Công cụ hỗ trợ doanh nghiệp

Thứ sáu, 16/10/2020 17:00
(ĐCSVN) - Hoạt động đo lường Việt Nam cần phải có những giải pháp thiết thực nhằm phát triển lên một tầm cao mới, khẳng định vị trí là công cụ đắc lực hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

 Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định  phát biểu tại  Hội  nghị.

( Ảnh: BL)

Ngày 16/10, tại Hà Nội, Viện Đo lường Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức Hội nghị Hướng dẫn triển khai thực hiện đề án tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ Doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Xuân Định cho biết: Phát triển hạ tầng đo lường quốc gia trong bối cảnh mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong suốt 7 thập niên qua (kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 08/SL về đo lường ngày 20/1/1950).

Trong bối cảnh mới hiện nay, hoạt động đo lường Việt Nam cần phải có những giải pháp thiết thực nhằm phát triển lên một tầm cao mới, khẳng định vị trí là công cụ đắc lực hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở đó, ngày 10/8/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Chính vì vậy, việc tìm ra các giải pháp hữu hiệu thông qua hoạt động đo lường của các bộ, ngành, địa phương để cùng nhau xây dựng, phát triển hạ tầng đo lường quốc gia sẽ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, đồng thời đề xuất, thiết lập những cơ chế và phương thức phối hợp phù hợp với những yêu cầu, điều kiện của biện pháp quản lý mới trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh Cuộc CMCN lần thứ 4 đang diễn ra nhanh chóng trong phạm vi toàn thế giới.

Theo TS Cao Xuân Quân, Viện trưởng Viện đo lường Việt Nam, với mục tiêu phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu bảo đảm đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam, hướng dẫn triển khai thực hiện đề án tăng cường đổi mới hoạt động Đo lường sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; tăng cường hoạt độn đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực trong xã hội để đóng góp phát triển hoạt động đo lường. Xây dựng và áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệ phương tiện đo, chuẩn đo lường.

Bên cạnh đó, hướng dẫn triển khai thực hiện đề án tăng cường đổi mới hoạt động đo lường tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phố biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp.

Các cơ quan quản lý đo lường đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận đủ 41 chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch đã được duyệt; công nhận ít nhất 200 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận trong khuôn khổ Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toan cầu về đo lường. Phát triển ít nhất 100 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại đáp ứng nhu cầu bảo đảm chính xác cho doanh nghiệp; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho ít nhất 10.000 cán bộ. Việc triển khai chương trình bảo đảm đo lường thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và hoạt động xây dựng phương pháp đo ít nhất 50.000 doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, định hướng đến năm 2030, hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận ít nhất 300 phép thử tiêu chuẩn được quốc tế thừa nhận; phát triển được ít nhất 250 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại...

B.L(t/h)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực