Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp nhận bản thảo bộ Quốc sử

Thứ năm, 12/11/2020 21:08
(ĐCSVN) - Ngày 12/11, Bộ KH&CN đã tổ chức Lễ tiếp nhận bản thảo Đề án "Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam" (còn gọi là Quốc sử) gồm 25 tập Thông sử, 5 tập Biên niên sử với sự tham gia của gần 300 nhà khoa học, thực hiện trong 5 năm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và một số thành viên Ban soạn thảo bộ Quốc sử tại Lễ tiếp nhận. (Ảnh: TL).  

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện các bộ, ban, ngành, nhà khoa học tham dự Lễ tiếp nhận.

Đề án "Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam" (còn gọi là Quốc sử) được thực hiện từ năm 2015, gồm 25 tập thông sử (trong đó, 13 tập Lịch sử Việt Nam thời kỳ cổ - trung đại, 12 tập thời kỳ cận - hiện đại) và 5 tập Biên niên sự kiện lịch sử (trong đó 3 tập thời kỳ cổ - trung đại, 2 tập thời kỳ cận - hiện đại).

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc cho biết: Kinh phí thực hiện Đề án được cấp bởi Quỹ Nafosted và đây cũng là một trong các nhiệm vụ khoa học công nghệ đầu tiên thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Đề án được thực hiện bởi gần 300 nhà khoa học thuộc các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy lịch sử trên cả nước, tại các viện nghiên cứu, các trường đại học, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Thừa Thiên Huế và Thành phố Hồ Chí Minh.

" Đây là lần đầu tiên một Đề án đặc biệt lớn về quy mô, phạm vi nghiên cứu, nhận được sự quan tâm của giới học giả trong, ngoài nước và cả người dân. Trong các chương trình về khoa học xã hội và nhân văn, đây là Đề án đầu tiên thực hiện việc xây dựng Thể lệ biên soạn để bảo đảm sự thống nhất của công trình" - Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh .

Tại lễ tiếp nhận, đại diện các nhóm nghiên cứu đã báo cáo về quá trình thực hiện cũng như nội dung của từng nhiệm vụ trong Đề án, sau lễ tiếp nhận bản thảo, sẽ tổ chức thẩm định chuyên gia, đánh giá nghiệm thu các đề tài thuộc đề án. Các đề tài tiếp tục điều chỉnh bản thảo theo ý kiến chuyên gia và kết luận của Hội đồng khoa học, đối chiếu giữa các tập Chính sử, Biên niên, để bảo đảm chất lượng biên soạn, tính thống nhất của bộ Quốc sử trước khi đưa vào biên tập xuất bản.

Phát biểu tại lễ tiếp nhận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, bộ Quốc sử có ý nghĩa rất đặc biệt không chỉ về mặt khoa học mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học lịch sử, các nhà khoa học thuộc các ngành khác nhau, các giới trong nước và quốc tế.

Dân tộc ta có bề dày lịch sử truyền thống anh hùng và văn hiến hết sức chú trọng quá khứ với đầy đủ trách nhiệm trước hiện tại, tương lai và với tổ tiên nhưng trải qua rất nhiều triều đại, hàng nghìn đời nhưng số bộ quốc sử còn lại không nhiều. Sau rất nhiều thời gian chuẩn bị, chúng ta đã có quyết định về một loạt nhiệm vụ, đề tài khoa học xã hội ở tầm quốc gia rất quan trọng là nghiên cứu, biên soạn, tiến tới xuất bản bộ Quốc sử, bộ Quốc chí, bộ Bách khoa thư và dự án Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng ghi nhận sự đóng góp của gần 300 nhà khoa học lịch sử, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cố Giáo sư sử học Phan Huy Lê, các cán bộ nghiên cứu, lưu trữ đã trực tiếp, gián tiếp tham gia hỗ trợ các nhà khoa học, các cơ quan nhà nước trong quá trình nghiên cứu, biên soạn bộ Quốc sử; sự quan tâm, góp ý của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học, trí thức đã dành nhiều tâm sức nghiên cứu, đóng góp, bổ sung, kể cả góp ý và phản biện trong quá trình biên soạn.

H.Thu (t/h)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực