Mô hình Chợ 4.0 góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Thứ sáu, 30/09/2022 09:24
(ĐCSVN) – Thời gian qua, mô hình Chợ 4.0 tại nhiều địa phương đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt, kích thích hoạt động mua sắm, góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chương trình chuyển đổi số trên địa bàn.

Người dân và tiểu thương tại các chợ thích thú với trải nghiệm mua sắm
không dùng tiền mặt  (
Nguồn ảnh: SGGP)

Triển khai mô hình “Chợ công nghệ - chợ 4.0” không dùng tiền mặt

Với mô hình Chợ 4.0, toàn bộ tiểu thương và người dân có thể mua bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QR, hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money vô cùng nhanh chóng, thuận tiện. Lần đầu tiên, người dân có thể thoải mái đi chợ mà không còn những trở ngại như mang theo tiền lẻ, tính toán tiền thừa… Tham gia mô hình chợ 4.0, tiểu thương chỉ cần giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, số điện thoại chính chủ, sẽ có nhân viên của Viettel hỗ trợ tạo tài khoản Viettel Money để giao dịch, việc lập tài khoản chỉ trong vài phút. Các điểm kinh doanh được trang bị bảng quét mã QR để khách hàng dễ thanh toán. Ngay cả khi điện thoại của khách hàng không có kết nối internet cũng vẫn có thể thanh toán được thông qua việc nhập mã trên điện thoại.

Theo đó, chợ 4.0 là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại các chợ trực thuộc Sở Công Thương quản lý. Đồng thời, tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại; hướng đến triển khai áp dụng cho các chợ còn lại trên địa bàn Đà Nẵng.

Từ đầu tháng 7/2022, người dân khi đi mua sắm ở 2 chợ Hạ Long I và Hạ Long II (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) thực hiện mô hình “Chợ công nghệ - chợ 4.0” - thanh toán số cho các hoạt động mua sắm, phí dịch vụ, không dùng tiền mặt.

Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) là đơn vị xây dựng kế hoạch và trực tiếp triển khai mô hình này. Để chương trình chuyển đổi số được diễn ra đồng bộ và hiệu quả cao, Viettel tiếp cận đồng thời tất cả các nhóm đối tượng hình thành nên hệ sinh thái tài chính số. Cụ thể, toàn bộ các tiểu thương ở hai chợ sẽ chấp nhận thanh toán bằng hình thức số qua Viettel Money như một hình thức thanh toán nhanh và nhiều tiện ích (thanh toán qua số điện thoại, thanh toán QR, chuyển khoản...); thanh toán các loại phí dịch vụ sử dụng tại chợ bằng chuyển khoản QR thông qua tài khoản Viettel Money (tiền điện, nước, phí vệ sinh môi trường...); thanh toán cho các tiểu thương khác trong chợ khi thực hiện các hoạt động mua bán với nhau. Ban Quản lý chợ sẽ thanh toán số các khoản phí thu tại chợ…

Ông Lê Việt Hà, Phó Giám đốc Viettel Quảng Ninh cho biết, để đạt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thanh toán điện tử đạt 50% theo chỉ đạo của Chính phủ, việc thanh toán số cần được đi vào từng giao dịch trong cuộc sống thường nhật, từ thành thị đến nông thôn, đặc biệt là phục vụ cho các hoạt động thanh toán hàng ngày. Do đó, việc triển khai số hóa thanh toán tại chợ là một trong những giải pháp để có thể đạt được mục tiêu này một cách bền vững.

Nhân rộng mô hình Chợ 4.0

Từ cuối tháng 4/2022, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên phối hợp UBND huyện Đại Từ và một số đơn vị triển khai thí điểm mô hình Chợ 4.0 tại chợ Trung tâm Đại Từ. Sau một thời gian triển khai, chợ Đại Từ đã có hơn 300 tiểu thương tạo mã QR phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, chiếm 80% tổng số tiểu thương; hơn 3.000 giao dịch phát sinh hàng tháng với số tiền hàng tỷ đồng. 

Ông Lê Thế Bân (kinh doanh tại chợ Trung tâm Đại Từ) cho biết, mỗi tiểu thương được hướng dẫn tạo một mã QR. Người mua hàng chỉ cần chọn sản phẩm, sau đó dùng điện thoại thông minh quét mã để thanh toán thay cho phương thức sử dụng tiền mặt như trước đây. Sau một thời gian thanh toán theo phương thức này, các tiểu thương ở chợ thấy rất thuận lợi. Nếu như trước đây, hàng ngày phải đổi vài trăm nghìn tiền lẻ để trả lại cho khách, bây giờ không cần nữa, sản phẩm trị giá bao nhiêu tiền người mua hàng sẽ chuyển thẳng vào tài khoản.

 Người dân đi chợ chỉ cần mang theo smartphone. Ảnh: Xuân Quỳnh

Chị Hoàng Phương Mây (thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ) chia sẻ, chị đã dùng phương thức thanh toán bằng điện thoại khi mua hàng tại chợ hơn 2 tháng nay và thấy rất thuận tiện. Giờ đi ra ngoài, chị hay cầm điện thoại hơn là cầm tiền mặt, lúc quên tiền cũng có thể thanh toán bằng điện thoại rất tiện lợi.

Từ thành công tại chợ Trung tâm Đại Từ, mô hình Chợ 4.0 đã được nhân rộng, triển khai ra 12 chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với trên 70% số tiểu thương đã tạo mã QR Code phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt và được nhân dân ủng hộ.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên, để Chợ 4.0 hoạt động hiệu quả, ngày càng được nhân rộng, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp tuyên truyền cho nhân dân về các lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt; phát huy vai trò của hơn 2.200 Tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn tỉnh để trực tiếp hướng dẫn, vận động người dân sử dụng, cài đặt nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt và các nền tảng, dịch vụ khác trên điện thoại thông minh… từ đó tạo cơ hội cho người dân thích ứng nhanh với những thay đổi của công nghệ số, sử dụng công nghệ số, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01 của Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Tại Đà Nẵng, từ tháng 4/2022, Sở Công Thương TP và Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) phối hợp tổ chức ra mắt mô hình chợ công nghệ 4.0. Sau một thời gian ngắn triển khai, Viettel Đà Nẵng đã xây dựng các điểm nạp/rút trong chợ và xung quanh chợ; trang bị mã code VietQR cho hơn 1.000 tiểu thương tại 3 chợ (chợ Cồn, chợ Hàn và chợ Đống Đa) kết nối với 37 ngân hàng và các ví điện tử tạp tài khoản Viettel Money để hỗ trợ tiểu thương và khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và mua bán trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng mọi lúc, mọi nơi tại 3 chợ trên.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 1.000 tiểu thương tại 3 chợ đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán của Viettel Money.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Viettel nhân rộng mô hình tại một số chợ trên địa bàn nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho tiểu thương và người dân đi chợ quen dần với thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, khuyến khích tiểu thương bán hàng qua sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội.

Ông Huỳnh Ngọc Thương, Giám đốc Viettel Đà Nẵng cho biết, dịch COVID-19 đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng về hình thức thanh toán, chuyển từ dùng tiền mặt sang sử dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt nhiều hơn. Cùng với đó, xu hướng số hóa đang dần len lỏi vào đời sống của người dân, xã hội. Vì vậy, việc triển khai chợ 4.0 sẽ giúp giao dịch mua bán tại chợ thuận lợi, an toàn hơn.

Tiện lợi, an toàn từ mô hình chợ 4.0

Từ đầu năm 2022 đến nay, Viettel Lạng Sơn đã triển khai thí điểm mô hình Chợ 4.0 (chợ công nghệ) tại chợ Giếng Vuông (thành phố Lạng Sơn) và chợ Đồng Đăng (huyện Cao Lộc). Qua đó, tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Nhân viên Viettel Lạng Sơn hướng dẫn hộ kinh doanh đăng ký Viettel Money tại chợ Giếng Vuông
Nguồn ảnh: Báo Lạng Sơn

Tháng 3/2022, Viettel Lạng Sơn phối hợp với Ban Quản lý chợ Giếng Vuông triển khai thí điểm mô hình Chợ 4.0 đầu tiên trên địa bàn tỉnh, với trên 200 tiểu thương đăng ký tham gia. Theo đó, tiểu thương và người dân có thể dễ dàng thanh toán mọi mặt hàng bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money. Khi tham gia chợ công nghệ 4.0, các tiểu thương sẽ được mở tài khoản Viettel Money miễn phí để thực hiện các giao dịch như: nạp, rút, chuyển tiền một cách nhanh chóng. Đồng thời, được cung cấp mã QR code, phụ kiện,… để thuận tiện trong việc thanh toán, quảng bá cửa hàng.

Anh Nguyễn Văn Biên, chủ hộ kinh doanh giày dép tại quầy A85, chợ Giếng Vuông cho biết: Sau khi được nhân viên Viettel Lạng Sơn hướng dẫn sử dụng ứng dụng Viettel Money, tôi thấy việc mua, bán theo hình thức không dùng tiền mặt rất thuận lợi. Việc quét mã QR để thanh toán giúp tôi tránh được những rủi ro như tiền rách, tiền giả hay đổi tiền lẻ trả lại cho khách. Từ khi triển khai chợ 4.0 đến nay, hơn 60% lượng khách hàng của tôi đã sử dụng hình thức này để thanh toán.

Chị Nguyễn Thị Hiên, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Khoảng 2 tháng nay, tôi đi chợ mà không cần mang theo tiền mặt. Những cửa hàng tôi hay mua sắm tại chợ như: quầy rau, thịt, tạp hóa, quần áo… đều đã thực hiện số hóa trong thanh toán. Sau khi lựa chọn hàng hóa, tôi chỉ cần sử dụng điện thoại quét mã QR tại cửa hàng để thanh toán rất nhanh gọn, tiện dụng. Giờ đây khi đi chợ tôi chỉ cần mang theo chiếc điện thoại thông minh là đủ.

Sau một thời gian ngắn triển khai mô hình Chợ 4.0 trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, Viettel Lạng Sơn đã xây dựng các điểm nạp/rút tiền trong chợ và xung quanh chợ; cung cấp mã QR cho các tiểu thương tại chợ. Từ những thành công bước đầu tại chợ Giếng Vuông, tháng 5/2022, Viettel Lạng Sơn tiếp tục triển khai mô hình chợ 4.0 tại chợ Đồng Đăng. Hiện nay, đã có trên 350 hộ kinh doanh tại 2 chợ mở tài khoản Viettel Money và điểm thanh toán không dùng tiền mặt. Từ tháng 3/2022 đến nay, đơn vị này đã có hàng nghìn tài khoản phát sinh giao dịch tại chợ.

Ông Vũ Thạch Hiển Giang, Phó Giám đốc Viettel Lạng Sơn cho biết: Với mục tiêu “lấy khách hàng làm trọng tâm”, việc triển khai chợ 4.0 sẽ giúp giao dịch mua bán tại chợ thuận lợi, an toàn hơn. Người bán và người mua có thể thoải mái đi chợ không cần mang tiền mặt. Thời gian tới, Viettel Lạng Sơn sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình tại một số chợ trung tâm trên địa bàn các huyện như: Bắc Sơn, Tràng Định, Hữu Lũng,… Đồng thời, đơn vị luôn đổi mới phong cách phục vụ, nâng cấp giao diện ứng dụng, đưa ra nhiều ưu đãi hơn cho khách hàng tham gia quét mã QR…. nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho tiểu thương và người dân đi chợ quen dần với thanh toán không dùng tiền mặt.

Có thể thấy, mô hình chợ thông minh 4.0 tuy mới được triển khai song đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh./.

Vân An (t/h)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực