Chú trọng phát triển thị trường khoa học công nghệ

Thứ hai, 21/09/2020 16:39
(ĐCSVN) - Tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu 50-70% các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh có khả năng thương mại hóa để trở thành động lực quan trọng xây dựng nền kinh tế sáng tạo của tỉnh.

Đây là một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án “Cố đô Khởi nghiệp, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt.

Theo Đề án, trong giai đoạn 2021- 2025, hằng năm tỉnh hỗ trợ ít nhất 1 - 2 nhiệm vụ KH&CN cho doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu KH&CN đã được nghiệm thu. Phấn đấu 100% các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ từ các chính sách và ưu tiên sử dụng các hoạt động hỗ trợ của Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế và Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo - Đại học Huế.

Ít nhất 50% học sinh phổ thông trung học và sinh viên các trường đại học, cao đẳng được đào tạo, tập huấn kiến thức và tư duy về đổi mới sáng tạo. Ít nhất 500 lượt tổ chức, cá nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được đào tạo, tập huấn trên toàn tỉnh. Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý chính sách thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, trong đó, xây dựng và ban hành 1-2 chính sách có liên quan để hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ứng dụng nghiên cứu khoa học sản xuất Biochar từ rác thải hữu cơ tại
Trường ĐH Nông Lâm, Đại học Huế. (Ảnh:skhcn.thuathienhue.gov.vn)

Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cũng được nêu tại Đề án. Trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng phát triển tài sản trí tuệ và thị trường KH&CN để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đẩy mạnh hoạt động đăng ký, bảo hộ và khai thác các sáng chế/giải pháp hữu ích trên địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động như: tổ chức cuộc thi sáng chế; các giải thưởng KH&CN, giải thưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật; hỗ trợ các mô hình khai thác sáng chế/giải pháp hữu ích và các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên các kết quả nghiên cứu KH&CN.

Hình thành và phát triển hệ thống các tổ chức KH&CN thích hợp. Sớm xây dựng thành công khu ươm tạo công nghệ, thúc đẩy hình thành doanh nghiệp KH&CN trong các trường thuộc Đại học Huế. Chuyển đổi các tổ chức KH&CN có tiềm năng công lập sang doanh nghiệp KH&CN, trước hết là hỗ trợ các trường thuộc Đại học Huế chuyển đổi một số tổ chức KH&CN sang mô hình doanh nghiệp KH&CN. Đề án cũng nêu giải pháp kết nối các bên tham gia vào thị trường KH&CN, tạo sự kết nối giữa nhà khoa học của đơn vị nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp KH&CN với cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, phân phối, thương mại.

Đề án “Cố đô Khởi nghiệp, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”  nhằm nâng cao nhận thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ đó, hình thành phong trào và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng./.

Tường Huy
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực