Chuyển dịch năng lượng sạch - xu thế tất yếu và lợi ích
Chủ nhật, 20/09/2020 14:24 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Toạ đàm trực tuyến “Chuyển dịch năng lượng sạch - xu thế tất yếu và lợi ích cho địa phương” với sự tham gia của 8 điểm cầu Hà Tĩnh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đã thảo luận về những thách thức và rào cản cho phát triển năng lượng sạch; đề xuất các giải pháp, sáng kiến đột phá để thúc đẩy năng lượng sạch, đảm bảo bền vững ở khu vực Bắc Trung Bộ.
Toạ đàm do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam và các đối tác tổ chức ngày 18/9.
|
Các đại biểu tham dự Toạ đàm tại điểm cầu Hà Tĩnh. (Ảnh: baohatinh.vn) |
Nắm bắt xu thế phát triển năng lượng, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành một số chủ trương, chính sách và cơ chế, trong đó xác định chiến lược phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã tạo những thúc đẩy mạnh mẽ trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Nghị quyết nêu nhiệm vụ quan trọng là xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế.
Từ các chủ trương khuyến khích của nhà nước, gần đây, nhiều dự án điện gió và mặt trời cũng được gia tăng, bổ sung vào quy hoạch điện. Tính đến tháng 6 năm 2020, tổng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo đã chiếm khoảng 10% công suất của cả hệ thống điện Việt Nam với khoảng 5.500MW. Trong đó, Miền Trung là khu vực có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo rất lớn. Với cơ chế hỗ trợ giá đối với các loại hình năng lượng tái tạo, khu vực này đã ghi nhận các dự án với gần 3.000 MW điện năng lượng tái tạo đi vào vận hành, riêng điện mặt trời là khoảng 1.160 MW.
|
Nghị quyết số 55-NQ/TW xác định ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện.
(Ảnh minh hoạ. Nguồn: TTXVN)
|
Tại Toạ đàm, các đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận về một số nội dung: Cập nhật tiến bộ về chuyển dịch năng lượng sạch trên thế giới, Việt Nam và khu vực Bắc Trung Bộ; các thách thức và rào cản trong phát triển năng lượng sạch ở khu vực Bắc Trung Bộ; lợi thế, cơ hội, lợi ích của phát triển năng lượng bền vững đối với đảm bảo an ninh năng lượng, thu hút đầu tư, tạo việc làm, phục hồi và tăng trưởng kinh tế xanh; giải pháp, sáng kiến đột phá để thúc đẩy năng lượng sạch, đảm bảo công bằng và bền vững ở khu vực Bắc Trung Bộ.
Thông qua tọa đàm góp phần giúp các địa phương khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng./.
Tú Minh (tổng hợp)