đã giúp cho học viên nắm rõ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta về “Xã hội xã hội dân chủ mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh, do nhân dân làm chủ…”.
Đại diện Ban giám khảo đánh giá, nhận xét về bài giảng của thí sinh - Ảnh: PC.
Đặc biệt, qua bài giảng, thí sinh Phan Lê Băng Tuyền đã giúp cho học viên nắm rõ các giải pháp để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn ngày nay như: Xây dựng và hoàn thiện chế độ dân chủ rộng rãi; xây dựng các tổ chức đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể xã hội vững mạnh để bảo đảm dân chủ trong xã hội; đảm bảo phát huy dân chủ trong Đảng là hạt nhân; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa phải đi liền với việc đề cao trách nhiệm công dân và bảo đảm giữ vững kỷ luật kỷ cương xã hội…
Sau khi các thí sinh kết thúc bài giảng, đại diện Ban giám khảo đã có những nhận xét, đánh giá chung về bài giảng, trong đó nêu những mặt tích cực, những hạn chế cần rút kinh nghiệm để có một bài giảng lý luận chính trị đạt hiệu quả hơn.
Ban Tổ chức Hội thi họp xét chọn các thí sinh có thành tích xuất sắc - Ảnh: PC.
Đến hết buổi sáng 13/10, 41 thí sinh tham dự Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi lần này đã hoàn thành chương trình của Hội thi.
Theo chương trình của Hội thi, chiều 13/10, Ban Giám khảo của Hội thi chấm và tổng kết điểm thi của các thí sinh để Ban Tổ chức Hội thi tiến hành trao giải cho các thí sinh xuất sắc./.