Cà Mau: Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để phát huy lợi thế
Thứ hai, 11/10/2021 15:15 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Cà Mau đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu. Do đó, để giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất do thiên tai, phát huy tối đa lợi thế, khai thác triệt để tiềm năng, việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ là giải pháp quan trọng, đột phá.
Theo đó, Cà Mau đã xây dựng chương trình khoa học và công nghệ và đổi mới, sáng tạo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình được xây dựng trên tinh thần chỉ đạo của tỉnh là gắn với nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội để phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế. Trong đó, tập trung vào các nội dung lớn như đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển kinh tế biển; ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển năng lượng tái tạo và phát triển nuôi thủy sản...
Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều mô hình kinh tế ở Cà Mau như nuôi trồng tôm - lúa mô hình tôm - lúa tại huyện Thới Bình, huyện U Minh đã phát huy tối đa lợi thế nhờ được áp dụng khoa học, công nghệ và tổ chức lại sản xuất. Từ đó góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
|
Mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Nguồn ảnh: Báo Cà Mau |
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau Lê Thanh Triều, từ nền tảng của khoa học và công nghệ, nền nông nghiệp Cà Mau có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế như: USDA của Mỹ, EU của châu Âu, GAP của Nhật Bản…, nhiều sản phẩm sinh thái, hữu cơ, an toàn được các tổ chức trong và ngoài nước công nhận. Việc tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất đã giúp người dân đạt lợi nhuận tốt hơn, nhất là nâng tầm được nhiều sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh.
Thời gian tới, Cà Mau xác định đẩy mạnh hoạt động xúc tiến các hợp đồng liên kết doanh nghiệp với vùng nuôi theo chuỗi giá trị nhằm đạt mục tiêu toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 5.000 ha nuôi tôm siêu thâm canh; 175.000 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn; 25.000 ha nuôi tôm hữu cơ; 1.100 ha nuôi cua hữu cơ; 100.000 ha nuôi thuỷ sản kết hợp. Lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đạt 1.000 ha; sản xuất lúa hữu cơ đạt 2.000 ha. 15.000 ha rừng sản xuất có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã xây dựng kế hoạch dành trên 5.000 tỷ đồng để triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả./.
Hoàng Trang